Nguồn gốc cách hành xử kỳ thị của cảnh sát đối với cư dân da màu, các vấn đề của toàn bộ hệ thống và các nạn nhân có thể trông cậy vào đâu – qua ý kiến của Luật sư Paul Applebaum, 30 năm qua đứng trước toà bênh vực những công dân mà quyền của họ bị cảnh sát xâm phạm.
«Tôi thường xuyên thấy chuyện đó»
Luật sư Paul Applebaum cho biết, ông chuyên trách các vụ vi phạm nhân quyền, mà hầu hết trong số đó gắn với hành động bất hợp pháp của cảnh sát.
«Và phần lớn các vụ này là trường hợp hành động bất hợp pháp trên đường phố của cảnh sát tuần tra. Các sĩ quan tuần tra chiếm đa số trong những vụ sử dụng vũ lực quá mức, như trong tình huống với George Floyd. Tôi thường xuyên thấy chuyện đó», - ông Applebaum nói.
Và thực trạng này không chỉ ở thành phố Minneapolis và vùng ngoại vi, mà còn diễn ra ở các bang khác khắp nước Mỹ, ông nói thêm.
«Một trong những vấn đề lớn nhất là lệnh khám xét khi cảnh sát xộc đến mà không thèm gõ cửa và kết thúc bằng nổ súng từ trong nhà vì người dân nghĩ rằng đó là bọn cướp. Còn cảnh sát đáp rằng, vì chủ nhà bắn thì họ cũng bắn trả. Và thế là có người chết», - ông Applebaum nhận xét.
Chính đó vụ việc mà luật sư đã tham gia phân xử vài năm trước đây, khi theo lời ông, dựa trên căn cứ khá mơ hồ nhưng cảnh sát đã có được tờ lệnh khám xét và tới «hiện trường».
«Chủ nhân ngôi nhà nuôi mấy con chó như thú cưng đồng thời để giữ nhà. Thế mà cảnh sát bắn khắp nhà. Tức là, bắn toàn bộ. Họ giết chết những con chó, mà chỉ cách đó vài centimet có một bé gái 4 tuổi đang đứng ngơ ngác trong bộ đồ ngủ ... Cái đầu chú chó cưng vỡ toác trên người cô bé, theo đúng nghĩa đen», - luật sư kể.
«Bà mẹ của cô bé, gần như không mặc quần áo, vẫn bị buộc phải rời khỏi nhà và đứng bên ngoài», - luật sư nói tiếp.
«Chỉ người da đen bị đối xử như vậy. Cảnh sát không bao giờ làm điều này với các gia đình người da trắng», - ông Applebaum xác nhận.
Văn hóa không dung thuận
Lịch sử định kiến trong quan hệ với các sắc dân thiểu số từ phía cảnh sát Minneapolis có gốc rễ sâu xa, - luật sư nói tiếp.
«Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Minnesota phổ biến rộng rãi trong những năm 1920-30. Cơ quan cảnh sát nhiễm «căn bệnh» này và không bao giờ chữa khỏi», - ông Applebaum nhận xét.
Nguyên nhân là ở cội rễ văn hóa, - ông nêu quan điểm. Theo lời ông Applebaum, Minnesota là một thành trì của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở miền bắc Hoa Kỳ, từ thời xưa từng được giới truyền thông ráo riết quảng bá cổ vũ, thậm chí còn có quyết định của Tòa án cho phép họ làm như vậy. Thêm nữa, hồi đó có nhiều người từ Đức, Na Uy và các nước với «dân da trắng thuần chủng» chuyển đến sống ở bang này, nhìn di dân da màu đến đây sau Thế chiến II bằng con mắt khinh thị.
«Những người sống ở đây không thích chuyện đó. Họ không muốn như vậy. Và đã hình thành thái độ không chấp nhận rằng người da đen cũng có thể đến đây», - ông Applebaum nói tiếp.
Một số thực tế thời đó vẫn tồn tại đến tận hôm nay. Chẳng hạn, trong các hợp đồng mua bán bất động sản ngay cả bây giờ cũng có thể ghi điều khoản quy định rằng chủ sở hữu mới cam kết không bán cơ ngơi cho người da màu. Như vậy, luật sư nói, vẫn nghiễm nhiên bảo lưu «khu vực dành cho người da trắng». Và những nhân viên cảnh sát được tuyển dụng từ cộng đồng đó chính là sự phản ánh thực tại xã hội, ông Applebaum nói.
