Việc tìm thấy hài cốt 17 chiến sĩ đặc công, Tiểu đoàn 404, Quân khu 5, được chôn tập thể tại trận địa Khâm Đức là một kỳ tích. Những người lính anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trong trận đánh vào căn cứ Hoa Kỳ tại khu sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, rạng sáng ngày 5/8/1970 và sắp tới cũng sẽ được an táng trong một ngôi mộ chung dưới lá cờ của Tổ quốc.
Quảng Nam: Tìm thấy hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công
Sau biết bao năm tháng mòn mỏi chờ đợi và 15 ngày nỗ lực tìm kiếm, lực lượng quân sự và chính quyền huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã tìm thấy hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công thuộc Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5, hy sinh trong trận tấn công vào căn cứ quân sự của Quân đội Mỹ ở sân bay Khâm Đức 50 năm về trước.
Sáng 4/6, Ban chỉ huy quân sự huyện Phước Sơn (Quảng Nam) xác nhận đã hoàn tất việc khai quật hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công tiểu đoàn 404, quân khu 5, những liệt sĩ anh hùng, hy sinh xương máu trong cuộc chiến tranh chống Đế quốc Mỹ ở một trong những giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc xung đột.
Thông tin với báo chí sáng nay ngày 4/6, Thượng tá Phan Anh Hải - Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự Huyện Phước Sơn cho biết, với sự thống nhất của chính quyền huyện, từ ngày 16/5 việc tìm kiếm mộ chung của các liệt sĩ được tiến hành.
Theo Thượng tá Phan Anh Hải, cuộc khai quật diễn ra suốt nửa tháng qua, hiện hài cốt của 17 chiến sĩ đặc công đều đã được tìm thấy. Vị trí hố chôn tập thể này nằm ở phía Đông Nam sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Theo thông tin từ Thượng tá Hải, cuộc tìm kiếm lần này có sự hỗ trợ tích cực từ các cựu binh Mỹ, những người từng tham chiến trong chiến tranh Việt Nam khi việc xác định vị trí.
“Khi so sánh với các hình ảnh tư liệu đã cho thấy vị trí tương đối chuẩn xác. Vị trí khai quật nằm ở khu vực sân bay Khâm Đức”, Thượng tá Phan Anh Hải cho hay.
Đến chiều ngày 1/6, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện một số mảnh xương ống và nhiều mẫu vật như dây lưng quần, dây dù trùng khớp với hình ảnh video tư liệu do những cựu binh Mỹ cung cấp.
Cụ thể, theo Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn, hài cốt đầu tiên được phát hiện khi đào xuống 3m, hài cốt sâu nhất gần 5m.
“Tại hiện trường, lực lượng tìm kiếm thu được nhiều xương ống chân, đầu, dây dù buộc lưng quần và nhiều hiện vật khác”, Thượng tá Hải thông tin.
Và đến chiều 3/6, lực lượng chức năng đã tìm thấy toàn bộ 17 liệt sĩ đặc công trên.
“Đây là hố chôn tập thể 50 năm nên người thân các liệt sĩ có nguyện vọng cải táng tập trung tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn vì không biết của ai để đưa về”, Thượng tá Phan Anh Hải nhấn mạnh.
Có thể nói, việc tìm thấy hố chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công Tiểu đoàn Đặc công 404, Quân khu 5, hy sinh tại trận địa Khâm Đức lần này được xem là kỳ tích. Bởi rằng trong suốt hơn 20 năm qua, thân nhân các gia đình liệt sĩ và các cựu chiến binh đồng đội năm xưa đã tiến hành hàng chục cuộc tìm kiếm, hàng ngàn khối đất đá tại khu vực sân bay Khâm Đức được xới tung lên vẫn không tìm thấy tung tích gì liên quan đến hài cốt những người lính đặc công đã ngã xuống trong cuộc chiến năm đó.
Hiện hài cốt của toàn bộ 17 liệt sĩ đặc công đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ huyện Phước Sơn để làm lễ truy điệu theo quy định của Quân đội.
Dự kiến, sáng mai ngày 5/6, các ban ngành tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức lễ truy điệu và an táng cho 17 chiến sĩ đặc công đã hy sinh 50 năm trước vào rạng sáng ngày 5/8/1970 trong trận đánh vào căn cứ Mỹ tại sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn.
