Theo công bố, vào mùa hè năm 2012, đã có vụ dịch bệnh bí ẩn ghi nhận ở tỉnh Vân Nam miền đông-nam Trung Quốc: 6 người đàn ông sau khi dọn phân dơi trong mỏ đồng đã phải nhập viện vì bị viêm phổi nặng, sau đó 3 người tử vong.
Có thông báo rằng tất cả những người này đều phát lộ triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp, họ đã xét nghiệm SARS-Cov, vốn là nguyên nhân gây bùng phát bệnh dịch SARS vào năm 2002, thế nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính. Đồng thời, các xét nghiệm do Viện Virus học Vũ Hán tiến hành cho thấy ở những bệnh nhân này có kháng thể với chủng virus chưa biết trước đó, về mặt di truyền có nét tương tự với virus thuộc nhóm SARS.
Viêm phổi hay nấm - căn bệnh bí ẩn
Như tờ Sunday Times lưu ý, có thể đưa ra bức tranh tổng quát về những gì đã xảy ra, dựa vào luận án của chuyên gia y tế Trung Quốc, dù không nêu nguyên nhân chính xác gây cái chết của 3 công nhân khai thác mỏ, tuy nhiên có lưu ý rằng «rất có thể là căn bệnh do coronavirus như loại SARS lây truyền từ dơi», Sunday Times viết.
Theo dữ liệu của báo này, sau đó, nhóm các nhà khoa học do bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) từ Viện Virus học Vũ Hán dẫn đầu đã tiến hành nghiên cứu địa bàn mỏ nơi xảy ra vụ dịch. Các nhà khoa học phát hiện thấy trong phân dơi có hơn một trăm trình tự gien của các loại coronavirus khác nhau. Một trong số này được gọi là «chủng mới» của SARS và ghi ký hiệu RaBtCov/4991. Tuy nhiên khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Mỹ Scientific American, bà Thạch Chính Lệ tuyên bố bà cho rằng nguyên nhân gây tử vong của những người thợ mỏ là bệnh nấm.
Tháng 2 năm 2020, như tờ Sunday Times viết, trong tạp chí Nature xuất hiện bài viết của chuyên gia Thạch Chính Lệ và các đồng nghiệp của bà. Bài báo cung cấp thông tin về chủng RaTG13 đang lưu giữ tại Viện Virus học Vũ Hán, mức tương đồng gien di truyền của virus này so với SARS-CoV-2 đạt tới 96,2%. Theo nhận xét của Sunday Times, mẫu này phát hiện ở tỉnh Vân Nam vào năm 2013 khi nghiên cứu cùng một loài dơi giống như trong trường hợp RaBtCov/4991 - Rhinolophus affinis.
«Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng RaTG13 gần như chắc chắn là chủng coronavirus đã phát hiện thấy trong khu mỏ bị bỏ hoang năm 2013 và nhận tên gọi là RaBtCov/4991 trong công trình nghiên cứu công bố trước đây. Vì lý do nào đó không rõ, bà Thạch và nhóm của bà đã đổi tên nó», - tờ báo cho biết.
Theo tờ Sunday Times, các nhà nghiên cứu có quan điểm không đồng nhất về chuyện RaTG13 hoặc một chủng virus tương tự có thể biến thành COVID-19 và lây truyền, là do rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.