Đối với Luật Đầu tư (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ được đề nghị bổ sung quyền ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu xét thấy việc chuyển nhượng đó có đe dọa, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bổ sung quy định cấm đầu tư kinh doanh bào thai để phản ánh đầy đủ nội dung cấm của ngành, nghề Mua bán người, mô, bộ phận cơ thể người.
Chấm dứt hoạt động nếu nhà đầu tư nước ngoài đe dọa an ninh quốc phòng Việt Nam
Chiều 26/5, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc trong Kỳ họp thứ 9 nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).
Trong phiên làm việc chiều nay, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày.
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và báo cáo của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Về áp dụng Luật Đầu tư và các luật có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung quy định tại Điều 4 để phân định rõ phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên tắc áp dụng của Luật Đầu tư và các luật có liên quan, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể tại dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Chứng khoán.
Đối với chính sách về đầu tư kinh doanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 5 nội dung quy định Thủ tướng Chính phủ có quyền ngăn chặn việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài, nếu xét thấy việc chuyển nhượng đó có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích quốc gia.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ quan điểm là việc chuyển nhượng dự án đầu tư đang xây dựng hoặc đang hoạt động cho nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó đã tính đến yếu tố quốc phòng, an ninh của Việt Nam.
Đồng thời, nội dung về bảo đảm quốc phòng, an ninh còn được quy định ở các điều, khoản khác của dự thảo luật. Điểm này được cho là có liên quan đến những vấn đề bức xúc gần đây liên quan đến việc các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc, lợi dụng kẽ hở luật pháp Việt Nam, núp bóng, thuê, mua, sở hữu đất đai có vị trí trọng yếu, nhạy cảm về quốc phòng trên cả nước.
Theo quy định trong dự thảo, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện về quốc phòng, an ninh và bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
Đối với ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài (Điều 9), theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, có ý kiến đề nghị cần quy định nguyên tắc xác định ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể loại địa bàn hạn chế đầu tư nước ngoài tại Luật và giao Chính phủ cụ thể hóa thành danh mục.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tiếp thu và bổ sung quy định căn cứ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, giao Chính phủ công bố ngành nghề, tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, báo cáo trước Quốc hội, đồng chí Vũ Hồng Thanh cũng nêu rõ, dự thảo Luật giao Chính phủ công bố danh mục ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là nhằm đảm bảo tính linh hoạt trong việc thực hiện cam kết của Việt Nam theo các FTA đã ký kết, Hiệp định đầu tư song phương và những cam kết khác có thể thay đổi hoặc sẽ đàm phán trong tương lai tới đây.
Việt Nam sẽ cấm dịch vụ đòi nợ?
Trình bày trước Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh sửa dự luật Đầu tư (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau đối với dịch vụ đòi thợ thuê (vay nặng lãi, tín dụng đen). Một số quan điểm bày tỏ tán thành với Tờ trình của Chính phủ, đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.
Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định, đồng thời lắng nghe ý kiến của các ĐBQH.
Theo đó, phương án thứ nhất, xin được giữ quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
“Vì thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng, biến tướng thành các băng nhóm tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu lý do vì sao nên cấm loại hình dịch vụ này.
Phương án thứ hai, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà quy định tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật Đầu tư hiện hành.
Theo lý giải của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với phương án này, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.
“Để hạn chế tiêu cực phát sinh, đề nghị cần bổ sung quy định điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để bảo đảm quản lý nhà nước đối với loại hình kinh doanh này”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết.
Cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?
Liên quan đến vấn đề cấm hay không cấm đầu tư kinh dianh dịch vụ đòi nợ thuê, Nghị trường ghi nhận nhiều quan điểm khác nhau.
Cụ thể, một số ĐBQH đề nghị không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì đây là vấn đề thị trường, mà cần phải quy định điều kiện kinh doanh và chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống kiểm soát, tòa án, các tổ chức hòa giải ở các cấp, tránh những vấn đề phát sinh, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Về vấn đề này, ĐBQH Mai Hồng Hải (Đoàn Hải Phòng) nêu ý kiến, trong hoạt động dân sự kinh doanh phát sinh nợ nần, thậm chí rủi ro và nợ quá hạn khó đòi, không đòi được là bình thường. Nếu không muốn nói là tất yếu trong xã hội.
Bên cạnh dịch vụ đòi nợ thuê, pháp luật còn quy định nhiều cách thức xử lý nợ khác như trọng tài, xét xử tại tòa, hòa giải đối thoại tại tòa án, lập dự phòng mua bán nợ, thế nhưng thực tế thủ tục quan trọng tài, tòa án mất rất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục hành chính mà hiệu quả không cao, chỉ thu được 36% các vụ đã xử, còn nếu tính trên tổng số vụ việc thì rất thấp.
