Một trong những chủ đề quốc tế nóng nhất hiện nay là nhóm 4 quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương - "Bộ tứ kim cương" (QUAD), bao gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ đã chính thức nối lại cuộc đối thoại 4 bên sau 10 năm gián đoạn, nâng cấp thành đối thoại của các ngoại trưởng. Ngày 20/3, "Bộ tứ kim cương" đã mời thêm 3 quốc gia khác gồm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand cùng thảo luận. Nhóm mới này có tên "Bộ tứ mở rộng" (QUAD Plus).
Chính Mỹ mời Việt Nam đối thoại với "Bộ tứ kim cương" về vấn đề tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Sputnik có bài phân tích về chủ đề đang nóng này với những bình luận và phân tích của các chuyên gia Việt Nam.
Tại sao Mỹ đi nước cờ QUAD+ vào thời điểm này?
“Bộ tứ kim cương” thành lập năm 2007 với 4 quốc gia Nhật Bản (chủ xướng), Mỹ, Ấn Độ, Australia. Mục đích: Thiết lập một cơ chế kinh tế xuyên Thái Bình Dương với tham vọng trở thành hạt nhân của Diễn đàn kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) để đối phó với sự chi phối của khái niệm “Biên giới mềm” ngày càng tăng do Trung Quốc đề xướng.
“Theo khái niệm “Biên giới mềm” của Trung Quốc thì hàng hóa “Made in China” có mặt ở đâu thì “lãnh thổ mềm” của Trung Quốc vươn ra tới đó. Đây là một khái niệm được đề xướng từ thời ông Gianh Trạch Dân lãnh đạo Trung Quốc để phục vụ cho chủ thuyết “Trỗi dậy hòa bình””, - Chuyên gia các vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng nói với Sputnik.
Tuy nhiên, sau 14 năm tồn tại, “Bộ tứ kim cương” hầu như không có hoạt động gì đáng kể. Thậm chí dưới thời Barack Obama làm tổng thống Mỹ, nó hầu như bị xếp xó.
Ngày nay, khi Trung Quốc thay đổi chiến lược từ “Trỗi dậy hòa bình” sang “Chủ động cạnh tranh”, Mỹ và các nước trong “Bộ tứ Kim cương” thấy cần phải có những hành động cụ thể để ngăn chặn chủ trương “Biên giới mềm” của Trung Quốc.
“Mỹ đã có chủ thuyết liên khu vực “Thái Bình Dương - Ấn Độ dương” nhằm đối phó lại với chủ thuyết “Vành đai-Con đường” với mục tiêu ngăn chặn “Con đường tơ lụa trên biển” tiếp cận Châu Âu từ Trung Quốc qua Biển Đông, Ấn Độ Dương, Hồng Hải và Địa Trung Hải tới Tây Ban Nha, Pháp và Italia. Nhưng muốn làm được việc này thì phải có lực lượng “tại chỗ”. Một mình Mỹ không thể giải quyết được nhiệm vụ đó. Vì vậy. Mỹ đã tái khởi động “Bộ tứ Kim Cương” với một đường lối rõ ràng hơn. Đó là “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”, - Chuyên gia các vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng phân tích với Sputnik.
Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, ý tưởng trên vấp phải sự phản đối của đảng Dân chủ đối lập ở Mỹ vì đa số các nhà tư bản tài phiệt cũng như nhiều nhân vật có ảnh hưởng lớn của đảng này đang có nhiều quyền lợi rất lớn từ việc khai thác thị trường Trung Quốc, và trước đây, cũng đã “đóng góp” rất lớn cho việc “vỗ béo Trung Quốc”, biến nước này thành “công xưởng của thế giới” vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI.
Khi cả thế giới hứng chịu tác động tồi tệ của đại dịch “COVID-19” thì cũng chính là thời cơ để kích hoạt trở lại hoạt động của “Bộ tứ kim cương”.
