Lợi thế ứng phó thành công dịch bệnh do coronavirus giúp Việt Nam hưởng lợi lớn, nhanh chóng chuyển sang giai đoạn bình thường mới, thu hút lượng vốn FDI khủng từ nhà đầu tư nước ngoài và khẳng định vị thế mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đặc biệt, giờ là lúc Việt Nam từ bỏ chiến lược phòng thủ, thụ động, chấp nhận đặt cược để vươn lên mạnh mẽ và trở thành bài học để nhiều nước noi theo. Điều này sẽ giúp quan niệm về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc cũng sẽ thay đổi.
Hãy học Việt Nam chống Covid-19
“Hãy như Việt Nam” là tiêu đề bài bình luận của nhật báo Times of India về vấn đề Hà Nội biết cách tận dụng, tối đa hóa mọi nguồn lực để chiến thắng đại dịch Covid-19 và quản lý nền kinh tế một cách tuyệt vời.
Tờ báo Ấn Độ đánh giá khách quan và sâu sắc những thành tựu rất đáng để học tập của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 này không chỉ trong cuộc chiến đẩy lùi coronavirus mà còn cả chiến lược phục hồi nên kinh tế, hướng tới duy trì đà tăng trưởng cao nhất, nhì thế giới.
Những gì mà Việt Nam làm được thực sự khiến người ta phải ghen tị. Việt Nam thực sự đã kiểm soát đại dịch Covid-19 rất tốt.
“Quốc gia với dân số 97 triệu người, lại có đường biên giới giáp ranh với Trung Quốc, nơi khởi nguồn của coronavirus, nhưng cả nước chỉ ghi nhận 355 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và không hề có ca tử vong nào”, tác giả Renuka Bisht nhận định.
Kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đã có thể hưởng lợi từ việc sớm quay trở lại với trạng thái bình thường mới. Đó là thu hút các khoản đầu tư lớn của các tập đoàn đa quốc gia đang tìm đường sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Lệnh phong tỏa, giãn cách xã hội ở Việt Nam ít tác động với việc kinh doanh hơn khi Chính phủ đã cho phép các nhà máy và doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Theo Times of India, ngay cả trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã là điểm sáng về thị phần xuất khẩu tại châu Á suốt 5 năm qua. Nhờ đó, tăng trưởng của nền kinh tế luôn ở mức 7%.
Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới đồng loạt suy thoái và bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 năm nay, thì ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 4,1%.
“Ngân hàng HSBC gọi Việt Nam là “Pho’nomenal Việt Nam”. Đây là một cách chơi chữ sử dụng món phở của Việt Nam để nhấn mạnh rằng đất nước đã trở thành “hiện tượng” nhờ kiểm soát dịch Covid-19 và quản lý nền kinh tế tốt ra sao”, bài báo phân tích.
Tờ báo Ấn Độ cho rằng, không phải Viêt Nam may mắn, chính việc ban hành quyết sách hợp lý, quản lý tốt là chìa khóa thành công của Hà Nội.
“Bài học rút ra ở đây là Việt Nam đã hạn chế những yếu kém và tối đa hóa thế mạnh, tận dụng mọi thứ có trong tay”, Times of India nhấn mạnh.
Hãy xem cách Việt Nam chiến đấu trước đại dịch Covid. Đất nước Đông Nam Á này có hệ thống cơ sở y tế của kém tiên tiến hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Nếu số ca nhiễm Covid-19 chạm đến con số hàng trăm nghìn, hệ thống chăm sóc sức khỏe của đất nước sẽ lao đao. Tỷ lệ 8 bác sĩ trên 10.000 người của Việt Nam cao hơn Ấn Độ nhưng không là gì so với 22 bác sĩ trên 10.000 người ở Brazil hay 26 bác sĩ trên 10.000 người tại Mỹ.
“Tuy nhiên, Việt Nam chọn chiến lược chuẩn bị và phòng ngừa kỹ càng đề bù đắp cho sự thiếu thốn về nguồn lực và cơ sở vật chất”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (và thực tế là cả hệ thống chính trị của Việt Nam) tuyên chiến với coronavirus ngay từ tháng 1.
“Ngay từ khi nắm được thông tin và số liệu tường thuật của Trung Quốc tại thời điểm dịch bùng phát, Việt Nam đã lập tức thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19. Dù không giàu có hay có nhiều lợi thế như Hàn Quốc để tiến hành xét nghiệm hàng loạt. Thay vào đó, đất nước đã huy động mọi lực lượng từ quân đội, công an, lực lượng y tế và bộ máy giám sát rộng lớn của nhà nước để theo dõi chặt chẽ và truy vết tất cả các ca nhiễm. Đặc biệt, những trường hợp F1 F2, F3 đều được rà soát, cách ly nghiêm ngặt tại các điểm cách ly tập trung hay tại cơ sở lưu trú. Tất cả mọi thứ đều được thực hiện nghiêm túc”, tờ báo Ấn Độ phân tích.
Việt Nam tối đa hóa mọi nguồn lực để phát triển kinh tế
Tờ báo Ấn Độ đánh giá, nếu ai không hiểu, có thể khai thác câu chuyện kỳ diệu của Việt Nam như một quốc gia độc Đảng, còn phương tiện truyền thông thì chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Nhưng thực tế, không phải như vậy.
