Hôm thứ Tư được biết rằng Chủ tịch Hội đồng Nhà nước CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un ngày 23 tháng 6 đã chỉ thị hoãn kế hoạch hành động chống Hàn Quốc do Bộ Tổng tham mưu đệ trình. Sau đó, trên các trang mạng Internet của Bắc Triều Tiên bắt đầu gỡ hết những bài báo chỉ trích chính phủ Hàn Quốc, quân đội Triều Tiên ở biên giới cũng tháo dỡ hệ thống loa tuyên truyền đang triển khai lắp đặt.
"Triều Tiên đã gửi cho chúng tôi tín hiệu đối thoại. Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đang lựa chọn giữa hành động quân sự và đối thoại. Họ thấy được quyết tâm của Quốc hội của chúng tôi trong việc phê chuẩn các thỏa thuận liên Triều ngày 27 tháng 4 và 19 tháng 9 năm 2018, thái độ hết sức kiềm chế của Bộ trưởng Quốc phòng Jeong Kyeong-doo, và sự chân thành trong phản ứng cứng rắn của Tổng thống và Chính phủ Hàn Quốc đối với việc xuất bản cuốn hồi ký của ông Bolton. Hiện nay cần hiểu rõ vấn đề: miền Nam Triều Tiên có thể chủ động đề ra sáng kiến trong những lĩnh vực nào để thực hiện các thỏa thuận liên Triều, và đâu là những vấn đề cần phải giải quyết trong quan hệ giữa Mỹ và Bắc Triều Tiên... Seoul và Bình Nhưỡng đã giành được một chút thời gian, nhưng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên giờ đây phụ thuộc vào quyết định nhanh chóng từ phía Chính phủ Hàn Quốc”, - đây là nhận định của giáo sư Park Jung-chul của Đại học Gyeongsang, một chuyên gia về Triều Tiên, nêu trong một bài bình luận mà Sputnik nhận được.
Theo ông Park Jung-chul, kể từ hội nghị thượng đỉnh không thành công ở Hà Nội, CHDCND Triều Tiên đã "liên tục yêu cầu Hàn Quốc đưa ra kế hoạch thực hiện các hiệp định liên Triều", và thời gian đưa ra câu trả lời đã qua từ lâu. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhiều lần đề ra "thời hạn chót". Thời hạn này được trì hoãn một vài lần do tình hình chính trị Trung Quốc, đại dịch coronavirus và cuộc bầu cử ở Hàn Quốc. Tuy nhiên ngay cả sau khi bầu cử, Chính phủ Hàn Quốc cũng không đưa ra cho Bình Nhưỡng bất kỳ kế hoạch cụ thể nào, vì vậy nên Triều Tiên "đã tự đi con đường mới của riêng mình".
"Cuộc đối thoại về hợp tác kinh tế giữa hai miền Bắc và Nam Triều Tiên nên được tiến hành tách biệt khỏi các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên", - chuyên gia nhấn mạnh.
Nếu bây giờ chúng ta vẫn cứ ngoái trông các động thái của Mỹ mà không bắt đầu hợp tác, thì Bán đảo Triều Tiên có thể trở lại tình trạng như năm 2017 với quan hệ thù địch giữa miền Bắc và miền Nam. Còn nếu như Seoul thật lòng muốn giữ gìn hòa bình, thì nên bắt đầu tìm giải pháp khắc phục "vấn đề truyền đơn", cũng như nên giải tán nhóm làm việc Mỹ - Hàn Quốc.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong (Hàn Quốc) Cheong Seong-chang cho rằng để đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, thì thứ mà Seoul nên đưa ra cho CHDCND Triều Tiên không phải là những dự án mang tính biểu tượng nhỏ lẻ như cho phép các chuyến du lịch cá nhân, mà cần đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh về kế hoạch hợp tác liên Triều. Những dự án thực sự mang tính khả thi có thể được cộng đồng quốc tế tán đồng và được Triều Tiên quan tâm. Chỉ có những đề xuất như vậy mới có thể giúp khôi phục lòng tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng mối quan hệ liên Triều cùng có lợi.
"Nếu tình hình vẫn tiếp diễn như bây giờ, khi trong Chính phủ Hàn Quốc không thấy có một cơ quan có trách nhiệm nào, hay nỗ lực nào được tập trung để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thì tiềm lực hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên sẽ còn tiếp tục phát triển và mục tiêu phi hạt nhân hóa sẽ trở nên hoàn toàn bất khả thi", - ông Cheong Seong-chang kết luận.