“Mỹ đã có kế hoạch chuyển dịch chuỗi cung ứng rời khỏi Trung Quốc từ lâu, nhưng bây giờ họ đang đẩy nhanh tiến trình này để cắt bỏ càng nhanh càng tốt sự phụ thuộc vào hàng hóa của Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng trang thiết bị y tế và dược phẩm. Covid-19 đã phơi bày rõ sự phụ thuộc này của Mỹ vào Trung Quốc. Họ đã bị thiếu trầm trọng các trang thiết bị y tế để đối phó với Covid-19 vì chúng ít được sản xuất trong nước. Phần lớn chúng được sản xuất tại Trung Quốc rồi vận chuyển ngược về Mỹ. Do đại dịch mà các dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc phải ngưng hoạt động và các chuỗi cung ứng bị gián đoạn”, - Nhà bình luận các vấn đề kinh tế thế giới, TS kinh tế Lê Xuân Hòa phân tích với Sputnik.
“COVID-19” cho thấy Mỹ và các nước phương Tây cũng như nhiều nước Châu Á khác đang có sự phục thuộc rất lớn vào nguồn cung nhiều loại hàng hóa từ Trung Quốc với đa dạng các chủng loại và nhiều cấp độ công nghệ khác nhau, từ chiếc khẩu trang y tế cho đến các hàng hóa điện tử cao cấp. Và một khi nguồn cung đó bị ảnh hưởng sẽ tác động dây chuyền, gây thiệt hại lớn cho các đối tác kinh tế của Trung Quốc. Đó là chưa kể tới việc Trung Quốc luôn lợi dụng ưu thế lớn đó của mình để mặc cả trong các quan hệ quốc tế song phương và đa phương về kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, y tế, giáo dục .v.v…và chi phối cả luật pháp quốc tế”, - Chuyên gia các vấn đề quốc tế Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
Chính vì vậy, mục đích kinh tế trước mắt của “Bộ tứ kim cương” (QUAD) là thúc đẩy các hoạt động tái đầu tư sau đại dịch COVID-19, mở rộng thành QUAD+ để chuyển một phần đáng kể dòng vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc, nhằm giảm sự phục thuộc vào nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc, gỡ bỏ phần nào “vòng kim cô Made in China” đối với Mỹ và một số quốc gia.
“Mục đích thành lập "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng" này của Mỹ là để cạnh tranh hoặc đối trọng với “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc sáng lập. Dần dần Mỹ sẽ kéo về phía "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng" các nước mà Trung Quốc muốn lôi kéo về “Một vành đai, một con đường”. Nói tóm lại "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng" sẽ là phương tiện dùng để tiêu diệt Trung Quốc cũng như “Một vành đai, một con đường” của nước này.
Trước mắt "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng" sẽ giảm dần dần sự phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Các chuỗi cung ứng sẽ đóng quân tại các nước thành viên của mạng lưới này và sẽ đảm bảo đầy đủ nhanh chóng hàng hóa cho Mỹ. Về dài lâu họ sẽ cắt bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc này”, - Nhà bình luận các vấn đề kinh tế thế giới, TS kinh tế Lê Xuân Hòa nói với Sputnik.
Theo các chuyên gia quốc tế, Mỹ không loại trừ khả năng đại dịch Covid-19 sẽ bùng phát lại ở Trung Quốc hoặc xuất hiện các dịch khác ở đất nước này trong tương lai. Vì thế, Mỹ thúc dục các công ty của mình rời khỏi Trung Quốc càng nhanh càng tốt.
“Theo tôi, còn nguyên nhân nữa, Mỹ gấp rút việc chuyển dịch các chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc còn vì giá nhân công và các chi phí sản xuất ở Trung Quốc đã tăng quá cao. Hơn nữa, các vấn đề bí mật thương mại, bản quyền ở Trung Quốc không được đảm bảo 100%.
Theo đánh giá của các nhà phân tích chính trị thế giới, mục đích lâu dài khi “Bộ tứ kim cương” mở rộng thành QUAD+ là mục đích chiến lược của Mỹ nhằm củng cố “Hành lang Ấn Độ Dương” để bao vây Trung Quốc từ Biển Đông tới Tây Ấn Độ Dương và “hành lang Tây Thái Bình Dương” từ Nhật bản qua Hàn Quốc, qua Biển Đông xuống Australia và New Zealand. Đó chính là hành động trên thực tế của Học thuyết liên khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương” do Donald Trump chủ xướng.
