Các chuyên gia mà Sputnik phỏng vấn đã cho ý kiến bình luận về tình hình diễn ra dọc theo tuyến kiểm soát thực tế giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở dãy Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn).
Ngày 13 tháng 6, theo kết quả loạt tham vấn, các nhà quân sự cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ đã đồng ý giải quyết hòa bình với tình hình ở vùng ven biên. Sự leo thang căng thẳng phát sinh hồi tháng Năm, dẫn đến một số cuộc tranh chấp với sự tham gia của các quân nhân, lôi kéo thêm lực lượng và phương tiện đến tuyến kiểm soát thực tế. Bộ Ngoại giao Ấn Độ lưu ý rằng các bên đang duy trì liên lạc, còn bầu không khí tại cuộc gặp là «thân ái và láng giềng thiện chí». Trong tuyên bố cũng chỉ ra rằng hòa bình và yên tĩnh trên biên giới có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của quan hệ song phương.
Một ngày sau, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnat Singh xác nhận rằng các bên muốn giải quyết cuộc đối đầu biên giới ở Ladakh theo con đường hoà bình thông qua đàm phán ở các cấp quân sự và ngoại giao. Tin này thông báo trên tờ Hindustan Times. Bộ trưởng cho biết hiện đang tiến hành các cuộc đàm phán ở cấp độ quân sự để giải quyết tranh chấp. Ông nhận định rằng với niềm tự tôn về quyền lợi dân tộc, New Delhi sẽ không đi đến nhân nhượng thỏa hiệp bởi Ấn Độ không phải là «quốc gia bạc nhược».
«Sức mạnh của chúng tôi đã tăng lên nhiều lần», - Bộ trưởng tuyên bố và nói thêm rằng Ấn Độ «đang tăng cường lực lượng để bảo vệ đất nước và không sợ bất cứ ai».
«Cuộc chơi khoe cơ bắp» ở vùng giáp giới Trung Quốc gắn với tình hình chính trị nội bộ Ấn Độ, chuyên gia Boris Volkhonsky từ Viện Các nước Á-Phi thuộc ĐHTH Quốc gia Matxcơva nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
«Chính phủ Ấn Độ coi trọng việc phô trương cho người tiêu dùng trong nước thấy rằng họ vẫn mạnh mẽ, không thoả hiệp trong vấn đề lợi ích quốc gia và không sang nhượng lãnh thổ. Trong tương quan này, có trò chơi kép. Ở chính Ấn Độ hiện đang vang lên những tiếng nói cấp tiến buộc tội Chính phủ yếu kém và đòi phải có quyết định cứng rắn với Trung Quốc. Người ta nhắc rằng ông Modi đã tới Trung Quốc nhiều lần hơn tổng cộng tất cả các Thủ tướng tiền nhiệm. Ông Modi đã sang Trung Quốc 5 lần với cương vị Thủ tướng và 4 lần khi là Thủ hiến bang Gujarat. Còn khi ông ra tranh cử lần đầu tiên, ông đã không giấu rằng trong khía cạnh, sẽ lấy Trung Quốc làm tấm gương điển hình để noi theo. Đồng thời, hiển nhiên, ban đầu đã rõ là không bên nào muốn tiến đến cuộc xung đột vũ trang quy mô. Do đó, trên thực tế, mọi thứ sẽ được «thả lỏng phanh» nhưng «trò chơi cơ bắp» ở Ấn Độ được tính đến trước hết để thể hiện sự kiên quyết sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia».
Tờ Asia Pacific Daily (APD) lưu ý rằng chính vào ngày khi các nhà quân sự Trung-Ấn đồng ý xuống thang giảm căng thẳng, thì Trung Quốc công bố mở đầu cuộc tập trận lớn của quân đội trên cao nguyên tây-bắc. Kênh truyền hình quân đội CCTV cho thấy cảnh hàng ngàn lính dù, những lô lớn thiết bị và vật tư được chuyển từ tỉnh Hồ Bắc đến vùng cao nguyên tây-bắc với sự hỗ trợ của nhiều phương thức khác nhau, APD cho biết. Báo này dẫn nguồn từ CCTV lưu ý rằng cuộc huấn luyện chiến đấu nhằm thể hiện «khả năng của Trung Quốc nhanh chóng củng cố sức mạnh quốc phòng trên vùng biên giới khi cần».
Trả lời phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Chu Dung (Zhou Rong) từ Đại học Nhân dân Trung Quốc lưu ý rằng hoạt tính quân sự của Trung Quốc ở vùng tây-bắc là cách phản ứng với tình hình ở biên giới với Ấn Độ.
