Trong cuộc họp sáng 18/6 dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam cũng đã thảo luận và thống nhất báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng nhiều mặt với Việt Nam.
Việt Nam trao đổi nối lại đường bay quốc tế với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc
Ngày 18/6, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết khả năng Việt Nam nối lại đường bay quốc tế với các quốc gia trong bối cảnh Hà Nội đã bước đầu kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 và có kế hoạch khôi phục hoạt động giao thương, phục hồi kinh tế, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam hiện đang làm việc với một số nước, cân đối nhu cầu của các bên cũng như tình hình dịch bệnh hiện tại để mở lại đường bay trong thời gian tới.
“Trước mắt là tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà quản lý các nước này quay trở lại Việt Nam làm việc và thực tập sinh, lao động Việt Nam đi các nước nói trên làm việc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin cho hay.
Trên thực tế, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều là những đối tác kinh tế lớn và quan trọng của Việt Nam. Đây cũng là các nước có nhiều lao động Việt Nam hiện đang làm việc nên nhu cầu đi lại là rất lớn. Thêm vào đó, tại Việt Nam, còn nhiều dự án của các nhà đầu tư ba nước Đông Á này đang chờ giải quyết và triển khai, do vậy, việc xem xét mở lại đường bay là hoàn toàn có cơ sở.
Trước đó, ngày 1/6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu để trao đổi về hợp tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy giao lưu, hợp tác kinh tế giữa hai nước trong thời gian tới.
Trong cuộc điện đàm này, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu cũng lên tiếng đề nghị hai bên sớm trao đổi để từng bước tái khởi động đi lại giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là các nhà quản lý, chuyên gia, tạo cơ sở thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Đến ngày 15/6, kênh truyền hình NHK của Nhật đưa tin cho biết, Chính phủ của Thủ tướng Abe Shinzo xem xét thảo luận trong nội bộ, cũng như đàm phán việc nới lỏng hạn chế nhập cảnh đối với 4 nước là Việt Nam, Thái Lan, Australia và New Zealand.
Đáng chú ý, Việt Nam là quốc gia được ưu tiên với thành công đáng khen ngợi trong việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, sớm dỡ bỏ giãn cách xã hội cùng với yêu cầu mạnh mẽ từ giới kinh tế Nhật Bản.
Trước mắt, đối tượng được xem xét nhập cảnh vào Nhật Bản tạm thời chỉ giới hạn cho những người liên quan đến hoạt động thương mại, kinh tế và thực tập sinh lao động. Về thời gian có thể được thực hiện ngay cuối tháng 6/2020 này.
Việt Nam xem xét nối lại một số đường bay quốc tế
Ngày 18/6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Trong cuộc họp này, những nội dung quan trọng được các thành viên Ban Chỉ đạo xem xét đánh giá chính là tình hình dịch bệnh tại Việt Nam, khu vực ASEAN, châu Á và trên thế giới, công tác quản lý các tuyến biên giới, người nhập cảnh, xem xét mở lại một số đường bay quốc tế, nới lỏng đi lại với một số nước đã kiểm soát được dịch bệnh, đẩy mạnh xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ cũng như tổ chức đưa công dân Việt Nam về nước.
Tại cuộc họp, đối với vấn đề quản lý người nhập cảnh là các đại diện ngoại giao, quan chức cấp cao, nhà đầu tư, những người này chỉ nhập cảnh vào Việt Nam trong thời gian ngắn để xử lý công vụ, đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư, thương mại, Ban Chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng làm tổ trưởng tổ công tác phối hợp với các đơn vị liên quan, rà soát, xây dựng các quy định để tổ chức các khu vực riêng biệt.
Điều này giúp đảm bảo các điều kiện về an toàn dịch tễ, phòng xét nghiệm để phục vụ các nhà ngoại giao, nhà đầu tư, doanh nhân vào Việt Nam làm việc trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Cũng tại cuộc họp sáng 18/6, Ban Chỉ đạo thảo luận và thống nhất để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét nối lại đường bay thương mại đối với một số quốc gia, vùng lãnh thổ hiện cơ bản đã khống chế được dịch bệnh và có quan hệ sâu rộng về nhiều mặt với Việt Nam.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo cũng yêu cầu tăng cường khả năng xét nghiệm nhanh, giao Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) quản lý tổ truy vết để sẵn sàng phát hiện các ca bệnh mới để có giải pháp ngăn chặn kịp thời.
Trước đó, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 9/6/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Ban chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19.