HĐXX nhận định hành vi của Phạm Thị Thiên Hà là đặc biệt nghiêm trọng khi tin theo tà đạo (tu tập Pháp Luân Công, phương pháp tịnh cốc, tu khổ hạnh), lên kế hoạch phạm tội ác man rợ, giết hai mạng người, phi tang xác nên cần thiết phải loại bỏ khỏi xã hội vĩnh viễn.
Tuyên tử hình kẻ chủ mưu giết người đổ bê tông phi tang xác ở Bình Dương
Sau hai ngày xét xử sơ thẩm và thời gian nghị án, sáng 3/7 tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương đã chính thức tuyên án 4 bị cáo trong vụ giết người, đổ bê tông phi tang xác do tu tập theo pháp môn tà đạo liên quan Pháp Luân Công gây chấn động dư luận hồi tháng 5/2019 ở huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
4 bị cáo trong vụ án này là Phạm Thị Thiên Hà (32 tuổi), Trịnh Thị Hồng Hoa (67 tuổi), Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (41 tuổi) và Lê Ngọc Phương Thảo (30 tuổi) bị xét xử về các tội Giết người, Che giấu tội phạm và Không tố giác tội phạm.
Trong đó, bị cáo Phạm Thị Thiên Hà được xác định là người cầm đầu, chủ mưu, bị truy tố tội giết người. Ba bị cáo còn lại bị truy tố tội giết người và không tố giác tội phạm. Hai nạn nhân là ông Trần Đức Linh (50 tuổi, quê Nghệ An) và anh Trần Trí Thành (27 tuổi, ngụ TP.HCM).
Theo ghi nhận, ngày 3/7, an ninh phiên tòa vẫn được kiểm soát chặt bởi hàng chục cảnh sát cơ động và cảnh sát tư pháp. Bị cáo Phạm Thị Thiên Hà tỏ ra khá bình tĩnh, thỉnh thoảng mỉm cười với người quen.
Nhận định về vụ án này, HĐXX cho rằng, tại Tòa, mẹ của bị hại Trần Trí Thành nói xác chết bị đổ bê tông không phải con trai bà. Con bà vẫn còn sống. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả xét nghiệm, khám nghiệm tử thi và lời khai của bị cáo Hà, có đủ chứng cứ chứng minh nạn nhân trong vụ án này chính là Trần Trí Thành.
Bên cạnh đó HĐXX cho biết, tại tòa trong hai ngày 25/6 và 26/6, bị cáo Hà khẳng định không giết ông Trần Đức Linh (52 tuổi, quê Nghệ An). Kết quả giám định pháp y cho thấy có dấu vết tác động ngoại lực vào ngực và cổ nạn nhân dẫn đến suy hô hấp. Nguyên nhân là Trần Trí Thành (28 tuổi, ngụ TP HCM) đánh cùi chỏ, chân tay, dẫn đến việc nạn nhân chết. Tuy nhiên, Thành đã chết nên không truy cứu trách nhiệm hình sự người này.
Đối với bị cáo Phạm Thị Thiên Hà, ông Linh trong tình trạng phụ thuộc về tinh thần, bò ra ngoài kêu cứu nhưng bị cáo vẫn để mặc ông này đến chết dù có đủ điều kiện cứu chữa.
Theo đó, Phạm Thị Thiên Hà đã không cho Linh trốn thoát, bỏ mặc cho người này chết. Sau đó, Hà không gọi báo cho công an hay người thân của Linh mà cùng Thảo mua các vật dụng để che giấu xác.
“Bị cáo không muốn ông Linh chết nhưng có ý thức để mặc nạn nhân chết, là phạm tội cố ý gián tiếp”, HĐXX nhận định.
Đối với nạn nhân Trần Trí Thành, trước đó trong hai ngày xử cuối tháng 6, bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm Huyên phủ nhận lời khai trước đó tại cơ quan điều tra, chối tội không cầm dây thòng lọng giúp sức bị cáo Hà giết nạn nhân Trần Trí Thành.