Trận đánh Khâm Đức
Theo tài liệu lịch sử, ngay từ đầu những năm 1960, được sự tư vấn của cố vấn Mỹ, chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm quyết định xây dựng Khâm Đức thành cứ điểm quan trọng trong việc cơ động ứng cứu cho nhau giữa các cứ điểm đóng quân ở vùng tây Quảng Nam và Hạ Lào.
Đồng thời việc xây dựng căn cứ quân sự ở Khâm Đức cũng nhằm ngăn chặn hành lang đi lại của Quân Giải phóng từ trên núi xuống đồng bằng.
Tại khu vực cách trụ sở UBND huyện Phước Sơn ngày nay không xa, Chính quyền Mỹ và Việt Nam Cộng hòa khi đó đã thiết lập một đại bản doanh của trường biệt kích toàn miền Nam do Mỹ trực tiếp huấn luyện. Đặc biệt nhất là sân bay Khâm Đức, căn cứ Ngok Ta Vak (xã Phước Mỹ) - căn cứ này nằm giữa Chavane (Lào) và thung lũng Khâm Đức, là nơi chuyển quân và hàng hóa vào Vùng 2 chiến thuật và Tây Nguyên của Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa.
Căn cứ Khâm Đức được xây dựng thành 3 phân khu chính: trên đỉnh là khu trung tâm gồm có nhà bộ chỉ huy và trận địa pháo được bao bọc bởi hệ thống hàng rào thép gai, phía đông nam là khu cư trú của lực lượng liên quân, phía tây cứ điểm là khu sân bay trực thăng dã chiến.
Sân bay Khâm Đức được đầu tư xây dựng với tổng số tiền 30 triệu đồng, khởi công vào tháng 8 năm 1961 đến tháng 12 năm 1963 thì hoàn tất. Song song với việc thi công sân bay Khâm Đức, cuối năm 1962, phía VNCH tăng quân chủ lực lên 3 trung đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn đặc nhiệm, 18 tiểu đoàn Bảo an, 75 tổng đoàn nghĩa quân, 12 đại đội dân vệ để triển khai đóng giữ các cụm cứ điểm chiến lược quan trọng từ tây bắc Hòa Vang - Hà Tân - Thượng Đức - Hiệp Đức - Khâm Đức - An Lâu - Trà My... tạo thành tuyến phòng thủ suốt dọc theo ranh núi từ tây bắc Hòa Vang đến tây nam Tam Kỳ, nhằm chặn Việt Cộng từ căn cứ miền núi hoạt động xuống đồng bằng.
Trận Khâm Đức là một trong những trận đánh hào hùng trong Chiến tranh Việt Nam, diễn ra từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 12 tháng 5 năm 1968 trên khu vực phía Tây tỉnh Quảng Tín (nay là khu vực thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Trận chiến này kết thúc với chiến thắng của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng sự rút lui của Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh khỏi sân bay Khâm Đức và các cứ điểm lân cận.
Chiến thắng Khâm Đức là thắng lợi lớn nhất trên chiến trường miền núi Quảng Nam lúc bấy giờ. Là trận đòn chí mạng vào quân Mỹ-Việt Nam Cộng Hòa, xóa sổ Trại Lực lượng Đặc biệt của Mỹ nằm sâu trong vùng giải phóng, đánh tan kế hoạch “tìm và diệt” trên chiến trường khu 5, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ở Việt Nam.
Quân Giải phóng và nhân dân địa phương đã tiêu diệt tiền đồn quân sự vững chắc của Mỹ, VNCH ở phía Tây Nam Đà Nẵng. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố tại Khâm Đức đã diệt hơn 300 quân đối phương, bắt giữ 104 lính khác trong đó có 2 cố vấn Mỹ. Tính cả trận Ngok Ta Vak, quân Giải phóng đã tiêu diệt và làm tan rã một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, 2 đại đội bộ binh quân Sài Gòn và 7 đại đội biệt kích Long Hỗ và Hắc Hổ, tiêu diệt trên 500 lính, bắt sống 104 biệt kích Nùng và 2 Cố vấn Mỹ, bắn rơi 2 máy bay CH-47, 2 máy bay C-130 và 9 máy bay trực thăng chiến đấu, phá hỏng nhiều xe quân sự, tịch thu toàn bộ vũ khí, khí tài, quân trang, quân dụng.
