Các mục tiêu của Thỏa thuận Paris đạt được thành công bất ngờ
Các cơ sở sản xuất đã ngừng hoạt động, nhu cầu than và dầu giảm mạnh, tỷ lệ phương tiện tham gia giao thông đường bộ cũng giảm, các hãng hàng không huỷ toàn bộ các chuyến bay. Tất cả điều này làm giảm đáng kể lượng khí CO2 là nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính.
Bản báo cáo của Trung tâm Sinh thái Đường bộ thuộc Đại học California tại Davis lưu ý rằng, sau khi Mỹ áp dụng các biện pháp tự cách ly, tổng số dặm xe hàng ngày ở các tiểu bang khác nhau đã giảm 60-80%. Lượng tiêu thụ nhiên liệu và lượng khí thải CO2 giảm tương ứng. Từ ngày 1 tháng 3 đến ngày 14 tháng 4, con số này giảm 71%, tương đương với 4% trong cả năm. Kết quả này là lớn hơn mức cần thiết để làm chậm lại hoặc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về tác động của đại dịch COVID-19 tới thị trường năng lượng, trong năm nay lượng khí thải CO2 sẽ lập kỷ lục giảm mạnh nhất 8%. Trong khi đó Liên Hợp Quốc kêu gọi tập trung nỗ lực tối đa để giảm 7.6% lượng khí thải CO2 hàng năm để đạt được mục tiêu đầy tham vọng nhất của Thỏa thuận Paris - đạt được sự gia tăng nhiệt độ ở mức 1,5 °C.
Hóa ra, biện pháp cách ly trong vài tuần của cả nhân loại mỗi năm một lần là đủ để nhiệt độ Trái Đất tương đối duy trì ổn định.
Bầu trời quang đãng trên Trung Quốc và Châu Âu
Tình hình môi trường ở Trung Quốc được coi là bất lợi nhất trên thế giới, do đó, việc các doanh nghiệp ở nước này tạm dừng hoạt động đã mang lại kết quả rõ rệt nhất.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), trong vòng hai tuần kể từ ngày 23 tháng 1, khi Trung Quốc áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của virus corona, mức tiêu thụ than tại sáu nhà máy điện lớn nhất trong nước đã giảm 40% và lượng khí thải carbon dioxide giảm 25%, xấp xỉ 100 triệu tấn. Con số này tương đương với 6% lượng khí thải toàn cầu trong cùng kỳ hoặc lượng khí thải mỗi năm ở Trung Quốc.
Trong thời gian cách ly và kiểm dịch bệnh, cư dân Thượng Hải lần đầu tiên nhìn thấy bầu trời xanh, và số lượng trung bình của "những ngày có chất lượng không khí tốt" tại các thành phố lớn nhất của Trung Quốc đã tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, ở các vùng phía bắc của đất nước, lượng hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron đã giảm 35%, các hạt bụi này xâm nhập sâu vào phổi và gây tổn hại cho sức khỏe.
Hình ảnh vệ tinh do NASA công bố cho thấy rằng, vào tháng 1- tháng 2 lượng khí thải từ các nhà máy ở các thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Dữ liệu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng cho thấy bức tranh tương tự ở châu Âu.
Sau khi phân tích các dữ liệu vệ tinh, các chuyên gia rút ra kết luận rằng, trong thời gian phong tỏa, mức độ khí thải nitơ tại các thành phố ở miền bắc Trung Quốc, Tây Âu và Hoa Kỳ đã giảm 40-60% so với năm ngoái. Đây là một kỷ lục trong toàn bộ thời gian quan sát vệ tinh kể từ đầu những năm 1990.
Tác động tích cực tới sức khỏe con người
Các nhà khoa học đã tính toán rằng, ô nhiễm không khí ngoài trời làm giảm gần ba năm tuổi thọ của con người. Đây là 8,8 triệu ca tử vong sớm mỗi năm - nhiều hơn số ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc, tất cả các cuộc xung đột quân sự hoặc AIDS. Các nhà nghiên cứu gọi đây là "đại dịch ô nhiễm không khí".
Không khí sạch do kiểm dịch sẽ ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe? Các nhà khoa học chắc chắn rằng, loài người sẽ được hưởng lợi ít nhất là về mặt kéo dài tuổi thọ con người. Có lẽ dịch bệnh cũng sẽ lắng xuống.
Có mối liên hệ rõ ràng giữa chất lượng không khí và khả năng của cơ thể chống lại nhiễm trùng. Không khí bẩn có hại cho phổi và tim, làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp mãn tính, làm giảm khả năng miễn dịch.
Tuy nhiên, kết quả chỉ là tạm thời. Ở Trung Quốc, nơi các hạn chế ở hầu hết các tỉnh đã được dỡ bỏ, lượng khí thải lại tăng trở lại.
Con sâu làm rầu nồi canh
Các nhà khoa học Đức phát hiện ra rằng, trong khi nồng độ ô nhiễm không khí ở Trung Quốc bằng carbon dioxide và nitơ dioxide sụt giảm mạnh, mức độ ô nhiễm ozone ở mặt đất đã tăng gấp 1,5 - 2 lần.
Khác với ozone tầng bình lưu bảo vệ Trái đất khỏi bức xạ cực tím có hại, ozone tầng đối lưu hoặc bề mặt là một chất gây ô nhiễm. Sự ô nhiễm ozone ở mặt đất là kết quả một cơ chế tương đối phức tạp, vì chất khí này không phải do con người trực tiếp tạo ra mà được hình thành từ tác động của các tia bức xạ mặt trời và các chất gây ô nhiễm khác. Tầng ozone mặt đất là nhân tố chính gây sương mù quang hóa trên các thành phố lớn và trung tâm công nghiệp.
Vào mùa đông, các oxit nitơ phá hủy tầng ozone mặt đất và nồng độ của nó thường thấp. Nhưng, bây giờ nó đang tích lũy.
Trái đất rung động
Các nhà khoa học cũng ghi nhận một tác động bất thường của kiểm dịch toàn cầu – những rung động địa chất dai dẳng của Trái đất, như các nhà địa vật lý gọi đó là “tiếng ồn địa chấn” đã giàm đi nhiều. Đây có thể là kết quả của việc đại dịch COVID-19 làm chậm quá trình phát triển kinh tế.
Theo dữ liệu của Đài thiên văn Hoàng gia Bỉ có trụ sở tại Brussels, kể từ ngày 18 tháng 3, khi lệnh phong tỏa được công bố ở nước này để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, độ dịch chuyển của vỏ Trái Đất theo chiều thẳng đứng đã giảm từ 10 đến 15 nanomet. Tiếng ồn địa chấn đã giảm đi 1/3.
Việc giảm độ dịch chuyển của vỏ Trái Đất đã làm tăng độ nhạy của thiết bị ở đài quan sát và nâng cao khả năng phát hiện sóng cùng tần số. Các máy dò địa chấn dự đoán động đất đang hoạt động chính xác hơn.