Theo đó, Việt Nam sẽ có 7 vùng kinh tế- xã hội thay vì 6 vùng như hiện nay. Tuy nhiên, các chuyên gia lại đặt vấn đề, phân vùng rồi làm gì nữa? Vì điều quan trọng là cơ chế, thể chế cho hoạt động đầu tư, phát triển vùng chứ không phải vấn đề phân chia vùng thuần túy.
Việt Nam sẽ có 7 vùng kinh tế?
Sáng nay ngày 4/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp Hội nghị tham vấn chuyên gia về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện luật Quy hoạch.
Phát biểu tại cuộc họp sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện tại quy hoạch vùng của Việt Nam còn mờ nhạt, hiệu quả kết nối chưa cao, đồng thời cũng không còn phù hợp với tình hình phát triển mới, do đó, có nhu cầu cần thiết phải điều chỉnh lại.
Theo lời Phó Thủ tướng, ví dụ như các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, hiện nay đang phát triển công nghiệp khá mạnh, tiến trình đô thị hóa khá nhanh, nhưng vẫn để ở vùng miền núi, như vậy có hợp lý hay không?.
Ngoài ra, vùng duyên hải miền Trung hiện nay quá dài, điều kiện địa lý, văn hóa, kinh tế không tương đồng, do vậy, Phó Thủ tướng nêu vấn đề, có nên chia làm hai vùng là duyên hải Bắc Trung Bộ và duyên hải Nam Trung Bộ hay không.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, quy hoạch vùng phải làm nổi bật những đặc trưng, tạo ra không gian kết nối, hỗ trợ và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tinh thần, bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho hay, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành và địa phương, ngày 26/3 vừa qua, Bộ KH&ĐT đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề xuất 6 phương án phân vùng.
Tiếp đó, sau quá trình phân tích, thảo luận, dự kiến nhiều phương án và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 14/5, Bộ Kế hoạch - Đầu tư có tờ trình về phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, trong đó đề xuất 2 phương án phân vùng chính thức để lựa chọn.
Trong đó phương án được lựa chọn nhiều nhất là phân cả nước làm 7 vùng, trên cơ sở phân vùng giai đoạn 2011-2020 hiện nay (6 vùng) và tách vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thành vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ.
Cụ thể, phương án thứ nhất là giữ nguyên hai vùng – vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tách vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc theo phân thủy của sông Hồng.
“Bên cạnh đó tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung dài 1.300km hiện tại thành Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung bộ), điều chỉnh 1 tỉnh (Bình Thuận) sang vùng Đông Nam bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lăk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung bộ”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay.
Ngoài ra, vùng Đông Nam bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh là Lâm Đồng và Bình Thuận.
Hai vùng còn lại là vùng đồng bằng sông Hồng mà trung tâm là Hà Nội, vùng đồng bằng sông Cửu Long mà trung tâm là TP.Cần Thơ vẫn giữ nguyên.
Còn phương án 2, được xây dựng theo đề xuất của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, phương án này được xây dựng trên cơ sở phương án phân vùng giai đoạn 2011 - 2020 hiện nay, chỉ thực hiện tách vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung bộ (6 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế), vùng Nam Trung bộ (8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận), vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh).
Ngoài ra, sẽ mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc bộ.
Lý giải về việc vì sao lại quyết định thêm 4 tỉnh này vào đồng bằng sông Hồng để hình thành vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho hay, 4 địa phương này có sự khác biệt lớn với các tỉnh miền núi phía Bắc, có địa hình núi, đồi và có đồng bằng, độ cao phần lớn ở mức 200m, thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế, có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng, giao thông thuận lợi.
Lý giải về đề xuất chia đôi thành hai vùng ở miền Trung, đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung hiện quá dài, đến hơn 1.300km, do đó các hoạt động giao lưu, kết nối hạn chế.
“Vùng này trải qua nhiều vùng văn hóa, lịch sử và con người rất khác nhau (như Thanh Hóa, Nghệ An và Bình Định, Phú Yên...), có sự khác biệt đặc trưng về khí hậu, thời tiết giữa hai phần Nam và Bắc đèo Hải Vân, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội”, ông Trần Quốc Phương nói.
Phân vùng để làm gì?
Bản chất cuộc họp hôm nay là để nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia về phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện luật Quy hoạch, do đó, các đại biểu tham dự Hội nghị đã góp ý, trao đổi hết sức thẳng thắn.
Như diễn biến tại phiên họp, rất đông ý kiến đồng tình với phương án hai. Điển hình như PGS, TS Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch, Bộ Xây dựng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng việc phân vùng kinh tế - xã hội từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến nay vẫn cho thấy sự chính xác. Vậy nên, nếu so sánh hai phương án thì ông nghiêng về số hai hơn, vì có tính kế thừa cao.
Tuy nhiên, ông đề nghị xem xét cân nhắc việc đưa 4 tỉnh trung du miền núi phía Bắc là Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang về vùng Đồng bằng sông Hồng. Theo vị chuyên gia, đây là 4 địa phương hiện nay được cho là động lực phát triển của vùng trung du miền núi phía Bắc. Nếu “cắt mất đầu tàu” thì sẽ rất khó khăn đối với vùng miền núi phía Bắc.
Đồng tình với PGS.TS Trần Trọng Hanh, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội quy hoạch Hà Nội nêu quan điểm, việc mở rộng quy hoạch vùng này sẽ khiến vùng Đồng bằng và trung du Bắc bộ có tới 15 tỉnh. Như vậy là quá lớn. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh sẽ “không thích” bị sát nhập vào vùng kinh tế khác nhưng vẫn phải thực hiện.
