Các nhà báo chuyên trách đưa tin về Nhà Trắng hỏi ông O'Brien rằng Chính phủ Mỹ sẽ làm gì nếu Nga hoặc Trung Quốc phong tỏa việc gia hạn lệnh cấm vận tại Hội đồng Bảo an.
"Tôi hy vọng họ sẽ không sẽ làm như vậy. Tôi không nghĩ có nhiều nước trên thế giới muốn để Iran nhập khẩu tên lửa đạn đạo tầm trung, xe tăng chiến đấu chủ lực, máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư và thứ năm. Tôi không nghĩ điều đó có lợi cho bất kỳ người nào trong khu vực. Không ai trên thế giới này có lợi khi điều đó xảy ra, cả người Nga lẫn người Trung Quốc đều biết như vậy", - ông O'Brien nói.
"Chúng tôi hy vọng rằng họ sẽ bỏ phiếu trắng hoặc ủng hộ bản nghị quyết cấm cung cấp cho Iran các loại vũ khí công nghệ cao như vậy. Nếu điều đó không xảy ra thì chúng tôi còn có những công cụ khác dự phòng", - ông nói thêm.
Vấn đề hạt nhân của Iran
Iran và “Nhóm 6 nước” đàm phán quốc tế vào tháng 7/2015 đã đạt được thỏa thuận nhằm giải quyết vấn đề phát sinh từ lâu về chương trình hạt nhân của Iran. Các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng trời đã kết thúc bằng việc thông qua Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), nếu thỏa thuận này được thực hiện thì Iran sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt về kinh tế và tài chính do Hội đồng Bảo an LHQ, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu áp đặt. Thỏa thuận còn có điều khoản quy định rằng lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran sẽ được dỡ bỏ trong vòng 5 năm, việc cung cấp vũ khí có thể diễn ra sớm hơn với điều kiện được Hội đồng Bảo an LHQ cho phép.
Thỏa thuận ở dạng ban đầu thậm chí không tồn tại được ba năm: vào tháng 5 năm 2018, Mỹ tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận và khôi phục các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Tehran. Do chỉ có Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận nên các thành viên khác vẫn phải tuân thủ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với nước này.