Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Mọi người đều biết thời tiết nóng ẩm khó chịu hơn khô ráo. Nhiều nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu toàn cầu chỉ ra sự kết hợp giữa nhiệt độ nóng và độ ẩm cao sẽ vượt quá giới hạn sinh lý chịu đựng của con người, sớm làm cho nhiều nơi không thể sinh sống được, ở một số vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn cầu.
Các nhà khoa học từ Viện quan sát Trái đất (Đại học Columbia ở Hoa Kỳ) và Đại học Loughborough (Anh) quyết định tìm hiểu xem loài người đã tiến gần đến mức ranh giới nào, mà sau đó có thể sẽ xuất hiện dòng di cư lớn từ các khu vực thời tiết bất lợi và sự sụp đổ kinh tế của các quốc gia.
Họ phân tích dữ liệu từ 7877 trạm thời tiết trên khắp thế giới trong giai đoạn từ 1979 đến 2017. Nhưng nếu các nghiên cứu trước đây theo giá trị nhiệt độ và độ ẩm trung bình ban ngày hay cả ngày đêm tại các vùng lãnh thổ rộng lớn, thì ở đây các tác giả đã nghiên cứu dữ liệu chính xác đến hàng giờ, cho phép họ xác định đỉnh điểm khí hậu khắc nghiệt cục bộ trong ngắn hạn.
Trong sự ngạc nhiên, các nhà khoa học nhận thấy hiện nay trên Trái đất đã có nhiều nơi mà các thông số khí hậu định kỳ vượt quá giới hạn sinh tồn của con người.
"Nghiên cứu trước đây dự đoán điều này sẽ xảy ra trong một vài thập kỷ tới, nhưng chúng tôi thấy nó đang xảy ra ngay bây giờ", - Colin Raymond thuộc Viện quan sát Trái đất Lamont-Doherty cho biết trong một thông cáo báo chí của Đại học Columbia.
Hàng ngàn địa điểm như vậy được xác định tại châu Á, châu Phi, Australia, Nam và Bắc Mỹ. Đặc biệt là có rất nhiều nơi dọc theo bờ biển vịnh Ba Tư, vịnh Mexico và bờ biển Ấn Độ Dương, nơi nước biển bốc hơi tạo ra một lượng ẩm dồi dào được hấp thụ bởi không khí nóng. Ở một số khu vực xa bờ biển, gió mùa ẩm ướt đóng vai trò tương tự.
Các tác giả nhận thấy số giai đoạn có nhiệt độ và độ ẩm khắc nghiệt tăng gấp đôi trong suốt thời gian quan sát và tần suất của chúng có tương quan trực tiếp với sự nóng lên toàn cầu. Các sự cố định kỳ đã được ghi nhận ở hầu hết Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, tây bắc Australia, dọc theo biển Đỏ và vịnh Mexico, cũng như ở California và một số khu vực Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, châu Phi cận nhiệt đới và vùng biển Caribbean.
Các nhà khí tượng học đo lường tác động kết hợp của nhiệt độ và độ ẩm trên thang đo «bầu ướt». Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy ngay cả những người khỏe mạnh thích nghi tốt nhất, cũng không thể làm việc ngoài trời ở nhiệt độ «bầu ướt» trên 32 độ C. Đỉnh 35 độ, ghi nhận tại các thành phố của vịnh Ba Tư, được coi là giới hạn lý thuyết của sự sống còn. Với một sức tải quá lớn lên cơ thể, nếu một người không thể di chuyển vào một căn phòng có điều hòa, các cơ quan nội tạng bắt đầu gặp vấn đề.
Ở các nước nghèo, người ta không có cơ hội như vậy. Cụ thể các tác giả lưu ý, chỉ số 35 độ C đạt được vào ngày 31 tháng 7 năm 2015 tại thành phố Bandar Mahshehr của Iran, nơi nhiều ngôi nhà không có điện, không nói gì đến máy điều hòa không khí. Hơn nữa, ở các quốc gia này, người dân chủ yếu dựa vào sinh hoạt nông nghiệp, đòi hỏi phải làm việc chăm chỉ hàng ngày ngoài trời.
Tổng cộng, các nhà khoa học đã xác định được 80 địa điểm trên thế giới nơi nhiệt độ theo "bầu ướt" tăng lên trên 33 độ, rất gần với giới hạn chịu đựng sinh lý. Và điều này, với thực tế là hầu hết các trạm khí tượng thu thập các quan sát không nằm trong các khối nhà thành phố dày đặc, nơi sự tích tụ của bê tông và nhựa đường làm trầm trọng thêm hiệu ứng.
"Các phép đo này cho thấy một số khu vực trên Trái đất đã đạt tới ngưỡng nóng ẩm không thể chịu đựng được, nhanh hơn nhiều so với dự kiến. Trước đây người ta tin rằng chúng ta có biên độ an toàn cao hơn nhiều", - Raymond lưu ý.