Về vấn đề này, GS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, thì cho rằng, Long An và cả Tiền Giang thực chất không nằm trong lưu vực sông Cửu Long mà thuộc về khu vực Đông Nam bộ.
“Có lẽ ta nên liều một tí, đưa Long An, Tiền Giang về miền Đông Nam bộ thì TP.HCM mới là trung tâm gắn kết vùng được”, PGS.TS Nguyễn Quang Thái kiến nghị.
Đồng thời, theo Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, thì câu hỏi cần phải lo trả lời ở đây chính là, phân vùng để làm gì. Bởi theo ông, nếu quy hoạch chỉ “để cho đẹp” rồi để đó thì không có ý nghĩa gì cả.
“Nếu phân vùng chỉ là cộng lại các tỉnh, thành rồi mỗi năm gặp nhau một lần mà không quyết định được gì thì khó có hiệu quả. Vùng phải có cơ chế, thể chế điều hành vùng. Có hội đồng vùng không, thể chế nào buộc họ hợp tác, HĐND các tỉnh họ quyết định gì?”, PGS.TS Nguyễn Quang Thái đặt vấn đề.
GS Nguyễn Quang Thái cho rằng lâu nay làm quy hoạch để kết nối nhưng lại không có nguồn lực để nối kết thì khó hiệu quả. Quyền lực hành chính thuộc về các tỉnh, thành phố.
“Chúng ta chỉ có đại hội Đảng bộ tỉnh, thành chứ đâu có đại hội Đảng bộ vùng, ai chỉ huy vùng?”, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam nói.
Đối với vùng kinh tế Đông Nam Bộ, GS Nguyễn Quang Thái đề nghị nên có cả Long An, Tiền Giang, trong khi TP.HCM là trung tâm kết nối vùng.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Trọng Hanh nhận xét, cái mà ta thiếu lâu nay không có quy hoạch mà thiếu thể chế để liên kết, phát triển vùng, từ việc thiếu cơ quan điều phối, quản lý, chính sách tài khóa không có cấp vùng đồng thời các chính sách liên kết vùng cũng hết sức hời hợt.
“Ta đang thiếu 3 thiết chế lớn, đó là cơ quan quản lý và điều hành vùng, chính sách tài khóa cho vùng và cơ chế ràng buộc liên kết vùng”, OGS.TS Trần Trọng Hanh cho hay.
Ông Hanh đề nghị trong các yếu tố để xét phân vùng kinh tế, cần lưu ý đến phong thổ. Đặc biệt, nên lấy các lưu vực sông làm yếu tố kết nối, không nên chia cắt các địa phương gắn kết cùng một lưu vực sông bởi sẽ làm hỏng tính phong thủy của đất nước và mất tính kết nối.
Như ở miền Bắc là các hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, Đông Nam Bộ là các hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, Tây Nam Bộ là hệ thống sông Cửu Long.
“Giờ nếu cắt Thừa Thiên Huế để ghép vào vùng duyên hải Nam Trung Bộ thì không đúng, rất nguy hiểm, kiểu ép duyê'. Việc cắt Lâm Đồng - vùng đất Tây Nguyên thấp - về vùng Đông Nam Bộ cũng cần phải lưu ý”, vị chuyên gia phân tích.
Với đề xuất đưa Long An về Đông Nam Bộ, ông Hanh cho rằng, tỉnh này không liên quan nhiều đến lưu vực sông Cửu Long mà liên quan đến hệ thống sông Vàm Cỏ, do vậy về phong thổ học nên gắn bó với miền Đông Nam Bộ.
“Tôi lại đồng ý kéo Long An vào vùng Đông Nam Bộ. Ngay cả khi không nhìn ở góc độ phong thủy thì cũng thấy rõ rằng về mặt kết nối hạ tầng, kinh tế xã hội thì Long An gắn kết với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ hơn”, TS Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội nêu ý kiến.
GS, TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc lập cơ quan quản lý vùng là không nằm trong chủ trương của Chính phủ. Do vậy, kèm theo quy hoạch vùng này phải là cơ chế để kỷ luật chấp hành.
“Làm quy hoạch vùng là để quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh. Là tỉnh này phải giảm công nghiệp, và nhường việc đó cho tỉnh kia. Chứ mạnh ông nào ông ấy làm, mất tính đồng bộ, thì vỡ trận hết”, GS.TS Võ nhấn mạnh.
Phân vùng phát triển kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo an ninh quốc phòng
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, mục tiêu của việc phân vùng là để thực hiện luật Quy hoạch, làm cơ sở để quy hoạch vùng.
“Nhiều vùng thành ra câu lạc bộ vui vẻ chứ không phải chỉ đạo vùng, liên kết vùng, chính sách vùng”, đồng chí Trịnh Đình Dũng nói và khẳng định, cần phải xác định rõ phân vùng để làm gì.
“Phân vùng để quy hoạch cụ thể từng vùng, từ đó khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương trong vùng, toàn vùng để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng thông qua phân công, hợp tác và hệ thống hạ tầng”, đại diện Chính phủ nhấn mạnh.
Trên cơ sở này, Phó Thủ tướng Dũng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp thu ý kiến của các đại biểu, trình Chính phủ 2 phương án trên cơ sở phương án 2 để thông qua.
7 vùng kinh tế - xã hội theo phương án 2 sẽ được sửa đổi để trình Chính phủ cụ thể như sau:
- Vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La;
- Vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh;
- Vùng Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế;
- Vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận;
- Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng;
- Vùng Đông Nam Bộ gồm 6 tỉnh/thành phố: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh;
- Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh/thành phố: Thành phố Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.