Luật sư của vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết đề nghị triệu tập Trung tá Cao Giang Nam, nguyên Phó trưởng Công an TP. Thái Bình vì nghi vấn chống lưng cho nhóm giang hồ Đường Nhuệ lộng hành suốt thời gian qua và không làm tròn nhiệm vụ, trách nhiệm của một người công an nhân dân.
Ngoài ra, đánh giá án sơ thẩm xét xử sơ xài, HĐXX phiên phúc thẩm quyết định hủy bản án sơ thẩm, kết tội lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm và bà Phạm Thị Quyết. Đồng thời, Tòa yêu cầu Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Thái Bình điều tra lại vụ án, xem xét sự dính líu của nhóm giang hồ đại gia Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) đối với vụ việc của Công ty Lâm Quyết.
Điều tra lại vụ án Công ty Lâm Quyết: Đường Nhuệ không thể vô can
Ngày 11/5/2020, HĐXX Tòa án Cấp cao tại Hà Nội trong phiên tòa phúc thẩm vụ án lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản đối với vợ chồng ông Nguyễn Văn Lẫm (58 tuổi) và bà Phạm Thị Quyết (53 tuổi)- chủ Công ty TNHH Lâm Quyết tại xã Vũ Chính, TP Thái Bình, đã tuyên hủy bản án cấp sơ thẩm trước đó năm 2019.
Đồng thời, HĐXX đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình điều tra lại vụ án, xem xét sự liên quan của Nguyễn Xuân Đường (tức Đường Nhuệ) trong vụ việc này.
Chiều 11/5, cùng với quyết định hủy án sơ thẩm, HĐXX cũng giao cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình làm rõ tố cáo Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) cùng đồng bọn đột nhập, xâm phạm tư gia, trụ sở doanh nghiệp dẫn đến mất giấy tờ, tài liệu quan trọng liên quan vụ án.
Về nội dung này, tại phiên xét xử phúc thẩm vụ ngày hôm qua, cả vợ chồng bị cáo cùng nhiều nhân chứng có mặt tại tòa đều khẳng định Nguyễn Xuân Đường là người huy động các đàn em đến chiếm đóng trụ sở Công ty Lâm Quyết từ ngày 3 đến 19/10/2017, dẫn tới việc nhiều tài sản và tài liệu giấy tờ chứng minh công nợ tại công ty bị thất lạc.
Trước đó, ngày 16/4/2018, ông Lẫm, bà Quyết bị Công an TP.Thái Bình bắt về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sau khi một chủ nợ là ông Đỗ Văn Tới (65 tuổi, ngụ phường Phúc Khánh, TP.Thái Bình) tố cáo đã chiếm đoạt khoản vay 900 triệu đồng. Ngày 12/6/2019, ông Lẫm, bà Quyết bị TAND tỉnh Thái Bình tuyên phạt 14 và 13 năm tù. Tuy nhiên, dù gia đình liên tục kêu oan nhưng không có kết quả.
Tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 11 tháng 5, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cấp cao tại Hà Nội nhận định: Qua hồ sơ tài liệu vụ án và thông tin trao đổi giữa các bị cáo, bị hại và nhân chứng có mặt tại tòa cho thấy có rất nhiều nội dung trong cáo trạng tại phiên tòa sơ thẩm còn mâu thuẫn, nhưng lại chưa được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình và hội đồng xét xử (HĐXX) cấp sơ thẩm làm rõ để đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội trong vụ án.
Với những cơ sở này, đại diện VKSND cấp cao đề nghị HĐXX phúc thẩm vụ án cần phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ các mâu thuẫn trong vụ án.
HĐXX tiến hành nghị án sau khi nghe nội dung trình bày của đại diện VKSND cấp cao với nhiều quan điểm yêu cầu làm sáng tỏ về vụ án và nội dung mà các bị cáo, bị hại cùng nhân chứng nêu tại phiên tòa phúc thẩm.
Chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Ngô Hồng Phúc đã phân tích về các mâu thuẫn vẫn chưa được làm rõ trong vụ án và quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 25 ngày 12/6/2019 của TAND tỉnh Thái Bình, chuyển hồ sơ cho VKSND tỉnh Thái Bình tiếp tục xử lý theo quy định.