Đồng thời, bị cáo Trịnh Thị Hồng Hoa (mẹ của Phạm Thị Thiên Hà) cũng thay đổi lời khai tại tòa, cho rằng không bàn bạc, không tham gia giết anh Thành, lời khai trước đó tại cơ quan điều tra là do bị ép cung.
Các bị cáo còn lại là Phạm Thị THiên Hà và Lê Ngọc Phương Thảo chỉ thừa nhận một phần hành vi. Trong đó, nữ chủ mưu Phạm Thiên Hà chỉ nhận giết nạn nhân Thành, không thừa nhận giết nạn nhân Trần Đức Linh và cho rằng Linh tử vong do kiệt sức, do nhịn ăn, nhịn uống nhiều ngày và tâm lý bị kích động mạnh.
Hôm nay, Tòa xác định, do mâu thuẫn trong cuộc sống nên Hà bàn bạc với các thành viên giết Thành, phân công các bị cáo chuẩn bị, dùng điện chích anh này đến chết. Thảo là người chuẩn bị mua các hung khí. Huyên nghe mà không phản đối, trực tiếp cầm dây siết cổ giúp sức cho Hà. Hoa được Hà hỏi ý kiến thì đồng ý.
Đặc biệt, trong quá trình lấy lời khai, các bị cáo đều cho rằng “giết con quỹ dữ trong Thành” nên Hoa có nhiệm vụ niệm kinh.
“Bị cáo Hoa giúp sức Hà về mặt tinh thần”, HĐXX nhận định.
Theo HĐXX, với những bằng chứng, lập luận chặt chẽ, có đủ cơ sở buộc tội các bị cáo như cáo trạng truy tố. Tòa nêu rõ, mỗi người đều có quyền sống, quyền bảo vệ tính mạng. Các bị cáo cho rằng giết Thành vì trừ diệt cái ác nhưng thực tế Thành chưa có hành vi nào xâm hại hay gây nguy hiểm đến 4 bị cáo.
“Hành vi của các bị cáo là côn đồ, xem thường pháp luật, tính mạng con người, phạm tội có sự cấu kết chặt chẽ, phân công nhiệm vụ từng người. Trong đó, Hà là người cầm đầu, Thảo, Huyên và Hoa giúp sức”, HĐXX khẳng định.
HĐXX nhấn mạnh, hành vi của Phạm Thị Thiên Hà và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tính mạng của người khác, giết nhiều người.
Tòa nhấn mạnh, các bị cáo mong muốn hậu quả xảy ra, kiên quyết thực hiện tội phạm tới cùng. Hành vi của các bị cáo thể hiện sự coi thường pháp luật nên cần có mức án nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
“Hành vi của Phạm Thị Thiên Hà là đặc biệt nghiêm trọng, chủ mưu lên kế hoạch, chuẩn bị công cụ phạm tội, giết đến cùng hai mạng người, nên cần loại bỏ bị cáo khỏi xã hội vĩnh viễn”, HĐXX nêu căn cứ để tuyên tử hình đối với Thiên Hà.
Từ những phân tích này, HĐXX quyết định tuyên phạt Phạm Thị Thiên Hà án tử hình về tội Giết người.
Bị cáo Lê Ngọc Phương Thảo bị Tòa tuyên 20 năm tù tội Giết người, 2 năm tù tội Không tố giác tội phạm, tổng hợp hình phạt là 22 năm.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm Huyên lĩnh 18 năm tù tội Giết người, 1 năm tội Không tố giác tội phạm, tổng hợp là 19 năm
Mẹ của Phạm Thị Thiên Hà – bà Trịnh Thị Hồng Hoa bị tuyên 12 năm tù tội Giết người, 1 năm tù tội Không tố giác tội phạm, tổng hợp là 13 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc Hà bồi thường gia đình bị hại Trần Đức Linh hơn 262 triệu, cấp dưỡng nuôi mẹ ruột Linh 1,5 triệu/tháng. Bốn bị cáo liên đới bồi thường gia đình Thành hơn 180 triệu. Các thỏa thuận bồi thường dân sự khác đều được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Thị Thiên Hà gửi lời xin lỗi và cảm ơn gia đình hai bị hại và xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các đồng phạm, xin chịu trách nhiệm nặng hơn về phía mình.