«Mới đây Lữ đoàn hỗn hợp số 76 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bước vào cuộc huấn luyện dã chiến trên vùng núi Côn Lôn ở độ cao hơn 4.000 mét. Mục đích tập luyện là hoạch định và phát triển khả năng nhanh chóng triển khai các đơn vị chiến đấu, đặc biệt là không quân, chuẩn bị nhân sự để sẵn sàng đối đầu trong điều kiện cực lạnh giá, kiểm tra khả năng chiến đấu của các thiết bị hiện đại, kể cả xe tăng, tên lửa chống tăng và xe chiến đấu bộ binh. Đây là lực lượng quan trọng nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đảm trách bảo vệ khu vực biên giới phía tây. Trong tập trận sẽ giải quyết nhiệm vụ về thực hành kỹ năng sử dụng các phương tiện vận chuyển chiến đấu. Ngoài việc điều quân bằng không vận, lần này lực lượng và thiết bị đã mau lẹ tập kết đến địa điểm huấn luyện bằng phương tiện đường sắt, đặc biệt là những thiết bị cồng kềnh như xe tăng và các phương tiện bọc thép bánh xích khác», - chuyên gia Chu cho biết.
Không cần nghi ngờ gì, tập trận có liên quan đến yếu tố Ấn Độ. Thời gian gần đây, phía Ấn Độ nhiều lần kích động căng thẳng ở khu vực Ladakh, hành vi khiêu khích ngày càng rộng hơn. Đồng thời, cơ số binh sĩ đông đảo được bố trí ở biên giới phía bắc của Ấn Độ, tức là trong khu vực sát gần Kashmir do Pakistan kiểm soát và sát gần Trung Quốc.
«Qua băng video cho thấy Ấn Độ vẫn đang điều thêm các đơn vị quân đội đến biên giới phía bắc, kể cả xe tăng chủ lực T-90 và T-72 cùng với số lượng lớn máy bay chiến đấu. Điều đó tạo ra đe doạ an ninh nghiêm trọng trên biên giới Trung-Ấn trong vùng Tân Cương và Tây Tạng», - ông Chu Dung đánh giá.
Chuyên gia Chu Dung cũng cho rằng các cuộc tập trận của phía Trung Quốc trên cao nguyên tây-bắc đang diễn ra trong bối cảnh tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ về Kashmir, và cố gắng của New Delhi tranh thủ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong cuộc chơi chống Bắc Kinh.
«Có điều cần lưu ý là tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, rằng cư dân vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát sắp tới sẽ đòi hỏi để khu vực này là một phần của Ấn Độ. Ngoài ra, một số lực lượng ở Ấn Độ đang chịu tác động mạnh bởi những ý tưởng của chủ nghĩa bành trướng và bá quyền. Với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, họ càng củng cố niềm tin này. Vừa vặn là trong những điều kiện như vậy, Trung Quốc cũng đang tiến hành các cuộc tập trận quy mô ở khu vực tây-bắc. Điều đó nói lên rằng Trung Quốc không sợ đối đầu. Chúng tôi sẽ không tự gây rắc rối cho mình, nhưng chúng tôi cũng không hèn nhát. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần bày tỏ sự ủng hộ dành cho Pakistan, vì mối đe dọa hiện tại từ phía Ấn Độ nhắm vào Pakistan đang ngày càng trở nên rõ rệt. Chúng tôi phải đủ cảnh giác và có khả năng đáp trả sự bành trướng của Ấn Độ», - ông Chu Dung nêu ý kiến.
Về phần mình, nền tảng Internet Baijiahao trên Baidu (Bách Độ) nhắc rằng quân đội Trung Quốc đã từng «cho Ấn Độ một bài học» vào năm 1962. Nếu bên kia tiếp tục khiêu khích, thì Trung Quốc hoàn toàn có khả năng «cho thêm bài học nữa».
Baijiahao thông báo rằng các đơn vị vùng núi Ấn Độ không sở hữu phương tiện tác chiến điện tử. Tức là họ không thể tiến hành hoạt động phản gián, trấn áp điện tử và bảo vệ điện tử, ấn phẩm làm rõ. Baijiahao cũng dẫn quan điểm của các nhà lãnh đạo quân sự Ấn Độ cấp cao, thừa nhận rằng do Ấn Độ thiếu vắng các phương tiện chiến tranh điện tử, cán cân sức mạnh quân sự của hai bên hiện rất khác nhau.