Chủ toạ Ngô Hồng Phúc cho hay, lời khai của vợ chồng bị cáo, của bị hại và nhân chứng cho thấy còn nhiều vấn đề chưa được tòa sơ thẩm xem xét, làm rõ. Chẳng hạn như việc Đường Nhuệ và con nuôi là Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến trắng) là nhân chứng, hoàn toàn không phù hợp bởi hai người này bị vợ chồng ông Lẫm tố cáo có hành vi chiếm đoạt, tiêu hủy tài sản của Công ty Lâm Quyết.
HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội kiến nghị với Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình và VKSND tỉnh Thái Bình hủy thông báo số 12 ngày 29/3/2018 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình về việc không khởi tố vụ án hình sự đối với nội dung tố cáo của ông Lẫm, bà Quyết liên quan hành vi của Nguyễn Xuân Đường cùng đồng bọn chiếm đóng trái phép trụ sở Công ty TNHH Lâm Quyết từ ngày 3 đến 19/10/2017.
Đồng thời với kiến nghị này, HĐXX kiến nghị hai cơ quan trên ra quyết định khôi phục khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi chiếm đóng trái phép Công ty TNHH Lâm Quyết, từ đó xác định việc có hay không hủy hoại tài sản và các hồ sơ, tài liệu bên trong công ty của Đường Nhuệ.
Theo HĐXX, hành vi này nếu được làm rõ sẽ có vai trò quan trọng trong việc xác định hành vi phạm tội của vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết trong vụ án lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản.
Một lần nữa, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội đánh giá HĐXX cấp sơ thẩm của TAND tỉnh Thái Bình đã có nhiều thiếu sót nghiêm trọng trong việc xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản khi có nhiều nội dung liên quan việc vay nợ, thanh toán công nợ và cả hành vi chiếm đóng trái phép trụ sở Công ty TNHH Lâm Quyết cần phải được đối chất, điều tra làm rõ nhưng lại chưa được tiến hành.
Trong cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thái Bình nêu rõ, kết luận điều tra vụ án và bản án sơ thẩm đều cho rằng việc ông Lẫm và bà Quyết bỏ trốn là dấu hiệu tội chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm tại Hà Nội cho rằng cần làm rõ việc vợ chồng ông Lẫm có bỏ trốn hay không, vì sao trốn, đi những đâu, thời gian nào, làm việc gì, nguyên nhân do đâu, có bị dọa giết như trong tố cáo nêu hay không.
Về vấn đề này, khai trước tòa, vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết đều cho rằng do lo sợ bị Nguyễn Xuân Đường giết nên mới phải trốn.
Theo HĐXX, cơ quan chức năng Thái Bình cũng chưa xác minh được số người mà vợ chồng bị cáo vay nợ, điều tra có hay không việc vợ chồng bị cáo sử dụng xe Camry đi thế chấp cho nhiều người để vay tiền, thực hiện hành vi lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số này có khoản vay 900 triệu đồng liên quan ông Đỗ Văn Tới.
Việc ông Tới tố vợ chồng bị cáo Lẫm chưa trả tiền vay gốc, làm trái hợp đồng vay mượn, mang ôtô thế chấp đi bán cho người khác cũng chưa được làm rõ. Trong khi đó, vợ chồng bị cáo lại cho rằng đã trả tiền, giấy biên nhận bị mất trong thời gian Đường Nhuệ chiếm đóng trụ sở công ty của bị cáo.
“HĐXX không thể có điều kiện để làm rõ các mâu thuẫn này, do vậy việc trả hồ sơ cho cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ là cần thiết để đảm bảo tính khách quan của vụ án”, Tòa án Cấp cao ở Hà Nội nhấn mạnh.
Đường Nhuệ dọa giết vợ chồng ông Lẫm bà Quyết
Trong phiên xét xử phúc thẩm vụ án vợ chồng ông Lẫm, bà Quyết hôm qua 11 tháng 5, Đường Nhuệ cũng được triệu tập với tư cách là người có quyền lợi và trách nhiệm liên quan.
Theo kết quả điều tra vụ án, năm 2017, vợ chồng ông Lẫm vay của Đường Nhuệ 1,7 tỷ đồng. Sau đó, Đường Nhuệ đòi nợ, vợ chồng ông Lẫm xin khất, nhưng Đường không đồng ý và yêu cầu vợ chồng ông Lẫm bán lại Công ty TNHH Lâm Quyết để trừ nợ.
Ngày 3/10/2017, Nguyễn Xuân Đường dẫn người đến chiếm Công ty TNHH Lâm Quyết và đe dọa vợ chồng ông Lẫm. Hôm sau, đàn em Đường Nhuệ cũng đuổi hết công nhân của công ty tới làm việc.