Hàn Quốc, Việt Nam và New Zealand được mời tham gia QUAD+. Vì sao Việt Nam?
Trước hết, Mỹ nhận thấy trong “phân công nhiệm vụ” của QUAD thì một mình Nhật bản ở Đông Bắc Á là không đủ, đặc biệt là khi Bắc Kinh đang cải thiện dần các quan hệ với Seul và thắt chặt hơn các quan hệ song phương về kinh tế. Vì vậy, Nhật bản cần có thêm Hàn Quốc để hỗ trợ.
Thứ hai, một mình Australia không đủ để bao quát toàn bộ khu vực Nam Á và một phần Đông Nam Á, bởi tuy là quốc gia đang phát triển ở cấp độ cao và nằm trong G20 nhưng tiềm năng kinh tế của Australia chưa đủ để chi phối khu vực. Thậm chí Australia cũng bị phụ thuộc vào Trung Quốc trên một số lĩnh vực kinh tế, trong đó có cả thị trường nhập khẩu lao động từ Trung Quốc. Vì vậy, Australia cần có thêm New Zealand để hỗ trợ.
Thứ ba, một mình Ấn Độ vốn có mâu thuẫn sâu sắc với Trung Quốc từ năm 1962, mặc dù có tới 1,3 tỷ dân (xấp xỉ Trung Quốc) nhưng về kinh tế không thể là đối trọng của Trung Quốc. Ấn Độ lại không có vị trí tiếp giáp với Biển Đông, một cốt điểm địa chính trị cực kỳ quan trọng kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời là kết nối Đông - Tây ở Bắc bán cầu. Vì vậy, Ấn Độ cần có thêm một quốc gia khác để hỗ trợ. Vậy quốc gia nào có thể có vị trí đó ?
Vì sao lại là Việt Nam? Theo bản đồ địa chính trị mà người Mỹ vạch ra sau khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt (trên thực tế vào năm 1953), với học thuyết “Trả đũa ồ ạt” của Dwight Eisenhower thì Philippines mới là một trong các chốt điểm ở Đông Nam Á của vành đai Tây Thái Bình Dương nhằm bao vây Trung Quốc, ngăn chặn cái mà Mỹ gọi là “làn sóng đỏ”. Nhưng hiện nay thì thay cho “làn sóng đỏ” về ý thức hệ là “làn sóng hàng hóa đỏ”, tức là làn sóng hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc, mang theo những ảnh hưởng kinh tế-chính trị từ Trung Quốc. Vì thế, cả Mỹ cũng như “Bộ tứ kim cương” đã bỏ qua vấn đề ý thức hệ, bỏ qua vấn đề chế độ chính trị để mời Việt Nam tham gia QUAD+.
“Vấn đề nằm ở chỗ khi so sánh Việt Nam và Philippines, dù có mâu thuẫn về ý thức hệ và chế độ chính trị nhưng hầu hết chính giới Mỹ và các nước khác đều nhận thấy: Việt Nam có tiềm lực và tiềm năng lớn hơn nhiều so với Philippines. Tiềm lực ấy, tiềm năng ấy được khẳng định qua những cú bứt phá ngoạn mục của Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội 20 năm đầu thế kỷ XXI, hứa hẹn vươn lên top 5 quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về kinh tế trong khi Philippines ngày càng tụt lại phía sau”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
Chính điều nói trên khiến cho Việt Nam ngày càng trở thành “điểm hẹn” hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và Tây Âu. Với trên 96 triệu dân và luật pháp kinh tế dần dần thông thoáng hơn, với thị trường lao động xấp xỉ 65 triệu dân trong độ tuổi lao động, trong đó, số lao động được đào tạo ngày càng tăng, Việt nam vượt qua Philippines trong sự lựa chọn có tính chất kinh tế.
