«Tôi tự hào là đồng tác giả của các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc xây dựng đường ống và tôi hoan nghênh Thượng viện đã đưa ưu tiên này vào dự thảo ngân sách quốc phòng», - Steve Womack viết trên Twitter.
Theo lời Womack, chính quyền Nga muốn sử dụng «Dòng chảy phương Bắc-2» như là phương tiện cưỡng chế, còn mục tiêu của công trình đường ống dẫn là buộc Ba Lan và Ukraina phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt của Nga.
Thượng viện Hoa Kỳ dưới sự kiểm soát phe đảng Cộng hòa và Hạ viện dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ đều trình bày các phương án của mỗi đảng về ngân sách quốc phòng. Sau đó, các đề xuất được Uỷ ban đồng thuận tập hợp lại, tiếp đến Lưỡng viện sẽ bỏ phiếu chọn phương án cuối cùng rồi trình lên Tổng thống ký duyệt.
Biện pháp trừng phạt chống «Dòng chảy phương Bắc-2»
Việc đưa các biện pháp trừng phạt vào dự thảo ngân sách quốc phòng cho phép tăng tốc quá trình thi hành - nếu một dự luật thông thường phải qua xem xét trong thời gian dài, thì ngân sách quân sự gần như có đảm bảo được phê duyệt ngay và Tổng thống khó lòng phủ quyết.
Các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã hành động tương tự hồi năm ngoái - gói trừng phạt đầu tiên chống «Dòng chảy phương Bắc-2» đi vào hiệu lực trong thành phần ngân sách quốc phòng, kết quả là công ty Allseas của Thụy Sĩ đang tham gia lắp đặt ống cho đường ống dẫn khí đã gần như ngay lập tức phải ngừng hoạt động và dời chuyển các tàu chuyên dụng.