Theo tin báo đăng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã gửi thư cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đề nghị tạm đình chỉ các hoạt động quân sự. Song phía bên kia đã trả lời rằng hoạt động của NATO mang tính chất phòng thủ, còn việc tăng cường hoạt động đó có liên quan đến mối đe dọa từ phía Nga.
Thay vì tạm đình chỉ hoạt động quân sự, ông Stoltenberg đã đề xuất với Ngoại trưởng Lavrov việc đổi mới Tài liệu Vienna về các biện pháp củng cố lòng tin và an ninh năm 2011. Moskva đã từ chối đề nghị này, nói rằng hoạt động của họ cũng mang tính chất phòng thủ.
Trước đó, báo chí Đức viết rằng quân đội NATO tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận ở gần biên giới Nga bất chấp đại dịch coronavirus, chính vì vậy nên đã kích động Moskva có biện pháp trả đũa. Báo chí nhấn mạnh rằng việc Nga đơn phương tuân thủ lệnh cấm tập trận quân sự đã bước sang tháng thứ hai. Trong khi đó vào ngày 15 tháng 5, NATO đã tiến hành chiến dịch Open Spirit ở Latvia, và vào tháng 6 họ chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận Allied Spirit.
Vào ngày 16 tháng 5, Phó Trợ lý thứ nhất Ngoại trưởng Hoa Kỳ về các vấn đề châu Âu và Âu-Á Michael Murphy nói rằng Nga, khi được cho là đang tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực, đã đe dọa tuyến phòng thủ chống ngầm của NATO ở Bắc Đại Tây Dương. Ông lưu ý đến việc triển khai các hệ thống S-400 trên Bán đảo Kola. Theo ông Murphy, việc này đã vượt ra ngoài tính chất bảo vệ lãnh thổ.
Cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan, bà Georgette Mosbacher tuyên bố Warsaw có thể triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ trên lãnh thổ nước này nếu chính phủ Đức quyết định giảm kho vũ khí.
"Nếu Đức muốn cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và làm suy yếu NATO, thì có lẽ Ba Lan, nước đang có phần đóng góp bình đẳng cho liên minh, hiểu được những rủi ro và nằm ở phòng tuyến phía đông của NATO, có thể triển khai những vũ khí đó ở đây",- nhà ngoại giao nói. Tuy nhiên, theo ông Lavrov, Washington chưa chắc đã thực hiện kế hoạch triển khai tên lửa hạt nhân ở Ba Lan.