Theo kế hoạch, trong các cuộc tập trận, sẽ thực hiện huấn luyện đổ bộ gần đảo Đông Sa (Pratas) thuộc quần đảo Trường Sa, như nhà phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik thông báo trong bài viết.
Bắc Kinh hù doạ Đài Bắc làm gì
Tập trận và thao diễn quân sự chỉ là một phần của biện pháp gây sức ép mà Bắc Kinh dùng để gây tác động với ban lãnh đạo hiện tại của Đài Loan. Mùa xuân này, bà Thái Anh Văn đứng đầu Đảng Tiến bộ Dân chủ lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trên hòn đảo. Vốn luôn là người ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, một lần nữa bà Thái Anh Văn không đồng ý với công thức thống nhất hòn đảo vào đại lục theo kiểu «một quốc gia - hai hệ thống», và hiển nhiên Bắc Kinh không thích lập trường của bà. Theo kiến giải của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm, sát nhập Đài Loan sẽ đồng nghĩa với việc hiện thực hóa «giấc mơ Trung Hoa». Dân Trung Quốc đại lục chắc là ủng hộ đường lối này, nhưng các cư dân trên đảo Đài Loan thì không phải ai cũng mong như thế.
Và để hù dọa những người Đài Loan không muốn thống nhất với Trung Quốc, Bắc Kinh đang phô trương sức mạnh quân sự của mình ở bờ biển ngoài khơi Đài Loan. Rốt cuộc, Bắc Kinh vẫn chưa huỷ bỏ phương án dùng bạo lực để buộc hòn đảo phải khuất phục và chịu sáp nhập. Và thế là máy bay quân sự của Trung Quốc quần lượn trên bầu trời hòn đảo, gây hoang mang cho dân thường Đài Loan. Ở eo biển Đài Loan thì các tàu chiến Trung Quốc diễu qua. Còn các cơ quan dân sự của Trung Quốc ra sức thể hiện thái độ cương quyết trong quan hệ với Đài Loan – người ta ráo riết tiến hành công việc nạo vét ở những nơi không quá xa bờ biển của hòn đảo.
Tất cả những điều đó diễn ra để vừa thuyết phục vừa nắn gân buộc công chúng Đài Loan đồng ý "chuyển đổi hòa bình" để chịu sự cai quản của Bắc Kinh.
Bà Thái Anh Văn đang chuẩn bị đòn đánh bất đối xứng?
Trong diễn văn tại lễ nhậm chức ngày 20 tháng 5, người đứng đầu chính quyền Đài Bắc tuyên bố dự định tăng cường phòng thủ hòn đảo và phát triển các phương tiện tiến hành hoạt động quân sự bất đối xứng
Hiểu thế nào về tuyên bố này? Vũ khí sẽ cho phép Đài Bắc đáp trả cuộc tấn công đầu tiên từ đại lục chờ đến khi đội quân Mỹ kịp đến. Những thứ vũ khí này bao gồm tên lửa, ngư lôi, máy bay tàu lặn không người lái và vũ khí không gian mạng.
Trọng tâm chú ý được dành cho tên lửa. Bà Thái Anh Văn yêu cầu các nhà khoa học và kỹ sư làm việc trên đảo hãy đẩy nhanh việc sản xuất hàng loạt tên lửa. Một trong những mẫu tên lửa này, là siêu thanh và hành trình, có tầm bắn xa 1.500 km, tức là đủ khả năng triệt hạ các mục tiêu ở Trung Hoa đại lục, kể cả Bắc Kinh, Thiên Tân, Nam Kinh, Thượng Hải và Vũ Hán.
Hải quân của Đài Loan cũng sẽ được tăng cường. Vào đầu năm tới, tàu tuần tra bảo vệ bờ biển ngoài khơi với lượng giãn nước 4000 tấn sẽ được đưa vào vận hành. Đến năm 2023, thêm ba con tàu lớn như vậy sẽ được hạ thủy.
Hoa Kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quân sự hóa Đài Loan. Chính phủ của bà Thái dự kiến mua các tên lửa chống hạm Harpoon từ Hoa Kỳ. Ngay từ bây giờ đã rõ rằng người Mỹ sẽ bán cho Đài Loan lô ngư lôi với số tiền 180 triệu USD. Việc này thưc hiện dưới cái cớ như thế nào? Trong tương quan giao kèo này, Cơ quan Hợp tác Quốc phòng và An ninh của Hoa Kỳ tuyên bố như sau:
«Vũ khí sẽ giúp Đài Loan hành động như là biện pháp kiềm chế ngăn chặn các mối đe dọa khu vực và tăng cường quốc phòng, cũng phục vụ lợi ích của Hoa Kỳ, hỗ trợ các nỗ lực liên tục của Đài Loan về hiện đại hóa lực lượng vũ trang và duy trì tiềm năng phòng thủ vững vàng chắc chắn».
Người Đài Bắc cũng sẽ không quên huấn luyện quân sự cho đội quân của mình. Từ ngày 13 tháng 7, trên đảo sẽ bắt đầu cuộc thao diễn ba thứ quân.
Biển Đông sẽ không ngoài cuộc
Trong tương quan với việc quân sự hóa Đài Loan, căng thẳng ở Biển Đông không thể không gia tăng. Đài Bắc chính thức tuyên bố chủ quyền với tất cả các đảo Hoàng Sa và Trường Sa (giống như Bắc Kinh). Hơn thế nữa, không thể không nhớ rằng vào năm 1952, chính quyền Nhật Bản đã ký thỏa thuận với Chính phủ Tưởng Giới Thạch, theo đó Tokyo muốn trao những hòn đảo này cho Trung Hoa Quốc dân đảng. Đài Bắc hiện nay kiểm soát Thái Bình Đảo, hòn đảo lớn nhất ở phần phía bắc của Trường Sa (Việt Nam gọi là đảo Ba Bình). Họ đã xây dựng ở đó đường băng dài dành cho máy bay hạng nặng (của Mỹ chăng?).
Trong cuộc tranh chấp các hòn đảo ở Biển Đông, Đài Bắc thường có lập trường riêng. Nhưng nếu bắt đầu sự phân chia lãnh thổ bằng vũ lực, Đài Loan chắc chắn sẽ vào cuộc. Bởi mở rộng hiện diện của mình trên các hòn đảo, đồng thời chính quyền Đài Bắc cũng củng cố vị thế của mình cả ở khu vực và trong con mắt dân đảo. Với Đài Loan, số thành viên cuộc giao tranh ở Biển Đông rồi đây sẽ nhiều thêm một chiến binh nữa.