Ngày 16/10/2017, gia đình ông Lẫm gửi đơn tới cơ quan chức năng, tố cáo Đường chiếm đoạt, tẩu tán, phá hoại tài sản, đe dọa giết người. Đến ngày 19/10/2017, người của Đường rút khỏi Công ty TNHH Lâm Quyết. Công ty TNHH Lâm Quyết sau đó phát hiện mất nhiều tài sản, hồ sơ quan trọng.
Tại phiên tòa hôm qua, Nguyễn Xuân Đường thừa nhận cùng con nuôi là Bùi Mạnh Tiến (tức Tiến trắng) đến Công ty TNHH Lâm Quyết. Tuy nhiên, khi thấy nhiều người có mặt tại đây định mang đồ đạc đi, Đường bỗng nhiên tốt bụng nên quyết giữ tài sản cho vợ chồng ông Lẫm, đồng thời đã ngăn cản hành vi phá hoại của “anh em”.
“Gia đình tôi có cho vợ chồng ông Lẫm vay tiền, cụ thể chi tiết số tiền vay là bao nhiêu thì vợ tôi quản lý. Khi nghe thông tin vợ chồng ông ấy không còn ở công ty, tôi cùng với con nuôi đi đến để nghe ngóng thông tin. Khi đến đã thấy có hàng chục người có mặt ở đây, một số người còn huy động xe để định lấy đồ đạc đi thì tôi ngăn lại”, Tuổi trẻ dẫn lời Nguyễn Xuân Đường khai trước tòa.
Đường Nhuệ cũng phủ nhận việc huy động đàn em chiếm và cướp phá tài sản Công ty Lâm Quyết. Thế nhưng, nhiều nhân chứng được triệu tập đến phiên tòa phúc thẩm đều cho biết Đường Nhuệ cùng đàn em đã chiếm Công ty Lâm Quyết.
Theo Nguyễn Xuân Đường, đúng là có việc trao đổi qua điện thoại với ông Lẫm và trong quá trình này có lúc đã nóng nảy nên lời nói có việc đe dọa ông Lẫm và gia đình, nhưng chỉ là lời nói trong lúc nóng giận.
HĐXX phúc thẩm cho rằng Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình không khởi tố việc Đường Nhuệ xâm phạm bất hợp pháp Công ty TNHH Lâm Quyết là chưa thận trọng, thiếu căn cứ, không điều tra quyết liệt, đồng thời kiến nghị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình và Viện Kiểm sát tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, phục hồi điều tra Đường Nhuệ cùng đồng bọn về hành vi chiếm Công ty TNHH Lâm Quyết. Ngoài ra, Công an tỉnh Thái Bình cần xem xét làm rõ có hay không việc Đường Nhuệ cho vợ chồng ông Lẫm vay nặng lãi, với khoản tiền 1,7 tỷ đồng.
Về vụ việc này, theo lời kể của anh Nguyễn Văn Hà (31 tuổi, con trai ông Lẫm, bà Quyết, cán bộ Công an phường Phúc Khánh, TP Thái Bình), những ngày sau đó, Đường Nhuệ liên tục gọi điện đe dọa, bức ép bố mẹ anh phải bán lại công ty để trừ nợ.
“Nếu không thì trốn đi chứ về Thái Bình gặp ở đâu chúng đánh ở đó, sẵn sàng cho đàn em đánh, giết rồi sau đó nuôi ăn, ở trong tù”, cán bộ Công an phường Phúc Khánh chia sẻ.
Anh Hà cho biết, bằng nhóm của Đường Nhuệ chỉ chịu rút khỏi công ty sau gần 20 ngày chiếm đóng sau khi gia đình anh tố cáo nhiều nơi. Những kẻ giang hồ thậm chí còn đập phá nhà xưởng, cho người cướp đi toàn bộ máy móc công cụ sản xuất đồ gỗ và các thành phẩm của công ty trước khi rời khỏi.
“Hành vi của nhóm Đường Nhuệ đã đẩy doanh nghiệp của bố mẹ tôi vào đường cùng, không thực hiện tiếp các hợp đồng kinh tế đã ký kết, đồng thời đẩy 27 lao động của công ty mất việc, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng”, anh Hà nói.
