Trước đó, Đặc phái viên Tổng thống Hoa Kỳ về kiểm soát vũ khí, ông Marshall Billingslea nói rằng Hoa Kỳ không thấy có các phương án phù hợp để kiểm soát việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu, loại vũ khí trước đây bị Hiệp ước INF cấm.
Theo ông Pushkov, kết quả như vậy có thể dự đoán được, bởi đó chính là lý do vì sao Washington rút khỏi hiệp ước. Tuy nhiên, thượng nghị sĩ cho rằng vì điều này mà các nước châu Âu có nguy cơ trở thành "con tin của Mỹ".
"Điều này có thể dự đoán được: đó là lý do vì sao Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp ước INF. Các nước châu Âu đã phụ họa theo Mỹ và giờ đây có nguy cơ trở thành con tin của họ một lần nữa, như trong cuộc khủng hoảng tên lửa vào thập niên 1980", ông Pushkov nói.
Năm ngoái, Hoa Kỳ đã rút khỏi INF sau khi cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước. Moskva bác bỏ những lời cáo buộc, sẵn sàng trưng ra loại tên lửa gây nghi vấn và thảo luận về chủ đề này, nhưng Washington đã không hưởng ứng ý tưởng của Nga và đơn phương rút khỏi thỏa thuận.
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Moskva không chống lại việc mời các nước khác cùng tham gia thảo luận với Hoa Kỳ về chủ đề ổn định chiến lược.