“Kể cả khi có bản án có hiệu lực, việc đôn đốc thi hành án cũng rất khó khăn”, ĐB Mai Hồng Hải cho biết.
Cũng có chung ý kiến này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, vẫn nên để kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê nằm trong hệ thống luật, tuy nhiên có thể đổi tên thành dịch vụ thu hồi nợ để đúng với bản chất dịch vụ cũng như tránh gây phản cảm do tên gọi “đòi nợ (thuê)”.
Đồng thời, theo ông Traàn Hoàng Ngân, cần thiết lập các chuẩn mực để đảm bảo dịch vụ này hoạt động đúng yêu cầu. Vị ĐBQH phân tích, theo luật của Thái Lan, quy trình thu hồi nợ được quy định rất chuẩn mực như thời gian gọi điện thoại cho khách nợ từ 8h sáng đến 8h tối, chứ không được vượt quá giờ đó. Luật của Mỹ thì được gọi từ 8h sáng đến 9h tối. Tiếp cận với khách nợ thì không được phép tiếp cận với hàng xóm hay những người không liên quan tức là những quy định chuẩn mực nhằm bảo vệ uy tín của người đi vay.
“Vì không quy định những chuẩn mực đó sẽ dẫn đến việc thực thi rất nguy hại, ảnh hưởng đến vấn đề an ninh trật tự xã hội vừa qua”, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Cũng bàn về vấn đề này, ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, vẫn nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì thực tế như chúng ta đã thấy, thời gian qua, đa số các loại hình đòi nợ thuê đều thiếu lành mạnh và phần lớn là các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với các băng nhóm xã hội đen, đối tượng hình sự để đi đòi nợ.
Bà Hoa dẫn báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cho biết, tính đến hết tháng 8/2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).
“Quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” gây mất an toàn xã hội”, báo cáo của Chính phủ khẳng định.
Để làm rõ hơn vấn đề này, Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, cơ quan soạn thảo cung cấp thêm thông tin về việc có bao nhiêu cơ sở dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động đúng pháp luật, mức thuế đã đóng góp của các công ty loại này là bao nhiêu, có bao nhiêu vụ phạm tội do những hành vi đòi nợ thuê gây ra, bao nhiêu vụ tạt chất bẩn vào nhà con nợ và có bao nhiêu đơn thư trình báo về việc bị đe dọa tính mạng hay tấn công có liên quan đến đòi nợ thuê.
“Nếu có được những số liệu như thế sẽ giúp chúng ta có thêm cơ sở để có thể cân nhắc nên để hay nên cấm loại hình dịch vụ này. Rất tiếc là đến nay, chúng tôi vẫn không có được những thông tin về những vấn đề nêu trên”, vị ĐBQH đoàn Nam Định nêu vấn đề.
Cũng theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa, để việc quyết định chính sách thực tế hơn, cơ quan soạn thảo cũng có thể làm một thăm dò khảo sát những người nhờ đòi nợ thuê xem cái họ nghĩ đến là đòi hợp pháp hay là nhờ những hành vi bạo lực phi pháp. Kết quả khảo sát sẽ cho thấy rõ bản chất sự việc.
Đề xuất cấm đầu tư kinh doanh bào thai
Đồng thời, đối với dịch vụ điều tra là một ngành trong hệ thống các ngành kinh tế Việt Nam khác với điều tra hình sự là nhiệm vụ của cơ quan công an, tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, theo quy định của Bộ luật Dân sự, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Bên cạnh đó, một số hoạt động (như thải hóa chất độc hại ra môi trường, xâm phạm bí mật cá nhân, buôn lậu, kinh doanh hàng giả) không phải là ngành, nghề kinh doanh mà là hành vi vi phạm pháp luật đã được quy định xử lý theo pháp luật về hành chính, hình sự, dân sự.
Về hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đổi mới hình thức, điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về ưu đãi đầu tư theo hướng quy định về nguyên tắc, điều kiện áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư để bảo đảm hiệu quả, chất lượng của việc thực hiện chính sách này như áp dụng ưu đãi có thời hạn, theo kết quả thực hiện dự án, nhà đầu tư phải bảo đảm đáp ứng điều kiện ưu đãi trong thời gian được hưởng ưu đãi.
Đồng thời, bổ sung hình thức ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế. Về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đối với trường hợp đấu giá, đấu thầu, chấp thuận chủ trương đầu tư, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan tại Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Kế toán để bảo đảm thực thi hiệu quả Luật Đầu tư.