“Mất Khâm Đức là mất mục tiêu thu thập tin tức tình báo hoạt động của Quân giải phóng trên đường mòn Hồ Chí Minh và cả kế hoạch xâm nhập vùng kiểm soát của đối phương (vùng hậu cứ cách mạng)”, chính quyền Mỹ khi đó thừa nhận.
Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak đã mở rộng vùng hậu cứ cách mạng, khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông-Tây, mở thông “cánh cửa thép” của đường mòn Hồ Chí Minh nối với hậu phương lớn miền Bắc với Tây Nguyên, Hạ Lào, mở ra hành lang vận động của Quân Giải phóng xuống vùng giáp ranh đồng bằng, tạo thời cơ để Quân Giải phóng và nhân dân địa phương đẩy mạnh chiến dịch Thu năm 1968 (Kế hoạch X2) trên toàn chiến trường khu 5 giành thắng lợi. Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak đã gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế.
Cựu binh Mỹ giúp tìm kiếm mộ chôn tập thể 17 chiến sĩ đặc công
Sáng ngày 5/8/1970, các chiến sĩ đặc công nhận nhiệm vụ đánh vào cứ điểm Khâm Đức và đã có 17 người khi đó đã hy sinh và được chôn tập thể.
Năm 2001, đồng đội của các chiến sĩ đặc công và cơ quan chức năng tìm kiếm hài cốt nhưng chưa phát hiện được vị trí chôn các liệt sĩ.
Đến tháng 2/2013, cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen đã công bố trên Youtube đoạn video clip dài hơn 6 phút về trận đánh vào sân bay Khâm Đức về sự hy sinh của các chiến sĩ đặc công.
Sau đó, hội Cựu chiến binh Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam (VVA); phóng viên Christopher Jensen cung cấp và qua thư từ liên lạc để xác định vị trí chôn tập thể. Tuy nhiên sân bay Khâm Đức đã thay đổi, với hàng chục đợt tìm kiếm nhiều năm trời nhưng chưa thấy.
Ngày 14/6, chia sẻ về việc tìm thấy mộ tập thể chôn 17 chiến sĩ đặc công, bà Vũ Thị Điểm - con gái liệt sĩ Vũ Văn (một trong 17 chiến sĩ đặc công) xúc động chia sẻ, sau bao mong mỏi chờ đợi của thân nhân các liệt sĩ, cuối cùng các đồng chí cũng đã được tìm thấy và được đưa về an nghỉ đàng hoàng.
“Vậy là từ nay cha tôi và các chú có chỗ yên nghỉ rồi. Tôi đã gọi điện về báo cho mẹ và gia đình, mọi người vui mừng không thể nói thành lời”.
Cựu chiến binh Phạm Công Hưởng là người luôn có mặt trong những lần tìm kiếm đồng đội tại sân bay Khâm Đức. Vì lý do sức khỏe, lần tìm kiếm này ông chỉ tham gia hơn 10 ngày đầu, rồi ra Hà Nội dưỡng bệnh.
Khi nghe tin đã tìm thấy đồng đội, ông chia sẻ những dòng tâm trạng trên Facebook:
“Một câu chuyện có thật, nhưng vẫn cứ nghĩ chỉ có trong mơ, 17 bộ đội đặc công ra đi đến nay tròn 50 năm. Hơn 10 năm qua, những người ở lại - các cựu chiến binh, đồng đội của họ, với sự phối hợp của cựu thù (cựu binh Mỹ), gác lại quá khứ cùng nhau giải quyết tồn đọng chiến tranh. Kết quả thành công đã đến, niềm vui trong nước mắt - nước mắt của hạnh phúc!”, cựu chiến binh Phạm Công Hưởng bày tỏ.
Về phía chính quyền địa phương, tối 3.6, ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho báo Quảng Nam biết, 17 chiến sĩ Đặc công này vẫn sẽ được an táng chung trong một ngôi mộ như mong muốn của gia đình và các cựu chiến binh.
“Việc tìm kiếm ngôi mộ tập thể của 17 chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 404 đã kết thúc tốt đẹp. Huyện đã thông báo đến thân nhân gia đình các liệt sĩ. Theo nguyện vọng của gia đình các liệt sĩ và cựu chiến binh Tiểu đoàn Đặc công 404 là các liệt sĩ được an táng chung trong một ngôi mộ. Hiện nay, hài cốt được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện để làm lễ truy điệu theo quy định. Dự kiến lễ truy điệu diễn ra vào sáng 5/6 tới”, lãnh đạo huyện Phước Sơn cho biết.