Liên minh OPEC+, với hai đối tác chính trong nhóm là Nga và Saudi Arabia, ngày 12 tháng 4 vừa qua đã đồng ý giảm sản lượng khai thác dầu từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 4 năm 2022. Một số quốc gia tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực này để cân bằng lại thị trường dầu mỏ toàn cầu mà nhu cầu đã bị giảm sút đáng kể do đại dịch coronavirus. Cụ thể trong số đó, theo nhận định của Bộ trưởng Năng lượng LB Nga Alexandr Novak, có thể kể tên các nước Mỹ, Canada, Na Uy và Brazil. Thỏa thuận chung cuộc được gọi là OPEC++.
Theo các chuyên gia của NCR, tiền đề đi đến những thỏa thuận này là tình trạng được gọi là “cuộc chiến về giá” xảy ra vào mùa xuân năm 2020, mà cơ sở tạo nên cuộc chiến đó có những yếu tố vẫn sẽ còn tác động ngay cả sau khi các biện pháp cách ly phòng dịch chấm dứt.
Đặc biệt, đó là ý định của Mỹ muốn trở thành nhà xuất khẩu ròng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
"Năm 2019, lần đầu tiên sau 67 năm, nước này trở thành nhà xuất khẩu tài nguyên năng lượng ròng, và nếu vào tháng 8 năm 2006, lượng nhập khẩu ròng các sản phẩm dầu và dầu mỏ ở Mỹ lên tới 13,6 triệu thùng mỗi ngày, thì vào tháng 2 năm 2020, lượng xuất khẩu ròng của họ đã đạt mức 0,8 triệu thùng/ngày", nghiên cứu cho biết.
Ngoài ra, trong số các yếu tố nói trên có thể kể đến kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ vẫn đạt mức đỉnh trong khoảng 15-20 năm do trào lưu chuyển sang động cơ chạy điện, cũng như việc Saudi Arabia không muốn tiếp tục là nước sản xuất đóng vai trò bình ổn thị trường dầu mỏ.
“Với điều kiện những yếu tố này được giữ nguyên cho đến khi các thỏa thuận OPEC++ hết hạn vào quý 1 năm 2022, thì mâu thuẫn giữa các nước đóng vai trò chính trong sản xuất dầu có thể trầm trọng thêm, điều này sẽ dẫn đến một sự thay đổi đáng kể trong kiến trúc thị trường dầu mỏ thế giới", - tài liệu của NCR có nhan đề “Thị trường dầu mỏ đứng trước ngã ba đường” nhận định.