Tháng 7 năm 1945, lãnh đạo các nước giành chiến thắng trong Thế chiến II - Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô - đã tập hợp tại Potsdam (Đức) để hoạch định trật tự thế giới mới, nền tảng của Chiến tranh Lạnh, Bloomberg viết. 75 năm sau, do hệ quả của đại dịch coronavirus mà Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là thách thức nghiêm trọng nhất của thời hậu chiến, bản đồ địa chính trị thế giới đã có hình dạng mới.
Kỷ nguyên hậu coronavirus
Trong sáu tháng đầu năm 2020, các Chính phủ trên khắp thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế. Bloomberg cho rằng sáu tháng tiếp theo sẽ có ý nghĩa phân định bố cục kỷ nguyên hậu coronavirus.
Từng có thời, động lực từ thoả thuận Potsdam đã thành cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa hệ thống cộng sản và tư bản, dẫn đầu là Matxcơva và Washington. Trong cuộc đối đầu hôm nay giữa Bắc Kinh và Washington, các chuyên gia nhìn thấy đường nét của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.
«Theo quan điểm của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã mất vai trò thủ lĩnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và có thể là trên toàn thế giới», - GS William Chun từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho biết. Như đánh giá của chuyên gia này, Bắc Kinh thấy đây là cơ hội để thúc đẩy lợi ích riêng của nước mình.
GS Chun lo ngại rằng đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ biến thành cuộc xung đột mở.
Đồng thời, Bloomberg nêu câu hỏi: liệu rằng các «cầu thủ hạng trung» bao gồm Ấn Độ, Australia, Nhật Bản và các nước châu Âu có sẵn sàng chấp nhận rủi ro và đi tới hợp tác để bảo vệ trật tự quốc tế đang hiện hữu hay chăng. Cần lưu ý rằng bây giờ hầu như trên toàn thế giới đang ngày càng không thiện cảm với Trung Quốc do việc Bắc Kinh che giấu thông tin về coronavirus, áp dụng luật về an ninh quốc gia ở Hồng Kông và tăng sức ép với Đài Loan.
Đại dịch coronavirus bộc lộ những góc tối của trật tự thế giới
Chuyên gia Constanze Stelzenmüller, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Brookings ở Washington cho rằng đại dịch coronavirus không chỉ khiến thế giới biến đổi mà còn «rọi đèn vào những góc tối», làm lộ rõ những thiếu sót của trật tự quốc tế và chính trị nội bộ của mỗi nước.
«Ở đâu tồn tại những điểm yếu kém và thiếu sót, thì chính ở đó đại dịch bùng phát với sức công phá đặc biệt», - Bloomberg dẫn lời chuyên gia Stelzenmüller.
Theo quan điểm của chuyên gia, tình trạng đó trước hết là ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, nơi số người tử vong vì dịch bệnh COVID-19 cao hơn nhiều lần so với số tử vong do coronavirus ở phần lớn các nước khác.
Đồng thời, các chuyên gia lưu ý rằng cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc, bằng chứng là từ Florida đến Melbourne đang ghi nhận những đợt bùng phát mới do coronavirus. Bloomberg cho rằng chỉ có thể dự đoán về những hậu quả của đợt cách ly tiếp theo và mức độ trầm trọng thêm trong những vấn đề kinh tế.
«Dù sao chăng nữa, chúng ta đang chờ đợi một cơn bão lớn sắp ập đến. Đơn giản là chúng ta chưa biết, cơn bão đó sẽ mạnh ra sao và hoành hành dữ dội như thế nào», - Bloomberg dẫn nhận định của chuyên gia Rory Medcalf đứng đầu trường An ninh Quốc gia trực thuộc ĐHTH Quốc gia Australia.