Khi Ủy ban Vũ trang Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần về việc bổ nhiệm người đứng đầu mới của Hải quân, từ “Bắc Cực” đã được nhắc tới 35 lần, Nikkei Asian Review cho biết. Đồng thời, từ “Trung Quốc” và “Nga” đã được nhắc đến 22 lần còn từ “Triều Tiên” - chỉ 6 lần. Theo các tác giả bài viết, điều đó cho thấy sự khác thường trong thái độ của Washington đối với vấn đề đề này.
“Trung Quốc và Nga đang hiện diện ở khắp mọi nơi” - ông Jeneth Braithwaite, người ứng tuyển vào vị trí nàý nhận định. Trong hai năm qua, Braithwaite là đại sứ Hoa Kỳ tại Na Uy, do đó, như tờ báo viết, ông ta có điều kiện để quan sát những gì đang xảy ra. “Các vị sẽ lo ngại nếu như được thấy Trung Quốc đang tích cực tiến hành những hoạt động gì ở ngoài khơi Na Uy. Chúng ta phải theo dõi không mệt mỏi điều này, chúng ta phải hiểu tại sao lại như vậy”, - ông Jeneth Braithwaite nói.
Theo Nikkei Asian Review, việc bổ nhiệm Jeneth Braithwaite vào vị trí người đứng đầu Hải quân mang tính biểu tượng. Ông ta nói rằng, nhờ băng tan chảy, việc mở ra tuyến đường biển phía Bắc đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy Trung Quốc. Rốt cuộc, con đường dọc theo bờ biển phía Bắc của Nga có thể giúp đưa hàng hóa Trung Quốc đến châu Âu nhanh gấp đôi. Cho nên, các chính trị gia Mỹ thừa nhận: mở ra tuyến đường biển Bắc Cực là một sự kiện lịch sử đối với toàn thế giới, tương đương với việc khai phá Địa Trung Hải. Và họ quan ngại trước việc Trung Quốc giờ đây tuyên bố họ là một nước cực Bắc. "Như thể Maine tuyên bố mình là một bang cận Caribea", họ mỉa mai nói về một trong những bang cực Bắc của Mỹ.
“Sai lầm lớn nhất trong chính sách của Mỹ là không chịu hiểu ý nghĩa chiến lược cạnh tranh của các nước lớn ở Bắc Cực” - chuyên gia phân tích chính trị Heather Conley viết.
Theo bà, trong khi Hoa Kỳ cho rằng Bắc Cực sẽ có tầm quan trọng chiến lược hạn chế, Nga và Trung Quốc có thái độ khác hẳn đối với khu vực và đang tăng cường hiện diện quân sự và kinh tế của họ tại đó.
Trong cuộc đàm đạo với nhà báo Nikkei Asian Review, bà Conley cảnh báo rằng "nếu như Bắc Kinh và Moskva tạo ra một liên minh chống phương Tây thì đó là kịch bản tồi tệ nhất đối với Mỹ và Nhật Bản", vì Nga và Trung Quốc có thể hạn chế các quốc gia khác tiếp cận các đại dương Thái Bình Dương và Đại Tây Dương ở phía Bắc. Bà Conley đề xuất các nước phương Tây theo dõi xem liệu Moskva có công nhận đường ranh giới Biển Đông của Trung Quốc để đổi lấy hỗ trợ kinh tế cho các tuyên bố của Nga đối với thềm lục địa ở Trung tâm Bắc Cực hay không.
Hiện giờ Nga và Trung Quốc tiến hành các hoạt động chung ở Bắc Cực. Khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt, Nga phải tìm kiếm nguồn tài chính cho dự án của mình ở Yamal. Các ngân hàng và quỹ của Trung Quốc đã cho Nga vay tín dụng và nhận được 29,9% cổ phần trong dự án khí hóa lỏng lớn nhất thế giới. Năm ngoái, các công ty Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận sử dụng tàu phá băng trong các đề án khí đốt của Nga.
Vì vậy, một số chính trị gia Mỹ nhấn mạnh rằng Mỹ chú ý quá ít đến Bắc Cực. Chẳng hạn, Chiến lược Bắc cực quốc gia năm 2013 của Tổng thống Obama chỉ có 13 trang và 6 trang trong số đó là hình ảnh. Nhưng bây giờ chính quyền Mỹ đã bắt đầu có một cái nhìn mới về Bắc Cực, Nikkei Asian Review nhận xét.