Công trình tượng đài đã hoàn thành được 50%
Ngày 5/7, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) Lê Văn Đẩu cho biết ý tưởng xây dựng công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh đã có từ nhiều nhiệm kỳ trước. Đến nhiệm kỳ thứ 17 này, UBND tỉnh Bình Định mới cho chủ trương tiến hành xây dựng.
Công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt vào năm 2019. Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được xây dựng trên diện tích khuôn viên hơn 3.000m2, trong đó phần tượng đài có chiều cao 20m, phần thân tượng đài cao 15,5m, phần bục cao 4,5m, sử dụng chất liệu đá nguyên khối.
Phần chính của tượng đài là hình ảnh điêu khắc tái hiện cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh cách đây 61 năm của quân dân 2 làng đồng bào Ba Na là làng Tơlok và làng Tơlek.
Kết cấu sân, mặt bậc cấp khuôn viên công trình được thi công bằng bê tông và hoàn thiện lát đá granit tạo hoa văn và lan can xung quanh được làm bằng đá.
Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào tháng 7/2020, nhằm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XVIII trong tháng 8/2020. Hiện công trình mới hoàn thành khối lượng trên 50%. Tuy nhiên, Nghệ nhân Yang Danh (người đồng bào Ba Na), Chi hội trưởng Chi hội các dân tộc thiểu số (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định) khẳng định, nhiều chi tiết điêu khắc, phù điêu của tượng đài chưa phải của người Ba Na.
“Tượng đài khởi nghĩa Vĩnh Thạnh được xây dựng nhằm lưu lại lịch sử ngày xưa ông cha để lại, cuộc đấu tranh oanh liệt của quân và dân Vĩnh Thạnh. Tượng đài hình thành có ý nghĩa rất lớn với nhân dân Vĩnh Thạnh, ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của cha ông, trực tiếp giáo dục cho thế hệ trẻ”, - ông Đẩu cho hay.
Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cũng cho biết với các ý kiến của nghệ nhân, già làng người đồng bào Ba Na về các hình ảnh khắc trên tượng đài chưa đúng với hình ảnh người đồng bào dân tộc thiểu số, hiện huyện đang tiếp thu và điều chỉnh.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định: “Làm một tượng đài gần 50 tỷ thì quả thực quá lớn”
Ông Lê Văn Đẩu khẳng định, hầu hết nguồn vốn xây dựng tượng đài do UBND tỉnh hỗ trợ, huyện chỉ đối ứng một ít từ nguồn xã hội hóa, không lấy vốn sự nghiệp hay vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia như nguồn của Chương trình 30a hoặc từ Chương trình 135 để làm tượng đài.
Theo ông Đẩu, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng đã ra Hà Nội kiểm tra phác thảo và tham gia góp ý, sau đó chỉ đạo huyện Vĩnh Thạnh mời các già làng trưởng bản về tham gia hội thảo bàn về nội dung của tượng đài.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Vĩnh Thạnh cho biết ban đầu, dự án công trình Tượng đài Khởi nghĩa Vĩnh Thạnh dự tính tiêu tốn hết 48 tỷ đồn. Nhưng thực tế phê duyệt chính thức triển khai thi công là 40 tỷ đồng, trong đó, phần tượng 30 tỷ đồng, phần hạ tầng 10 tỷ đồng.
Ông Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định (nay là Bảo tàng Bình Định), cho rằng, Vĩnh Thạnh là một trong 4 huyện miền núi nghèo của tỉnh Bình Định, dân còn khổ cực, làm một tượng đài gần 50 tỷ thì quả thực quá lớn.
Cũng theo ông Hòa, tượng đài nằm ở huyện miền núi, vị trí lại không phải di tích (di tích làng Tơlok, Tơlek nằm ở bên kia sông Kôn, trên núi thuộc xã Vĩnh Hiệp) nên chưa biết sẽ hiệu quả như thế nào. Chưa kể kiến trúc tượng đài quá hiện đại, người Ba Na thấy không gần gũi sẽ khó đến nhiều.