Các chuyên gia lưu ý: cùng với quá trình số hóa nền kinh tế, Trung Quốc cũng bước lên con đường chung như bao quốc gia khác, con đường bảo vệ dữ liệu toàn cầu như một nguồn tài nguyên chiến lược quan trọng.
Tại Trung Quốc, Đạo luật An ninh mạng có hiệu lực vào năm 2017. Đây là đạo luật chi phối việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ví dụ, theo luật này, tất cả dữ liệu về công dân Trung Quốc do các công ty, bao gồm cả các công ty quốc tế thu thập, phải được xử lý và lưu trữ tại Trung Quốc. Chính vì lý do này, một năm sau đó Apple đã ký kết thỏa thuận với đối tác địa phương Guizhou-Cloud Big Data để tạo ra một trung tâm dữ liệu để lưu trữ và xử lý dữ liệu từ công dân Trung Quốc là những người dùng sản phẩm “quả táo”.
Tuy nhiên, một tài liệu đồ sộ quy định việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, ví dụ như Quy định chung châu Âu về bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation) hiện không có sẵn ở Trung Quốc. Do đó, các công ty tư nhân đôi khi cho phép rò rỉ dữ liệu cá nhân nhạy cảm với mức độ khá nghiêm trọng. Năm ngoái, SenseNets - công ty Trung Quốc chuyên phát triển các thuật toán và dịch vụ nhận dạng khuôn mặt liên quan đến phân tích video, đã để dữ liệu của 2,5 triệu người Trung Quốc công khai trên Internet. Thông tin bao gồm số ID, dữ liệu định vị địa lý về việc di chuyển của một người ngày gần đây nhất, giới tính, quốc tịch, địa chỉ cư trú, ảnh, ngày sinh và thậm chí là nơi làm việc. Vào tháng 11 năm 2019 cũng có báo cáo về vụ rò rỉ khổng lồ về thông tin tài chính của công dân Trung Quốc. Dữ liệu được thu thập bởi các tổ chức tài chính vi mô bị rò rỉ vào mạng và bắt đầu được bán cho các công ty khác tham gia cho vay trực tuyến. Những quảng cáo qua điện thoại dai dẳng, cuộc gọi của những kẻ lừa đảo, hành vi phi đạo đức của người thu nợ - tất cả điều này là do các công ty đã xử lý một cách không đúng đắn với dữ liệu cá nhân của khách hàng.
Vào tháng 1 năm 2020, Nhật báo Đô thị Nam Quảng Đông (南方 都市报) đã thực hiện một cuộc khảo sát, theo đó 95% số người được hỏi cho biết họ đã từng gặp phải tình huống khi dữ liệu cá nhân bị đánh cắp.
Theo tờ Metropolis Daily, hầu hết tất cả mọi người đều sợ rò rỉ dữ liệu cá nhân thông qua các nền tảng thương mại điện tử, ngân hàng trực tuyến và thông qua các ứng dụng sử dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt. Trong khi đó, theo ước tính của công ty nghiên cứu và tư vấn International Data Corporation, thị trường dữ liệu lớn ở Trung Quốc sẽ tăng lên 22,49 tỷ USD vào năm 2023. Do đó, điều rất quan trọng là phải xây dựng luật bảo vệ tài nguyên quan trọng bậc nhất trong thời đại chúng ta, giáo sư Đại học Báo chí và Truyền thông xã hội Tế Nam, ông Wu Fei chia sẻ với Sputnik.
"Ở giai đoạn phát triển ban đầu của nền kinh tế, kịch bản đơn giản nhất về công bố dữ liệu là khi đăng ký với các tổ chức ngân hàng. Một số ngân hàng tạo ra cơ sở dữ liệu của riêng họ. Trước đây, rò rỉ dữ liệu như vậy chỉ dẫn đến các cuộc gọi điện thoại gây khó chịu. Khi Trung Quốc phát triển, dữ liệu trở thành một nguồn tài nguyên chiến lược. Thật vậy, trước đây sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia và tiềm năng tiêu dùng chỉ được ước tính trên cơ sở số liệu thống kê được công bố bởi các nhà chức trách. Giờ đây, theo dữ liệu được thu thập bởi các công ty tư nhân, hoặc thậm chí các quốc gia hải ngoại, cũng có thể rút ra kết luận về tình trạng chung của nền kinh tế đất nước. Giờ đây, dữ liệu cá nhân không chỉ thuộc về cá nhân hoặc công ty. Cuối cùng, một lượng lớn dữ liệu sẽ giúp có được bức tranh tổng thể về tính bền vững và khả năng của đất nước. Nếu dữ liệu chảy ra nước ngoài, điều này có thể gây ra mối đe dọa cho an ninh thông tin của đất nước. Do đó, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất quan trọng".
Tầm quan trọng của việc bảo vệ dữ liệu cá nhân càng trở nên rõ ràng hơn trong đại dịch coronavirus. Ở đại đa số các quốc gia, mọi người bắt đầu chuyển sang làm việc từ xa. Nhu cầu về các ứng dụng hội nghị từ xa để tổ chức họp cho nhân viên tăng vọt. Quản lý tài liệu điện tử cũng dần phát triển mạnh hơn. Và cả những biện pháp hạn chế trực tiếp nhắm tới việc chống lại sự lây lan của virus có liên quan mật thiết đến công nghệ điện tử. Hầu hết các quốc gia đã triển khai ở mức độ này hay mức độ khác các hệ thống theo dõi việc di chuyển và dữ liệu của mọi người, mã số y tế kỹ thuật số, thẻ điện tử để di chuyển trong thành phố, v.v. Các hệ thống này tạo ra một lượng lớn dữ liệu cá nhân nhạy cảm, bao gồm dữ liệu y tế, tài chính, xã hội và việc rò rỉ các thông tin này có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng.
Như tin đưa của Tân Hoa Xã, trong dự luật do Trung Quốc phát triển sẽ ghi rõ các yêu cầu kỹ thuật để bảo vệ dữ liệu cá nhân, cũng như quy định các quyền và nghĩa vụ của những người tham gia thị trường khác nhau. Tin lưu ý rằng, luật pháp cần tạo ra một khung pháp lý toàn diện cho việc thu thập, lưu trữ, xử lý không chỉ thông tin cá nhân, mà cả những dữ liệu khác, bao gồm dữ liệu nhà nước. Ngoài ra, dự thảo luật nêu rõ sự cần thiết phải tạo ra một nền tảng mở được tiêu chuẩn hóa, kết nối, an toàn và được kiểm soát dành cho dữ liệu được điều hành bởi các cơ quan chính phủ.
Nếu luật được thông qua, các công ty, nhà nước, các cá nhân sẽ hoạt động trong một lĩnh vực pháp lý duy nhất. Quá trình trao đổi dữ liệu giữa nhà nước và doanh nghiệp một mặt sẽ được đơn giản hóa, nhưng mặt khác cũng được quản lý. Cho đến nay, dự luật mới đang vượt qua lần đọc đầu tiên, và có khả năng sẽ còn hai lần đọc nữa. Các nhà lập pháp Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn thành việc xem xét luật vào cuối năm nay.