Bác sĩ nhi khoa Jennifer Light chuyên về bệnh truyền nhiễm lưu ý rằng ở trẻ nhỏ, căn bệnh này giống với hội chứng Kawasaki truyền thống, với đặc trưng viêm mạch máu. Tuy nhiên, ở thiếu niên và thanh niên từ 20-25 tuổi, căn bệnh này ảnh hưởng đến một số cơ quan, kể cả tim.
“Đối với người trưởng thành, bệnh diễn ra nặng hơn” – bác sĩ cho biết.
Bác sĩ Jane Burns, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu bệnh Kawasaki của Đại học California tỏ ra lo ngại vì căn bệnh này có thể ít thấy ở người lớn. Theo bà, nhiều bác sĩ làm việc với bệnh nhân trưởng thành "trước đây chưa bao giờ gặp hội chứng Kawasaki, vì đây là căn bệnh thời thơ ấu".
Hội chứng viêm ở trẻ em
Hội chứng phản ứng viêm toàn thân có thể biểu hiện tương tự với bệnh Kawasaki và sốc độc tố. Các bác sĩ ghi nhận rằng hội chứng như vậy có thể gây sốt ở trẻ em, phát ban, đau bụng và nôn mửa. Các triệu chứng có thể xảy ra cũng bao gồm khó chịu, lờ đờ, tiêu chảy, viêm kết mạc, nổi hạch ở cổ, môi nứt nẻ hoặc lưỡi đỏ, sưng tay và chân.