Các bị cáo còn lại cũng xin lỗi gia đình các nạn nhân. Riêng bị cáo Trịnh Thị Hồng Hoa (mẹ của Hà) vừa khóc vừa xin giảm nhẹ hình phạt cho con.
Tin theo tà đạo, cuồng tín, mù quáng nên giết người tàn ác
Trong hai ngày xét xử 25/6 và 26/6 trước đó, đại diện VKSND tỉnh Bình Dương nhận định đủ cơ sở xác định nhóm 4 bị cáo (Phạm Thị Thiên Hà, 32 tuổi, Trịnh Thị Hồng Hoa, 67 tuổi, Nguyễn Ngọc Tâm Huyên, 41 tuổi và Lê Ngọc Phương Thảo, 30 tuổi) đã cùng nhau tụ tập, “tu luyện” với nhau (theo Pháp Luân Công và phương pháp “tịnh cốc”, tu khổ hạnh) ở nhiều địa phương như Khánh Hòa, Bình Dương, TP.HCM.
Tại Bình Dương, Phạm Thị Thiên Hà trong vai trò trưởng nhóm đã đặt ra phương pháp tu luyện khổ hạnh với việc “tịnh cốc”, nhịn ăn. Do không chịu đựng được, một số người đã bỏ đi.
Thời gian sau, Phạm Thị Thiên Hà đã lên kế hoạch cùng đồng bọn ra tay sát hại 2 nạn nhân. VKSND tỉnh Bình Dương xác định hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội Giết người, Không tố giác tội phạm và Che giấu tội phạm.
Trả lời tại phiên tòa, bị cáo Hà phủ nhận việc giết Linh và cho rằng có 5 điểm không đồng ý với cáo trạng truy tố của VKS. Về vấn đề này, VKS cho rằng việc tu luyện là tự nguyện nhưng khi Linh chịu không được, Hà lại không cho Linh rút lui. Khi Linh nhảy lầu bỏ trốn, Hà đã bắt vào lại.
Khi nạn nhân Linh đã suy kiệt, Hà cùng Thành đã đánh khiến nạn nhân chết. Như vậy, việc Linh chết là tất yếu khách quan. Việc Hà cho rằng Linh không chết là không có cơ sở.
Phạm Thị Thiên Hà phủ nhận vai trò của mẹ mình là bà Phạm Thị Hồng Hoa trong việc giết nạn nhân Trần Trí Thành. Tuy nhiên, cơ quan công tố nhận định Hà là người đề ra phương án, các bị cáo còn lại tuân thủ theo chỉ đạo của Hà. Do Hoa là mẹ Hà nên Hà đã thông báo cho mẹ mình biết kế hoạch sát hại.
Sau khi bị bắt, các bị cáo không được tiếp xúc với nhau nên lời khai tại cơ quan điều tra là khách quan, đúng trình tự pháp luật. Những thay đổi về lời khai sau này của các bị cáo là không được chấp nhận.
Mặc dù do sức khỏe yếu, không trực tiếp tham gia giết thành nhưng bị cáo Phạm Thị Hồng Hoa đã ở phòng niệm kinh. Điều này có thể xem là giúp sức về mặt tinh thần cho các bị cáo khác thực hiện hành vi. Từ những nhận định trên, cơ quan công tố cho rằng trong vụ án này, Hà là người chủ mưu còn 3 bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức.