“Mỹ mời Việt Nam đối thoại với "Bộ tứ kim cương" vì Mỹ muốn Việt Nam trở thành nơi để các chuỗi cung ứng của Mỹ chuyển dịch đến từ Trung Quốc. Bởi Việt Nam là nước liền kề với Trung Quốc, rất thuận tiện cho việc này. Ngoài ra Việt Nam nằm ở vị trí rất thuận lợi trong việc di chuyển bằng đường biển giữa các nước trong khu vực Ấn độ - Thái bình dương, nơi mà Mỹ muốn thành lập nhóm quốc gia "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng", - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng phân tích.
“Một nguyên nhân khác, đó là Việt Nam hiện nay đã có đủ các điều kiện để các tập đoàn về công nghệ hay dược phẩm có thể yên tâm phát triển tại Việt Nam. Và hiện nay, Việt Nam đang mở rộng việc thu hút đầu tư nước ngoài và có những chính sách rất tốt cho các tập đoàn nước ngoài. Ngoài ra tình hình chính trị tại Việt Nam rất ổn định. Và khả năng bùng phát các dịch bệnh ở Việt Nam giống như ở Trung Quốc hầu như không có. Trong 3 nước Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand thì Việt Nam là nước đang phát triển, 2 nước còn lại là 2 nước phát triển, vì thế 2 nước này khó có thể là nơi mà các chuỗi cung ứng của Mỹ chuyển dịch đến. Nhưng cả 3 nước này sẽ trở thành thành viên của "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng", - Tiến sĩ Lê Xuân Hòa phát biểu với Sputnik.
Hơn nữa, Việt Nam có quan hệ ngoại giao phong phú, rộng mở với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là thành viên có uy tín và có trách nhiệm cao của nhiều tổ chức quốc tế. Trong khi đó thì theo đánh giá của 4 quốc gia QUAD, “độ tin cậy chính trị” của Philippines ngày càng kém đi. Còn Thái Lan thì cũng như Ấn Độ, không có ảnh hưởng trực tiếp ở Biển Đông. Malaysia thì có có thể có ảnh hưởng ở khu vực Nam Biển Đông và tiềm năng phát triển cũng không hơn Việt Nam.
Về địa chiến lược, Việt Nam có chiều dài biên giới biển tiếp giáp Biển Đông lớn hơn tất cả các quốc gia Đông Nam Á khác và chiếm giữ nhiều vị trí then chốt quan trọng trên Biển Đông. Việt Nam hiện nay là nước có tiềm lực quân sự tổng hợp lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có đủ năng lực tự vệ để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mình, bao gồm cả các các vùng biển thuộc chủ quyền mà Việt Nam tuyên bố trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật Biển UNCLOS-1982.
Về vấn đề phân định chủ quyền quốc gia trên Biển Đông và các giải pháp hòa bình, ổn định, Việt Nam là nước kiên quyết nhất trong các quốc gia ASEAN khi đòi hỏi Trung Quốc phải tôn trọng độc lập, chủ quyền quyền tài phán của các quốc gia lân cận có vùng chủ quyền biển tiếp giáp với Trung Quốc. Việt nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc thúc đẩy hình thành một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông công bằng, hợp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế và các bên cùng có lợi nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định ở Biển Đông để phát triển kinh tế. Đó cũng chính là sự bảo đảm chắc chắn hơn về an toàn, an ninh hàng hải, hàng không trên khu vực Biển Đông.
“Đó là những vấn đề chung nhất. Còn riêng đối với Mỹ thì từ trước đến nay, Mỹ vẫn nuôi tham vọng lôi kéo Việt Nam khỏi cái mà Mỹ gọi là “quỹ đạo của Trung Quốc”. Vì thế, Mỹ có mục đích riêng của mình khi chọn mời Việt Nam tham gia QUAD. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đây là ý đồ riêng của Mỹ, không phải của các nước QUAD khác. Và đây cũng là bài toán quan hệ quốc tế khá khó khăn mà các nhà lãnh đạo Việt Nam phải xem xét kỹ lưỡng và hóa giải một cách có hiệu quả nhất để tạo điều kiện tốt nhất cho bứt phá về kinh tế sau đại dịch COVID-19”, - Chuyên gia Nguyễn Minh Hoàng bình luận với Sputnik.
