Khi chế độ tự cách ly được áp dụng, ông chồng kỹ sư tạm thời thất nghiệp, Cecile hy vọng anh sẽ giúp cô làm việc nhà.
“Bây giờ cả hai chúng tôi đều làm việc từ xa, anh ấy làm nhiều hơn trước một chút. Tuy nhiên, tôi vẫn phải làm những việc cơ bản: mua thực phẩm, nấu ăn, hướng dẫn con làm bài tập về nhà, làm vườn, liên hệ với giáo viên, chăm lo người thân”, - mẹ của hai học sinh tiểu học nói.
Không hiểu nhau đang gia tăng
Tờ Le Monde cho biết, theo thời gian, những hiểu lầm giữa hai vợ chồng càng gia tăng, và Cecile thường cảm thấy rằng chồng đánh giá thấp gánh nặng đè lên vai cô.
“Tôi hy sinh sự nghiệp, thời gian của mình. Và tôi lúng túng vì mệt mỏi khi anh ấy xem chương trình giải trí trên TV”, - người phụ nữ trẻ thừa nhận.
“Nếu chúng tôi từng hy vọng rằng khi đàn ông buộc phải ở nhà, họ sẽ nhận ra mức độ nghiêm trọng trong công việc gia đình và đồng ý làm việc nhà nhiều hơn, thì những nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này cho thấy có lẽ điều đó đã không xảy ra”, - nhà triết học kiêm nhà đấu tranh cho nữ quyền Camilla Fruadvo-Mettri nhận xét.
Theo Viện Bình đẳng giới châu Âu (EIGR), năm 2019, 87,4% phụ nữ Pháp có con mất ít nhất một giờ đồng hồ mỗi ngày để dọn dẹp và nấu nướng, so với 25,5% nam giới có con. Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế quan ngại rằng khủng hoảng đại dịch có nguy cơ khiến cho khoảng cách này tăng lên.
Theo tờ Le Monde, các bà mẹ đơn thân, chiếm 83% tổng số cha mẹ đơn thân ở Pháp, đặc biệt dễ bị tổn thương.
Tở báo cho biết, trường học đóng cửa cũng góp phần gia tăng bất bình đẳng giới trong tất cả các tầng lớp xã hội. Theo EIGR, trong các gia đình mà cha mẹ không có trình độ học vấn đại học, 43,4% phụ nữ mất ít nhất một giờ mỗi ngày để chăm sóc con cái, so với 25,6% nam giới. Trong các gia đình có trình độ học vấn cao, tỷ lệ này là 51,8% so với 28,7%.
“Đánh thức con, đưa đến trường, ăn trưa, lại đến trường, ăn nhẹ buổi chiều, chơi với con… Trên thực tế, tôi chỉ bắt đầu làm việc vào lúc 9 giờ tối và xong việc lúc 1 giờ sáng”, - Charlotte, người đứng đầu công ty quảng cáo ở Marseille và là mẹ của ba đứa trẻ cho biết.
Cô thừa nhận rằng chồng cô hỗ trợ nhiều hơn trước, nhưng điều này không đủ để giảm số lượng công việc đã tăng lên gấp đôi. Đồng thời, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những người đàn ông bắt đầu giúp đỡ vợ nhiều hơn trong giai đoạn tự cách ly thích những chuyến đi mua sắm ở cửa hàng, cho phép họ rời khỏi nhà.
Quan điểm đa số
Le Monde lý giải, theo quan điểm đa số, nấu ăn và việc nhà được cho là phẩm chất thiên bẩm của phụ nữ. Bản thân phụ nữ cũng thường nghĩ như vậy, và điều đó đôi khi ngăn họ yêu cầu chồng giúp đỡ mình để "giải thoát bản thân khỏi huyền thoại về nữ siêu nhân có thể kiểm soát tình hình trên mọi mặt trận mà không hề chớp mắt".
Các công trình của nhà xã hội học người Đức Yvonne Lott cho thấy, trái với quan niệm phổ biến, làm việc từ xa và lịch làm việc linh hoạt chỉ tăng thêm sự bất bình đẳng trong gia đình.
“Trong hầu hết các trường hợp, đàn ông sử dụng sự linh hoạt này để làm việc nhiều hơn, còn phụ nữ sử dụng nó để kết hợp tốt hơn giữa việc riêng và việc công”, - chuyên gia EIGR Blandin Mollar giải thích.