Bà Galina Goltsman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, Trưởng khoa Trị liệu của Bệnh viện Shamir Assaf Harofeh của Israel, cho biết trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik.
"Nếu có vaccine, thì tôi với tư cách là bác sĩ về bệnh truyền nhiễm cho rằng những người thuộc nhóm nguy cơ nên được tiêm vaccine trước. Chẳng hạn như người già, người mắc bệnh mạn tính, sau đó là những người khác... Người ta nói việc này do WHO quyết định, hay Bộ Y tế của mỗi nước sẽ quyết định, tôi không thể quyết việc này, nhưng tôi nghĩ rằng những người thuộc diện rủi ro cao, nhân viên y tế, nhân viên các cơ quan xã hội làm việc với người cao tuổi sẽ được tiêm phòng trước", bà Goltsman nói.
Ở Israel, nơi nhà chức trách tuyên bố tình hình dịch bệnh và số ca lây nhiễm mới giảm dần trong vài tuần nay, nạn nhân coronavirus đa phần là những người cao tuổi.
"Cũng như trên toàn thế giới, nhóm nguy cơ ở Israel là người cao tuổi. 87% số ca tử vong do COVID-19 là những người trên 67 tuổi, độ tuổi trung bình của người tử vong là 80. Nạn nhân dưới 80 tuổi thuộc nhóm nguy cơ có chỉ số liên quan đến hai bệnh nền hoặc nhiều hơn. Đó là những người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường hoặc béo phì", chuyên gia bệnh truyền nhiễm nói. Theo bà Goltzman, họ là những người cần được tiêm vaccine đầu tiên.
Theo bác sĩ, mặc dù thực tế là nhiều phòng thí nghiệm khoa học ở các quốc gia khác nhau đang phát triển vaccine, nhưng đừng trông đợi sẽ có vaccine ngay trong vài tháng tới. "Nếu có vaccine, nếu những gì đang được thử nghiệm có hiệu quả, thì chí ít, theo dự báo lạc quan nhất, vaccine không thể xuất hiện sớm trước tháng 9 hoặc tháng 10", bà Goltsman nhận xét.