Gia đình ông Lẫm sau đó đã tiếp tục tố cáo hành vi chiếm giữ, đập phá, lấy tài sản của doanh nghiệp tới các cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng điều tra, ngày 29/3/2018, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thái Bình kết luận rằng:
“Không có căn cứ xác định anh Nguyễn Xuân Đường chiếm giữ đồ đạc, tài sản của Công ty TNHH Lâm Quyết”, do đó, cơ quan này cũng đồng thời ra quyết định không khởi tố vụ án với lý do hành vi không cấu thành tội phạm.
Sẽ triệu tập Trung tá Cao Giang Nam liên quan vụ Đường Nhuệ?
Trước đó, anh Nguyễn Văn Hà (cán bộ Công an phường Phúc Khánh, TP Thái Bình) cũng đã từng gửi đơn tố cáo đích danh một số người là lãnh đạo Công an TP.Thái Bình với hành vi chống lưng, bảo kê cho băng nhóm Đường Nhuệ.
Được biết, tại phiên xét xử phúc thẩm hôm qua, các luật sư tham gia bào chữa cho vợ chồng Lâm - Quyết đã đề nghị HĐXX triệu tập Trung tá Cao Giang Nam, nguyên Phó trưởng Công an TP. Thái Bình và một số điều tra viên đến tòa.
Căn cứ đề nghị triệu tập Thượng tá Cao Giang Nam là do vợ chồng Lẫm - Quyết có đơn tố cáo ông Nam và cơ quan điều tra Công an TP. Thái Bình đã bao che, không khởi tố Đường nhuệ trong việc chiếm đoạt tài sản của vợ chồng bị cáo.
“Đây là vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng nên cần phải có cán bộ phụ trách điều tra ra để đối chứng trước tòa, công khai tranh luận, làm rõ các vấn đề đúng, sai”, luật sư của ông Lẫm - bà Quyết nhấn mạnh.
“Trong quá trình xét xử vụ án, nếu thấy cần thiết sẽ cho triệu tập Thượng tá Cao Giang Nam và các điều tra viên”, chủ tọa phiên tòa Ngô Hồng Phúc khẳng định.
Trước đó, như đã đưa tin, anh Nguyễn Văn Hà, cán bộ Công an Phường Phúc Khánh (TP.Thái Bình, bản thân anh đã gửi đơn tố cáo đích danh một số người là lãnh đạo Công an TP.Thái Bình với hành vi bao che và chống lưng cho băng nhóm Đường Nhuệ.
“Bố mẹ tôi bị khởi tố, kết tội vì liên quan đến việc vay nợ của người khác. Một sự việc dân sự thì họ biến thành hình sự, trong khi sự việc của gia đình đang là hình sự lại xác định không có dấu hiệu tội phạm”, anh Hà nêu rõ.
“Chúng tôi không lừa đảo, không lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của ai”, bà Quyết nói.
“Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án liên quan tới vợ chồng tôi, tôi kính mong HĐXX triệu tập ông Cao Giang Nam – nguyên Phó trưởng Công an TP Thái Bình, ông Nguyễn Hữu Vinh – Đội trưởng Đội Kinh tế Công an TP Thái Bình, ông Nguyễn văn Đức – Đội phó Đội Điều tra tổng hợp Công an TP Thái Bình”, bà Phạm Thị Quyết nêu rõ.
Gia đình bị cáo cũng mong HĐXX triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là vợ chồng ông Đỗ Văn Tới, bà Lê Thị Tuyết, vợ chồng ông Phạm Công Tự, bà Tống Thị Huệ; vợ chồng ông Phạm Văn Mạnh, bà Nguyễn Thị Linh.
“Triệu tập Nguyễn Xuân Đường cùng những người làm chứng như Bùi Mạnh Tiến (Tiến Trắng) và các công nhân của tôi tới phiên tòa để làm rõ sự thật. Bởi trong quá trình điều tra tôi chưa được đối chất cũng như chưa được đối chiếu công nợ với bất cứ ai. Triệu tập các ông bà có tên trong hội đồng định giá chiếc xe ô tô Camry đến phiên tòa để làm rõ sự thật”, bà Phạm Thị Quyết nhấn mạnh.
Trước đó, hôm 28 tháng 4, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định điều chuyển công tác đối với ông Cao Giang Nam, Phó thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Phó trưởng công an TP.Thái Bình, về làm Phó trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Thái Bình. Ông Cao Giang Nam chính là cán bộ Công an bị người dân tố cáo đích danh về việc có hành vi bao che, bảo kê và “chống lưng” cho băng nhóm Đường Nhuệ lộng hành ở Thái Bình.