«Quan toà trắng không muốn tin»
Thêm một vấn đề khác mà ông Appleum gọi là các quan toà «không muốn can thiệp và không làm những gì cần làm để trừng phạt những đối tượng này».
«Nhiều quan toà là cựu công tố viên. Họ không biết những gì thực sự đang xảy ra trên đường phố. Chủ yếu xuất thân từ tầng lớp trung lưu, da trắng, họ thậm chí có thể tưởng rằng một cảnh sát có quyền làm tất cả những gì đang làm. Nếu bạn lớn lên trong một gia đình trung lưu da trắng, sẽ không ai xuất hiện trước cửa nhà bạn với cây súng máy, bắn chết hết những con chó cưng của bạn và suýt giết chết cả con gái bé bỏng của bạn. Vì vậy, các quan toà da trắng đều cho rằng trên đời không thể có những chuyện «phi lý» như vậy», - luật sư Applebaum giải thích.
Theo lời ông, chính sự hoài nghi cố định và nghiễm nhiên như vậy đã là nguyên nhân lần cãi thua duy nhất của ông trước tòa.
«Bao nhiêu lần từng có vụ khi tôi phanh phui sự dối trá của cảnh sát, rõ ràng như trắng và đen, nói dối nghiêm trọng chứ không phải là chuyện vặt. Và quan toà chỉ đơn giản là ngồi yên không làm gì cả. Tất cả đều muốn sự tiện lợi thoải mái, không ai muốn nhúng chân xuống nước hay làm chuyện nổi sóng», - ông Applebaum nói.
Mảnh đất của những «cảnh sát tồi»
Theo quan điểm của luật sư, nếu không có nhân chứng trong vụ Floyd, cái chết của anh ta chắc sẽ được quy là «đương sự có vấn đề về tim». Nếu hành động đúng, thì cảnh sát cần lập tức đưa người da đen lên xe và đưa đi, nhưng trong trường hợp này, tất cả các quy tắc có thể đã bị vi phạm, - luật sư Applebaum nhận định.
«Anh ta đã bị còng tay. Tại sao không dùng súng gây choáng, đưa anh ta lên xe và chở về đồn? Đó lẽ ra là việc đầu tiên cảnh sát phải làm», - ông nói.
Ông gọi trường hợp với Floyd là bất thường, bởi trong các vụ xả súng, người ta hay bị chết vì bắn nhầm.
«Những gì tôi thấy trên băng video đó, tôi chưa bao giờ thấy ai làm như vậy cả», - luật sư nói.
Ông nêu một ví dụ về vụ giết người do nhầm lẫn, trong vụ án cách đây 3-4 năm, khi một phụ nữ da đen gọi cảnh sát đến công viên vì bà ta nghe thấy tiếng đạn nổ, nhưng cuối cùng, chính bà đã bị giết. Khi cảnh sát nhìn thấy bà, họ đã quyết định ngay rằng đó là ổ phục kích.
«Triết lý của cảnh sát là trước tiên họ phải bảo vệ bản thân. Và nếu trong lúc đó tạo ra mối đe dọa đối với mạng sống của thường dân, thì sẽ xảy ra chuyện «nhầm lẫn». Họ không chờ đợi và không chịu phán đoán tìm hiểu. «Tay nhanh hơn não», trước hết là nổ súng, rồi sau đó mới đặt câu hỏi», - luật sư khái quát.
Đồn cảnh sát thứ ba, nhiệm sở của các cảnh sát bắt giữ Floyd, theo ông Applebaum cho biết, vốn sẵn tai tiếng là gồm toàn các «cảnh sát tồi» và là nơi lý tưởng cho những cá nhân có khuynh hướng tàn bạo ưa hành hạ người khác.
«Đây là khu vực sinh sống của các cư dân thu nhập thấp, những người thiểu số, đó là nơi mà mọi người phải đối mặt với cảnh sỉ nhục và có kinh nghiệm sinh tồn cay đắng. Dân ở đây khó có chuyện ca thán. Tôi nói đặc biệt là về dân Mỹ bản địa vì họ không tin tưởng vào hệ thống. Và nếu bị cảnh sát làm nhục, người ta cũng chẳng dám phản ứng gì, vì đã biết trước rằng sẽ không đi đến đâu», - luật sư giải thích.