Tháo gỡ vướng mắc về giao đất dịch vụ tại huyện Mê Linh
Ngày 23/5, tại Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì cuộc làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành có liên quan để giải quyết một số khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường và quản lý đất đai trên địa bàn Hà Nội.
Cuộc làm việc nằm trong chương trình tăng cường phối hợp giữa thành phố Hà Nội với các bộ, ngành trung ương, nhằm từng bước giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm được dư luận quan tâm tại Hà Nội. Trước đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Bộ Giao thông Vận tải để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông thông qua tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án, trong đó có dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; các thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các bộ: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu rõ, vấn đề quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đổi khí hậu luôn là vấn đề quan trọng trong quá trình phát triển, nhất là đối với đô thị đang có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội.
Trong những năm qua, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Thành ủy Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo, cụ thể hóa thành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng để triển khai. Thực tế, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Thành phố có những chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, công tác này vẫn là một vấn đề lớn cả trước mắt và lâu dài, liên quan đến những vấn đề dân sinh bức xúc. Do vậy, thông qua hội nghị, lãnh đạo Thành phố mong muốn các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, có giải pháp giúp Thành phố giải quyết căn cơ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Về lĩnh vực quản lý đất đai, Hà Nội đã đạt được những tiến bộ quan trọng, nhất là khai thác nguồn lực từ đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thành phố đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối. Hằng năm, UBND thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đem lại từ 15% đến 20% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tính đến ngày 20/4/2020, 100% tổng số thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận đã được đăng ký kê khai; 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1.355.510 thửa); việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%.
Mặc dù vậy, cả hai lĩnh vực nêu trên đều còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần quan tâm giải quyết. Trong đó, nhiều vấn đề vượt thẩm quyền của thành phố. Do đó, Hà Nội đã nêu 4 kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường về lĩnh vực bảo vệ môi trường và 8 kiến nghị, đề xuất về quản lý đất đai.
Bên cạnh đó, xác định lại đơn giá để thu hút nhiều nguồn lực xã hội trong xử lý ô nhiễm môi trường; cho phép áp dụng thí điểm một số cơ chế, quy trình đặc thù như thành phố Hồ Chí Minh để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; tháo gỡ về cơ chế để giao đất dịch vụ tại huyện Mê Linh.
Đề xuất sớm ban hành chính sách quản lý chất lượng không khí
Báo cáo tại buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ với Ban cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, từ năm 2015 đến nay, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành 1 chương trình, 2 nghị quyết, 8 kế hoạch, 10 quyết định, 2 đề án và 2 chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Kết quả triển khai thực hiện bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt (ngoại thành 89%, nội thành 100%), chất thải y tế (đạt 100%); đã thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành.
Thành phố Hà Nội đã xây dựng 8 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 296.700 m3/ngày đêm đáp ứng được khoảng 30% tổng lưu lượng nước thải phát sinh; 100% khu công nghiệp, 60,5% cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải.
Từ 2016-2019, các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra tại 10.883 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 4.894 cơ sở vi phạm về lĩnh vực môi trường với tổng số tiền phạt là 61,1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Đông cho biết, từ tháng 12/2016, Hà Nội đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí của thành phố; đồng thời triển khai 19 giải pháp tổng thể để khắc phục, giảm nồng độ bụi phát sinh.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng nhìn nhận, việc triển khai các chương trình nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025 còn chậm. Đặc biệt, hiện chưa có đủ cơ chế, chính sách, quy định về kiểm soát khí thải dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại địa phương.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa tại Thủ đô diễn ra nhanh chóng với hàng nghìn công trường xây dựng phát sinh hàng ngày một lượng lớn bụi vào môi trường. Chưa kể, biến đổi khí hậu những năm qua ngày càng rõ rệt, ngày càng xuất hiện nhiều dạng thời tiết cực đoan, đã tác động tiêu cực đến chất lượng không khí tại Thủ đô.
Trước thực trạng đó, Hà Nội kiến nghị với Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường đảm bảo đồng bộ với các Luật như Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc.
Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện, thị xã phải rà soát, lên danh sách toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giao thời hạn khắc phục; sau thời hạn mà không khắc phục được thì cho dừng hoạt động.
Hà Nội cũng kiến nghị, đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý chất lượng không khí theo Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ.