Hai doanh nhân của công ty New Zealand “Animatronic Entertainment Portfolio” chuyên tạo ra trò chơi tương tác thực tế - cô Melanie Langlotz và ông Wang Li - đã được mời đến Trung Quốc để thiết kế một thủy cung. Tuy nhiên, họ đã đề xuất sử dụng robot cá heo thay vì cá heo và cá voi thực.
Một trong những nhà phát triển của cá heo robot, ông Wang Li, giải thích với Sputnik tại sao việc sử dụng những robot như vậy trong thủy cung có thể phục vụ mục đích bảo tồn động vật hoang dã.
“Trong hai thập kỷ qua, thị trường giải trí ở Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Kết quả là trong nước đã xuất hiện nhiều sở thú và thủy cung, trong các cơ sở này ghi nhận ngày càng nhiều hành vi bạo hành, ngược đãi động vật hoang dã trong môi trường nuôi nhốt. Ví dụ, động vật có vú lớn. Trong điều kiện tự nhiên, tuổi thọ của chúng có thể đạt tới 90 năm, trong điều kiện nuôi nhốt tuổi thọ ít khi đạt ngưỡng hai năm. Trong môi trường không thuận lợi như vậy, động vật hoang dã dễ bị nhiễm những thứ bệnh nguy hiểm và truyền bệnh này cho những người tiếp xúc với chúng. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong cao như vậy làm cho chi phí vận hành thủy cung tăng liên tục. Ví dụ, trong thời gian 10 năm, một thủy cung với ca heo robot có thể tiếp nhận 2 triệu lượt khách mỗi năm. Chúng tôi chỉ cần đầu tư một lần vào mười cá heo robot và chúng tôi sẽ giảm một nửa chi phí vận hành thủy cung. Bảo trì và vận hành robot chỉ là một phần mười của những chi phí cho cá heo thật. Cuối cùng, tổng chi phí đầu từ và bảo trì cho một danh mục giải trí robot hoạt cảnh chỉ bằng khoảng 1/4 hoặc không quá 1/3 khoản đầu tư một thủy cung truyền thống”.
Trong cuộc phỏng vấn của đài phát thanh New Zealand RNZ, Melanie Langlotz cho biết rằng, cân nặng, cảm xúc, mọi thiết kế của cá heo robot đều được mô phỏng giống cá heo thật. Theo cô, robot cá heo trông rất tự nhiên đến nỗi những người nhìn thấy nó lần đầu tiên chắc chắn rằng, đây là con cá heo thật.
Robot cá heo nặng 270 kg, có thời lượng pin 10 giờ.
Nhà báo của một tạp chí môi trường Zheng Tingying xác nhận rằng, giải pháp này có thể được coi như một bước theo hướng bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên, ông hơi nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của việc sử dụng robot.
“Theo như tôi được biết, cá heo robot có giá dao động trong khoảng từ 40 triệu USD đến 60 triệu USD/con. Nếu “tuổi thọ” của robot là 10 năm thì chi tiêu một ngày sẽ là khoảng 10 nghìn USD. Chi phí cho một con cá heo thật không quá cao. Vì thế tôi cho rằng, kết quả kinh tế không quá quan trọng ở đây. Có nhiều khả năng cá heo robot sẽ được sử dụng thành công như một phương tiện thu hút sự chú ý. Nhiều nhà bảo vệ môi trường kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn, và việc sử dụng những cá heo robot sẽ giúp giảm số lượng động vật được sử dụng trong biểu diễn, để cá heo thật được thả về tự nhiên”, - ông nói với Sputnik.
Đài phát thanh New Zealand trích dẫn câu nói của cô Melanie Langlotz cho biết rằng, ở Trung Quốc rất nhiều cơ sở giải trí thể hiện sự quan tâm đến phát triển này, trong tương lai dự án cá heo robot sẽ giúp xây dựng lại toàn bộ ngành công nghiệp thủy cung, ít nhất, đây là nhiệm vụ mà các nhà phát triển đã tự đặt ra.
Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, ông Wang Li cho biết về quy mô của công việc được lên kế hoạch ở Trung Quốc:
“Chúng tôi đang đàm phán với một số công ty giải trí hàng đầu của Trung Quốc. Hy vọng rằng, trong 5 năm tới chúng tôi sẽ thực hiện khoảng 10 dự án ở các thành phố trực thuộc trung ương và cấp tỉnh, bao gồm việc tạo ra khoảng 150 thủy cung, nơi khách xem có thể tận mắt nhìn thấy các động vật, thực vật sống dưới biển. Tôi không thể tiết lộ thông tin cụ thể hơn về các quy trình thiết kế, cũng như về các khách hàng của chúng tôi”, - ông nói.
Mặc dù ông Zheng Tingying đánh giá cao dự án của các nhà phát triển từ New Zealand, ông thu hút sự chú ý đến thực tế rằng, việc thả động vật ra khỏi hồ chứa nước nhân tạo vào môi trường tự nhiên là chưa đủ.
“Trước hết phải nói rằng, theo nguyên tắc bảo vệ động vật hoang dã, cần phải thả chúng vào môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, nếu chúng ta thả động vật vào môi trường sống bị hủy hoại do các hoạt động của con người, thì đây là con đường trực tiếp dẫn đến cái chết của chúng. Ngoài ra, một số động vật đã quá quen với việc được cho ăn trong môi trường nhân tạo đến nỗi chúng không thể tự đi kiếm ăn. Nói về cá heo, môi trường sống nhân tạo chắc chắn không phải là lựa chọn tốt nhất. Nếu con cá heo vẫn khỏe mạnh, tốt hơn là thả nó về lại tự nhiên. Nhưng, nếu con cá heo bị bệnh, thì tốt hơn là chăm sóc nó. Từ quan điểm này, việc thả một hoặc hai con cá heo khỏe mạnh là một bước đi tích cực theo hướng bảo tồn động vật hoang dã. Điều quan trọng nhất ở đây là cách thức đối xử với thiên nhiên. Các động vật hoang dã cần được tạo cảm giác ổn định trong tự nhiên, để chúng có điều kiện thuận lợi cho sự sinh sản”, - ông Wang Li nói với Sputnik.
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ của các nhà sinh thái học và các nhà bảo vệ môi trường. Về phần mình, các nhà phát triển động vật nhân tạo sẽ không dừng lại ở cá heo robot. Họ lên kế hoạch tạo ra những động vật robot khác, cũng như thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp giải trí nói chung.
“Động vật thông minh không chỉ thay thế cho các động vật sống, đây là một kỷ nguyên mới trong ngành giải trí. Dự án của công ty AEP kết hợp những sáng tạo tốt nhất của điện ảnh, truyền hình và các loại nghệ thuật khác, tạo ra những kịch bản đa dạng về sự tương tác của công chúng với robot bionic hoàn toàn an toàn. Đây là những kinh nghiệm đa chiều chưa từng có. Chắc chắc rằng, chúng tôi có thể tạo nên một cuộc cách mạng thực sự trong thế giới giải trí. Ngoài các dự án thủy cung, chúng tôi còn có những dự án khác”, - ông Wang Li kết luận.