Vụ giết người, đổ bê tông phi tang xác ở Bình Dương
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bình Dương, nhóm người Phạm Thị Thiên Hà cùng Phương Thảo, Tâm Huyên, Hồng Hoa, Trần Trí Thành, Trần Đức Linh, Lê Phú Hạnh và Phạm Thị Việt An cùng tu tập Pháp Luân Công. Trong đó, Hà là trưởng nhóm. Những người này đi nhiều nơi để “tu luyện” như ở Khánh Hòa, TP.HCM, Vũng Tàu…
Đến tháng 7/2018, nhóm thuê nhà ở thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương để tu luyện nhưng hai người trong nhóm là Lê Phú Hạnh và Phạm Thị Việt An bỏ trốn sau đó vì cho rằng phương pháp tu luyện của Hà là khổ hạnh và phản khoa học. Để tránh bị lộ, cả nhóm đi thuê nhà khác tại căn nhà số 90, xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng, Bình Dương của ông Nguyễn Minh Vương để tiếp tục tu luyện.
Cuối năm 2018, Hà cùng với 5 người còn lại đi thuê villa ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thực hiện "tịnh cốc" (nhịn ăn, nhịn uống suốt 14 ngày).
Vì điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt, được khoảng 10 ngày, ông Trần Đức Linh chịu không nổi nên xin Hà cho dừng lại nhưng không được đồng ý. Sau đó, ông Linh bỏ trốn. Hà cùng Thành đã bắt lại đánh đập khiến nạn nhân tử vong.
Ba ngày sau, cả nhóm đưa thi thể về căn nhà ở xã Hưng Hòa. Tại đây, cả nhóm bỏ xác ông Linh ngoài phòng khách rồi tiếp tục tu luyện. Khoảng 2 ngày sau, xác ông Linh bắt đầu phân hủy, bốc mùi hôi thối. Hà và Thành liền đi mua một thùng nhựa màu xanh có nắp đậy cao khoảng 1m, cùng với trà khô, keo, màng bọc thực phẩm, long não để tẩm liệm xác ông Linh. Cả hai còn dùng băng keo dán bít các khe hở của cửa chính và cửa sổ để mùi hôi thối không bay ra ngoài.
Sau đó một thời gian, thấy Thành hay trốn ra ngoài ăn khuya, sinh hoạt không đúng quy định, có hành vi thủ dâm, có ý định quan hệ tình dục với Thảo và Huyên nên bắt Thành tịnh cốc lần hai.
Trong lúc tịnh cốc, thấy Thành có biểu hiện bất thường như hay la hét, đập phá nên Hà cho rằng Thành bị “quỷ sa tăng” nhập. Hà liền bàn với những người còn lại lên kế hoạch giết Thành phi tang xác.
Phạm Thị Thiên Hà phân công đồng bọn đi mua 3 bao tay cách điện, 2 bộ quần áo cách điện, 1 cặp kính, 10 cuộn băng keo điện, 2 súng bắn đạn bi, 6 súng điện, 30 mét dây điện đôi, 5 chuôi cắm điện, 6 cây kim may bao bì để chế tạo dụng cụ chích điện.
Chiều 15/3/2019, nhân lúc trời mưa, Hà cùng Thảo chích điện vào tay Thành, sau đó Hà dùng dây siết cổ nạn nhân đến chết. Hà bảo Thảo lên mạng mua thùng nhựa về, cùng nhau đổ xi măng phi tang xác.
Ngày 15/5/2019, ông Nguyễn Minh Vương bán căn nhà số 90 cho người khác. Khi chủ mới dọn dẹp căn nhà thì phát hiện 2 thùng nhựa. Đập 2 khối bê tông để di chuyển, họ phát hiện 2 thi thể người. Tối 18/5/2019, nhóm của Hà thu dọn đồ đạc rời khỏi khách sạn và bị cảnh sát bắt giữ ngay sau đó.
Tại phiên xét xử, đại diện VKSND khẳng định theo hiến pháp và pháp luật của Việt Nam, mọi công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Tuy nhiên, những hành vi của các bị cáo trong vụ án này hoàn toàn trái quy định Hiến pháp và pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục, tín ngưỡng tốt đẹp. Xuất phát từ suy nghĩ và hành động tà đạo, cuồng tín, mù quáng, các bị cáo đã thực hiện hành vi giết người một cách tàn ác do đó cần phải bị nghiêm trị, răn đe và phải được cách ly khỏi xã hội, thực hiện cải tạo một thời gian dài.