Hội đồng Bảo an là cơ cấu thường trực của Liên hợp quốc, có trách nhiệm chính trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong Hội đồng Bảo an luôn có 15 ủy viên - năm Ủy viên thường trực và mười Ủy viên không thường trực.
Năm nước ủy viên thường trực là Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp. Những nước này có quyền phủ quyết. Mười thành viên còn lại của Hội đồng Bảo an được bầu theo nhiệm kỳ hai năm. Đức, Bỉ, Cộng hòa Dominica, Indonesia và Nam Phi đã được bầu cho nhiệm kỳ 2019-2020, Việt Nam, Nigeria, Tunisia, Estonia và Saint Vincent và Grenadines - cho nhiệm kỳ 2020-2021.
Hôm thứ Tư, Đại hội đồng sẽ tổ chức bầu các nước từ năm 2021 sẽ thay thế vị trí của Đức, Bỉ, Cộng hòa Dominican, Indonesia và Nam Phi trong Hội đồng Bảo an. Dự đoán rằng các quốc gia được bầu sẽ đại diện cho bốn nhóm khu vực.
Djibouti và Kenya sẽ cạnh tranh cho một vị trí đại diện nhóm nước châu Phi. Trong nhóm châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có mình Ấn Độ được đề cử vào một ghế duy nhất, nên họ sẽ không có đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên vẫn cần phải thu thập đủ 129 phiếu ủng hộ trong số 193 nước (là tổng số quốc gia thành viên Liên hợp quốc).
Mexico đang cố gắng giành một ghế đại diện nhóm các nước khu vực Mỹ Latinh và Caribe. Trong khi đó, ba nước - Canada, Ireland, Na Uy - sẽ cạnh tranh để giành hai ghế ủy viên đại diện cho nhóm nước Tây Âu và các nước khác trong khu vực.
Tất cả bảy nước tranh cử lần này đều đã từng là ủy viên Hội đồng Bảo an. Ấn Độ từng 7 lần giữ ghế trong Hội đồng Bảo an, Canada - 6 lần, Mexico và Na Uy - 4 lần, Ireland - 3 lần, Kenya - 2 lần, Djibouti - mới chỉ một lần.
Một quốc gia ứng cử muốn trúng cử cần nhận được hai phần ba số phiếu của các đại biểu có mặt tại Đại hội đồng, nghĩa là, tối thiểu 129 phiếu ủng hộ trong số 193 phiếu. Theo quy định, bầu cử được tổ chức bằng cách bỏ phiếu kín.
Ngoài ra, hôm thứ Tư còn bầu Chủ tịch kỳ họp thứ 75 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ứng cử viên duy nhất cho vị trí này là ông Volkan Bozkir, đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ.