Việt Nam lên tiếng vụ máy bay Trung Quốc ở Biển Đông, Lào xây nhà máy thủy điện

© AFP 2023 / WESTCOMQuần đảo Trường Sa. Biển Đông
Quần đảo Trường Sa. Biển Đông - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu phản ứng của Việt Nam về việc máy bay Trung Quốc xuất hiện ở Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, hàng trăm tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc ở Biển Đông cũng như việc Lào xây dựng nhà máy thủy điện trên dòng chính của sông Mekong (Lan Thương).

Liên quan đến vụ các tiêm kích KJ-500 và KQ-200 của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thông qua ảnh vệ tinh của ISI, chiều nay 14/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, mọi hoạt động của các bên không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

Việt Nam cũng lên tiếng về việc Chính phủ Lào dự định xây nhà máy thủy điện Sanakham trên dòng chính của sông Mekong, dự kiến có chi phí khoảng 2.072 tỷ USD, do công ty Datang Sanakham Hydropower, thuộc tập đoàn Datang International Power Generation Co. của Trung Quốc phát triển.

Việt Nam lên tiếng về máy bay do thám Trung Quốc xuất hiện ở Trường Sa

Chiều nay, ngày 14/5, trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, phóng viên đã đề nghị người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết phản ứng của Việt Nam liên quan đến thông tin hai máy bay do thám kích KJ-500 và KQ-200 của Trung Quốc xuất hiện ở khu vực Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Cụ thể, ngày 11/5 vừa qua, hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) đã công bố ảnh cho thấy hoạt động do thám của 2 máy bay quân sự của Trung Quốc tại đá Chữ Thập, thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trả lời về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định lại, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước luật Biển 1982.

"Về thông tin hình ảnh máy bay do thám của Trung Quốc xuất hiện ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, tôi xin khẳng định lại Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế”, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ, mọi hoạt động của các bên ở các quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.

“Trong tình hình hiện tại, Việt Nam đề nghị các bên không làm phức tạp hơn tình hình ở Biển Đông”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.

Trước đó, hôm 11 tháng 5, hãng ảnh vệ tinh ImageSat International (ISI) của Israel công bố ảnh chụp đề ngày 9/5 cho thấy các máy bay do thám KJ-500 và KQ-200, cùng một trực thăng Z-8, ở Đá Chữ thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng qua, hoạt động của máy bay quân sự Trung Quốc bị bắt gặp ở khu vực này. Trước đó, máy bay vận tải quân sự Y-8 và máy bay tuần tra hàng hải KJ-200 cũng xuất hiện trên đá Chữ Thập vào ngày 3/5.

Trong phần bình luận, ISI khẳng định, các máy bay này, thuộc loại thu thập tình báo, giám sát và do thám (ISR), được đưa ra khỏi kho chứa và đậu ở bên ngoài “trong kế hoạch tăng sự sẵn sàng của Trung Quốc, có thể do hoạt động của Hải quân Mỹ trong khu vực”.

ISI cũng nhận định, sự xuất hiện liên tiếp của những máy bay này, được ISI phát hiện và công bố ngày 20/4, ở Đá Chữ thập cho thấy nơi này đang được Trung Quốc dùng làm căn cứ cho hoạt động do thám máy bay trong khu vực. Đây là điều đáng lo ngại.

Trung Quốc đưa tàu dân binh và tàu cá tăng cường hoạt động ở Biển Đông

Cũng trong buổi họp báo chiều nay, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng cũng đã có bình luận nêu phản ứng của Việt Nam về thông tin cho rằng, vệ tinh ghi nhận nhiều tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc đang tập trung tại một số đá như Ba Đầu, Én Đất với số lượng rất lớn, lên đến hàng trăm tàu – đội quân vô cùng hùng hậu.

Về vấn đề này, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông.

“Việt Nam cho rằng, hoạt động của các nước tại khu vực cần phải tuân thủ các quy định liên quan của quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của các quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Trên thực tế, gần đây Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn ở Biển Đông. Ngày 2/4, một tàu cá của ngư dân ở Quảng Ngãi, Việt Nam đang hoạt động gần đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa thì bị tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm. Những sự việc như vậy thường xảy ra ở khu vực xung quanh quần đảo này, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm của mùa đánh bắt cá mùa xuân. Trước đó, hồi tháng 3/2019, một tàu cá khác của Việt Nam đã bị đâm chìm vì đụng độ với một tàu chấp pháp của Trung Quốc gần Đá Lồi.

