Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Washington dự định xem xét lại quan hệ với Hồng Kông, kể cả các ưu đãi dành cho đặc khu.
"Điều đáng chú ý là, bất chấp tuyên bố của Hoa Kỳ về các biện pháp hạn chế đối với Hồng Kông, Mỹ có lợi ích kinh tế và lợi ích to lớn khác ở Hồng Kông. Trong 10 năm qua, thặng dư thương mại của Mỹ ở Hồng Kông đã lên tới hàng tỷ đô la, Hồng Kông đứng đầu chỉ số này trong các đối tác thương mại của Hoa Kỳ... Do đó, bất kỳ biện pháp hạn chế nào cũng sẽ đồng thời làm tổn hại đến lợi ích của các công ty Mỹ ở Hồng Kông", – ông Paul Chan viết trên blog của mình.
Ông lưu ý rằng xuất khẩu hàng hóa sản xuất hàng năm ở Hồng Kông và xuất khẩu sang Hoa Kỳ chưa bằng 2% sản lượng địa phương và giá trị xuất khẩu không đạt 0,1% trong tổng xuất khẩu của Hồng Kông.
"Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng có thể dẫn đến sự gián đoạn hoạt động bình thường của thị trường. Chúng tôi sẽ không xem nhẹ điều này, chúng tôi sẽ theo dõi cẩn thận và phản hồi kịp thời", - ông Paul Chan viết.
Trung tâm tài chính châu Á
Bộ trưởng cho biết, mặt khác, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao, động lực tăng trưởng và thị trường khổng lồ thu hút lợi ích phát triển của nhiều tập đoàn đa quốc gia.
"Trong trò chơi lớn này Hồng Kông chắc chắn sẽ phải chịu thiệt hại, nhưng nếu chúng ta tiếp tục duy trì hệ thống và lợi thế đặc biệt của mình, cũng như duy trì sự ổn định của thị trường, vị thế của Hồng Kông với tư cách là trung tâm tài chính quốc tế ở châu Á sẽ vẫn độc đáo nhất", - ông Paul Chan nói.
Mối quan hệ đặc biệt
Năm 1992, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua đạo luật điều chỉnh quan hệ song phương của Hoa Kỳ đối với Hồng Kông. Đạo luật quy định các điều kiện thuận lợi đặc biệt đối với Hồng Kông trong các vấn đề thương mại và hải quan, khác với các điều kiện đối với các khu vực khác của Trung Quốc. Đặc biệt, Hồng Kông không phải chịu các loại thuế được áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc.
Tác động của những điều kiện này trực tiếp phụ thuộc vào mức độ Hồng Kông duy trì mức độ tự trị cao đối với chính quyền trung ương Trung Quốc theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ". Nếu Hoa Kỳ cho rằng mức độ tự chủ là không đủ, thì bằng nghị định của mình, Tổng thống Hoa Kỳ có thể rút lại cơ chế đặc biệt này bất cứ lúc nào. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hàng năm đệ trình lên Quốc hội báo cáo về tình hình ở Hồng Kông, trong đó đưa ra các khuyến nghị về việc duy trì hoặc thu hồi cơ chế đặc biệt.