Nhưng cũng cần nói đến một điều rằng, Mỹ sẽ không bao giờ từ bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc. Mỹ và các nước phương Tây chỉ điều hướng dòng chảy vốn đầu tư sao cho bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, giống như người ta không “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Vì nói gì thì nói, thị trường 1,4 tỷ dân vẫn có trọng lượng rất lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cho dù sức hấp dẫn của nó có suy giảm một phần sau đại dịch COVID-19.
Việt Nam phải làm rất nhiều việc
Việt Nam có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác trong việc đón nhận sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu sao cho không chỉ có một mình Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” thời đại 4.0. Các ưu thế đã được nhắc tới ở trên.
“Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều, nếu các chuỗi cung ứng của Mỹ, châu Âu và Nhật chuyển dịch từ Trung Quốc sang nước Việt Nam. Ví dụ, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy mạnh vào Việt Nam, thu ngân sách nhà nước sẽ tăng, tạo công ăn việc làm cho người dân. Điều quan trọng nhất, đó là Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hàng hóa của Việt Nam sẽ dễ dàng xuất khẩu đi các nước trên thế giới hơn”, - Tiến sĩ Lê Xuân Hòa nhận định với Sputnik.
Nhưng Việt Nam vẫn còn phải làm rất nhiều việc để có thể đón nhận được sự chuyển hướng dòng đầu tư ấy.
Trước hết là về hạ tầng. Việt nam cần khẩn trương mở rộng và hiện đại hóa hạ tầng cơ sở sản xuất. Đó là hiện đại hóa các tuyến giao thông, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường hàng hải (bao gồm cả đường biển và đường thủy nội địa). Tiếp theo là hiện đại hóa các mạng lưới cung cấp năng lượng như điện năng, khí đốt, xăng dầu .v.v… Thứ ba là hiện đại hóa mạng cung cấp nước sạch và nhà ở. Thứ tư là hiện đại hóa mạng lưới thông tin viễn thông.
“Về công nghệ, Việt Nam cần khẩn trương loại bỏ các cơ sở, các phương tiện sản xuất công nghệ lạc hậu có hiệu xuất thấp, sử dụng nhân lực lao động giản đơn quá nhiều để chuyển mạnh sang sử dụng công nghệ AI nhằm tăng năng suất lao động, thông qua đó tăng hiệu quả sử dụng lao động, giảm bớt việc tiêu hao năng lượng”, - Một nhà báo quốc tế của Việt Nam nói với Sputnik.
Liên quan tới vấn đề nhân lực, theo các chuyên gia, Việt Nam cần khẩn trương hiện đại hóa việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng vào đào tạo tay nghề, chuyển mạnh từ hướng đào tạo lý thuyết cơ bản sang hướng đào tạo kỹ năng thực hành. Vừa qua, Luật Giáo dục sửa đổi tách ra Luật Giáo dục nghề nghiệp đã chuyển các trường Cao đẳng, Trung cấp, Trung cấp nghề, các trung tâm dạy nghề cho Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội quản lý cũng nhằm mục đích đó. Thứ tư, về chính sách và luật pháp. Một loạt các đạo luật như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công. Luật Doanh Nghiệp, Luật Chứng khoán .v.v… sau một thời gian áp dụng nay đã xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp với tình hình mới cần được sửa đổi, bổ sung, tạo môi trường thông thoáng về đầu tư, hiệu quả về giá trị và chặt chẽ về quản lý để thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư.
Vấn đề cuối cùng là Việt Nam không được thụ động chờ đợi mà phải chủ động “dọn nhà đón khách”, nhanh chóng, tích cực chỉnh trang lại “ngôi nhà” của mình, từ hạ tầng cơ sở đến nhân lực, đến chính sách, pháp luật, và đặc biệt, chú trọng đến bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội để có thể đón nhận thời cơ mới, vận hội mới một cách có hiệu quả nhất.
Việt Nam sẽ giải bài toán quan hệ quốc tế phức tạp này như thế nào?