Đối với Việt Nam, người ta sẽ ngạc nhiên mà hỏi, làm thế nào tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc giúp huy động toàn bộ người dân, hệ thống xã hội Việt Nam vào cuộc đẩy lùi Covid-19?
Ở Việt Nam mọi người đang cảm thấy vô cùng tự hào về cách đất nước của họ vượt trội so với thế giới trong việc kiểm soát Covid-19.
Riêng về kinh tế, Hà Nội đang tận dụng các gói kích cầu kinh tế sau đại dịch để phục hồi tăng trưởng, đồng thời giải quyết một số thiếu sót về cơ sở hạ tầng vốn đã hạn chế sự hội nhập của các doanh nghiệp trong nước vào chuỗi giá trị toàn cầu. Những dự án lớn từ tuyến tàu điện đến đường cao tốc đang được đẩy nhanh tiến độ.
Từ năm 2016 đến năm 2018, Việt Nam leo từ vị trí 64 lên 39 trong Bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu suất Hậu cần của Ngân hàng Thế giới. Chỉ số nhằm đo lường mức độ hiệu quả của các quốc gia trong việc vận chuyển hàng hóa qua và trong biên giới.
Nhưng thành quả đáng chú ý nhất phải kể đến chính là Hiệp định Thương mại tự do ký với Liên minh châu Âu (EU) được phê chuẩn hồi tháng 6. Đây là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đầu tiên trên thế giới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải bận tâm. Chẳng hạn, theo chuyên gia kinh tế Trinh Nguyễn, FTA yêu cầu toàn bộ chuỗi cung ứng của hai thị trường phải đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế bằng 0. Đây là một thách thức đối với đất nước phụ thuộc đáng kể vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc như Việt Nam.
Theo tờ báo Ấn Độ, một cuộc thăm dò của Pew Research năm 2014 cho thấy 51% người được hỏi ở Việt Nam rất lo ngại về một cuộc đối trọng có thể xảy ra với Bắc Kinh. Con số này có thể đã tăng lên cùng với hành vi bành trướng và chính sách gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng đó là sự phụ thuộc về kinh tế mà họ vẫn nói, “khi Trung Quốc hắt hơi thì Việt Nam cũng bị cảm lạnh”.
“Nhưng giờ là lúc Việt Nam từ bỏ chiến lược “phòng thủ”, chấp nhận đặt cược để vươn lên mạnh mẽ”, tờ nhật báo Ấn Độ bình luận.
Việt Nam đã bắt đầu hành động với việc xây dựng các liên minh và lập kế hoạch thay đổi trong dài hạn. Theo Nomura, trong số 56 công ty chuyển địa điểm khỏi Trung Quốc vào năm 2018-2019, khoảng 26 công ty đến Việt Nam, 11 đến Đài Loan và chỉ 8 công ty đến Thái Lan và 3 doanh nghiệp di dời đến Ấn Độ.
IMF giải mã thành công của Việt Nam
Vừa qua, Quỹ Tiền tệ thế giới IMF cũng có bài viết đánh giá cao thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 và đẩy nhanh các biện pháp phục hồi kinh tế.
Theo IMF, các biện pháp ngăn chặn sớm và việc tận dụng các cơ sở công cộng, sự vào cuộc của quân đội, công an đã giúp Việt Nam tiết kiệm được chi phí. Ước tính chi phí chống dịch chiếm khoảng 0,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), với khoảng 60% khoản chi cho thiết bị và phần còn lại dành cho các hoạt động kiểm soát dịch.
Bên cạnh đó, theo IMF, công khai và minh bạch cũng là yếu tố rất quan trọng mang lại thành công cho Việt Nam. Ngay từ đầu, truyền thông đã rất minh bạch về SARS-CoV-2 gây Covid-19 và chiến lược phòng dịch của nhà nước.
Chi tiết về triệu chứng bệnh, biện pháp phòng tránh và các cơ quan thực hiện xét nghiệm virus corona được cập nhật qua các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam, trang web của chính phủ và các tổ chức cơ sở, áp phích tại bệnh viện, văn phòng, chung cư và siêu thị, qua tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại đến từng thuê bao điện thoại.
“Chính phủ cũng ra mắt ứng dụng theo dõi liên lạc tại các thành phố lớn. Cách tiếp cận đa phương tiện này đã củng cố niềm tin của người dân và đảm bảo cả xã hội tuân thủ các biện pháp kiểm soát dịch”, IMF nhấn mạnh.
IMF khẳng định, thành công của Việt Nam có thể kể đến kinh nghiệm trong việc khống chế thành công đại dịch SARS vào năm 2003.
“Ngay từ sớm, Thủ tướng Chính phủ đã ưu tiên cho sức khỏe người dân hơn là các vấn đề kinh tế. Chiến lược này đã được triển khai nhanh chóng với sự vào cuộc của quân đội, lực lượng an ninh và các đơn vị tại cơ sở. Đó chính là những nét riêng của Việt Nam trong cuộc chiến với Covid-19”, IMF nêu rõ.
Thông qua những kênh thông tin hiệu quả và minh bạch giúp người dân chống dịch tốt và đây cũng là bài học ý nghĩa đối với các nước đang phát triển khác. Quỹ Tiền tệ Thế giới cũng cho rằng, chiến lược phòng, chống dịch hiệu quả sẽ giúp Việt Nam phục hồi nhanh chóng hơn hậu Covid-19.