Có thể thấy, vụ đụng độ mới nhất hồi tháng trước chỉ phản ánh những biến động có tính chu kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực này, và quyết tâm của Bắc Kinh.

Đồng thời, Trung Quốc vẫn hay can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác. Hồi tháng 4, tàu Hải dương Địa chất 8 của nước này đã bắt đầu hoạt động trong EEZ của Malaysia (trước đó tàu HD 8 của Bắc Kinh cũng đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) với sự hộ tống của các tàu hải cảnh.

Năm 2017 và 2018, Trung Quốc từng gây sức ép liên quan đến các hoạt động khai thác gần Bãi Tư Chính. Năm 2019, Trung Quốc điều tàu hải cảnh đi xung quanh và quấy rối hoạt động khoan thăm dò trong EEZ của Việt Nam và Malaysia. Cũng chính tàu Hải dương Địa chất 8 này đã từng xâm phạm khi có hoạt động bên trong vùng EEZ của Việt Nam từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10/2019.

Thực tế, Trung Quốc tuyên bố đã làm chủ tới 70 -80% diện tích Biển Đông. Chính quyền của ông Tập Cận Bình đã làm sân bay, trong đó có nhà chứa với sức chứa nhiều máy bay chiến đấu, thiết lập một trạm quan trắc sinh thái trên đảo vào tháng 1 vừa qua, một trạm nghiên cứu dưới biển sâu vào tháng 3 và đã đồn trú vĩnh viễn cho lực lượng Cứu hộ Trung Quốc trên đá Chữ Thập từ tháng 2.

Đến ngày 19/4, Trung Quốc đã công bố hai khu hành chính mới để quản lý Biển Đông, đó là quận Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa), đồng thời còn đặt danh xưng cho 55 thực thể ở Biển Đông gây nên làn sóng phản đối dữ dội của Việt Nam cùng các nước láng giềng và dư luận quốc tế.

Việt Nam nói về việc Lào xây dựng đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong

Cũng trong buổi họp báo chiều 14/5, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Chính phủ Lào sẽ xây dựng đập thủy điện trên sống Mekong, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết phản ứng của Việt Nam về vấn đề này.

Đập Đại Triều Sơn - Sputnik Việt Nam
Sau Biển Đông, cảnh báo cuối cùng với âm mưu của Trung Quốc trên sông Mekong

Theo đó, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, với tư cách là quốc gia ở hạ du, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và tích lũy của các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mekong.

“Như chúng tôi đã nhiều lần nêu rõ: Các quốc gia có lợi ích chính đáng trong sử dụng tài nguyên nước của sông Mekong trong phát triển phải đồng thời phải có trách nhiệm chung trong việc sử dụng bền vững nguồn nước của sông Mekong”, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam bày tỏ.

Trước đó, Uỷ hội sông Mekong quốc tế cho biết chính phủ Lào đã trình kế hoạch xây dựng đập thuỷ điện Sanakham, con đập thứ 6 trên sông Mekong, dự kiến khởi công vào cuối năm nay.

Sông Mekong - Sputnik Việt Nam
Kinh ngạc số lượng đập thủy điện trên trên Sông Mekong

Phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, việc phát triển các công trình thủy điện trên dòng chính của dòng sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực bao gồm các tác động xuyên biên giới đến môi trường, đến đời sống kinh tế xã hội của các nước ven sông, nhất là các nước ở hạ nguồn, theo thông lệ quốc tế và các quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

“Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước ven sông Mekong tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hợp lý nguồn nước sông Mekong vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước ven sông vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong khu vực”, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.

Vào tháng 5, Ủy hội sông Mekong quốc tế thông đưa tin việc Chính phủ Lào vừa đệ trình kế hoạch xây dựng đập thủy điện mới trên sông Mekong, dự kiến việc xây dựng sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Nhà máy thủy điện Sanakham, dự kiến có chi phí khoảng 2.072 tỷ USD, sẽ được phát triển bởi công ty Datang Sanakham Hydropower, thuộc tập đoàn Datang International Power Generation Co. của Trung Quốc.

Trong thực tế, Bắc Kinh đã rót vốn rất nhiều dự án đập thủy điện ở Lào. Bản thân chính quyền Trung Quốc cũng đã xây 11 đập thủy điện trên phần thượng nguồn sông Mekong (Lan Thương), khiến dòng chảy tự nhiên của sông đã bị thay đổi đáng kể.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала