Cũng nhằm chúc mừng 25 năm quan hệ Việt- Mỹ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi thư chúc mừng với Tổng thống Mỹ Donald Trump qua đó nhấn mạnh, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Cựu tổng thống Bill Clinton nói gì về 25 năm quan hệ Việt- Mỹ?
Ngày 11/7/1995, khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, Cố Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain đã gọi đây là quyết định can đảm.
Đúng 25 năm sau ngày đưa ra quyết định lịch sử ấy, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã có những chia sẻ đáng chú ý trên Twitter cá nhân về những điều bản thân ông tâm niệm cho những thăng trầm lịch sử trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ 25 năm qua.
Theo đó, ngày 11/7, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và ngày 12/7 Thượng Nghị sĩ Mỹ Cory Gardner - Chủ tịch Tiểu ban Đông Á, Thái Bình Dương - cùng đăng tải bài viết kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam.
Theo đó, ngày 11/7, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đăng tải trên Twitter với nội dung thể hiện “lòng biết ơn” 25 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ. Dòng chia sẻ của cựu lãnh đạo Mỹ gợi lại sự kiện lịch sử ngày 11/7/1995, ông Clinton là người đã đọc tuyên bố gác lại quá khứ và mở ra một chương mới trong lịch sử hai nước.
“Tri ân và biết ơn 25 năm quan hệ đối tác - hợp tác cùng hướng tới hòa bình, thịnh vượng và an ninh - ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, tôi cũng tri ân tới tất cả những người đã giúp tiến trình này trở thành hiện thực, bao gồm cố Thượng nghị sĩ McCain, Kerry, Kerrey, Robb, Cleland và dân biểu Peterson – tất cả đều là cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam”, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Clinton viết trên trang Twitter cá nhân.
Tháng 8/1995, hai nước Việt - Mỹ mở đại sứ quán ở nước đối phương và trao đổi đại sứ vào tháng 5/1997.
Năm 2000, Bill Clinton là Tổng thống đầu tiên của Mỹ đến thăm Việt Nam sau chiến tranh. Người dân Việt Nam đã dành sự chào đón nồng nhiệt cho Nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ.
“Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều chúng ta có thể thay đổi là tương lai”, Tổng thống Clinton phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội.
“Từ quá khứ cay đắng, chúng ta gieo trồng hạt giống cho một tương lai tốt đẹp hơn”, Tổng thống Bill Clinton nói khi thông báo về lễ ký kết Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) được ký kết vào tháng 7/2000.
Nghị sĩ Mỹ nói về sự kiện 25 bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ
Ngày 12/7, trên trang web của thượng nghị sĩ Cory Gardner thuộc Đảng Cộng hòa có đăng tải thông cáo báo chí về sự kiện 25 bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.
Thượng nghị sĩ Cory Gardner đến từ bang Colorado thuộc Đảng Cộng hòa. Ông đang giữ vai trò Chủ tịch tiểu ban Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng quốc tế, thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện, Ủy ban năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, Ủy ban thương mại, khoa học và giao thông.
“Trong 25 năm qua, tiến trình bình thường hóa quan hệ với Việt Nam đã mang lại lợi ích về thương mại, sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ nhân quyền cũng như dân chủ trên toàn thế giới”, Thượng nghị sĩ Gardner khẳng định.
“Khi chúng ta kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, chúng ta cũng chúc mừng Việt Nam thể hiện thành công và tích cực vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 2020. Tôi mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, sẽ được hỗ trợ bởi Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA) với sự đồng thuận của lưỡng đảng”, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Gardner đề cập trong thông cáo báo chí.
Theo đó, tháng 6/2020, thượng nghị sĩ Gardner đã đưa ra một đạo luật lưỡng đảng công nhận 25 năm bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, ghi nhận những thành quả nổi bật mà hai nước đã đạt được.
Theo sáng kiến này, Mỹ và Việt Nam sẽ cùng hợp tác để tăng cường sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng ở Đông Nam Á. Hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau trong việc tìm kiếm hơn 1.200 lính Mỹ và 300.000 người Việt Nam mất tích trong chiến tranh, dỡ bỏ bom mìn còn sót lại và chữa trị cho các nạn nhân của bom mìn thông qua Quỹ hỗ trợ nạn nhân chiến tranh Leahy War Victims Fund và các chính sách khác.
Sau hơn 30 năm hợp tác, Việt Nam đã hỗ trợ tìm kiếm 770 hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh.
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng đạt được nhiều thành tựu to lớn. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ tăng từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019.
Trong nhiều năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ.
Người gốc Việt ở Mỹ đã đạt được thành công trong nhiều lĩnh vực. Du học sinh Việt Nam ở Mỹ xếp thứ 6 về số lượng sinh viên quốc tế đến Mỹ. Nhiều thành phố của Việt Nam như TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Giang, Quảng Trị, Huế, Ninh Thuận... kết nghĩa với các thành phố ở Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng và Donald Trump chúc mừng 25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ
Nhân kỷ niệm 25 năm bình thường hóa và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (12/7/1995 - 12/7/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi thư chúc mừng với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong thư chúc mừng của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump khẳng định, 25 năm qua, quan hệ song phương Việt– Mỹ đã vượt qua những cách trở về mặt địa lý và những khác biệt để có thể phát triển tích cực và ổn định.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực.
Đặc biệt trong những năm gần đây, hai bên đã tích cực phối hợp hiệu quả, tháo gỡ các vướng mắc, nhất là trong quan hệ thương mại, tài chính, qua đó củng cố và mở rộng quan hệ Đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
“Việt Nam tin rằng, với tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước và đóng góp cho an ninh, hòa bình và thịnh vượng tại khu vực và trên thế giới”, thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú trọng nêu rõ.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, sự phát triển của quan hệ đối tác giữa hai nước là kỳ tích đặc biệt.
Việc hợp tác đã tạo nên nền tảng cho sự tin tưởng và thấu hiểu, cho phép hai nước thiết lập Quan hệ Đối tác toàn diện, đã được chứng minh bởi mối quan hệ thương mại ngày càng gia tăng, cùng với đó là sự kết nối giữa nhân dân hai nước, hợp tác chiến lược, cùng nhau xử lý các vấn đề nhân đạo và di chứng chiến tranh.
“Hoa Kỳ duy trì cam kết tăng cường và mở rộng hơn nữa quan hệ giữa hai nước trên cơ sở tầm nhìn chia sẻ về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng cũng như tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và luật lệ”, Tổng thống Mỹ bày tỏ trong thư.
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi điện mừng với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trao đổi điện mừng với Chủ tịch Thượng viện Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Michael Pence và Chủ tịch Hạ viện Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Nancy Pelosi.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện mừng tới Ngoại trưởng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Mike Pompeo.
Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ: Tăng trưởng vượt bậc
Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) được ký kết vào tháng 7/2000.
Kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, tình hình thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc, là một điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước.
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, dẫn số liệu của của cơ quan thống kê Hoa Kỳ (Census), năm 1992 và 1993 chưa ghi nhận số liệu xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ (kim ngạch xuất khẩu 0 USD).
Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, vào năm 1995, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều Việt- Mỹ đã đạt 451,3 triệu USD.
Theo số liệu của cơ quan thống kê Hoa Kỳ, trong những năm 1992-1993, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ chỉ là 0 đô la. 2 năm sau, năm 1995, sau khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt 451,3 triệu USD.
Đến năm 2000, việc ký kết Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đã giúp tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khơi dậy tiềm năng, tạo bước ngoặt thúc đẩy giao thương giữa hai nền kinh tế.
Kể từ đó, kim ngạch thương mại song phương, đặc biệt là xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã có những bước phát triển rõ nét. Tốc độ tăng trưởng trung bình kim ngạch thương mại hai chiều giai đoạn 2001-2005 đạt tới 51% mỗi năm, vượt xa giai đoạn 5 năm trước đó (từ 1995-2000 chỉ đạt trung bình 29%).
Tăng trưởng đột phá trong trao đổi thương mại giai đoạn 2001-2005 đã tạo đà cho quá trình tăng trưởng liên tục của kim ngạch thương mại song phương cho đến nay.
Sau 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 333 lần, từ 233,4 triệu USD năm 1994 lên 77,5 tỷ USD vào cuối năm 2019.
Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, đây là kết quả ấn tượng hiếm thấy trong thương mai quốc tế, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn như điểm xuất phát thấp, cách trở địa lý, ít ưu đãi thương mại hơn so với các đối tác khác đã ký FTA với Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Công Thương Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu sang Hoa Kỳ vẫn đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ tăng 7,2%, đạt 7,4 tỷ USD.
Bên cạnh việc kim ngạch thương mai tăng trưởng đột phá là những chuyển biến quan trọng về chất trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai quốc gia.
Nếu những năm 2000, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng nông sản, dệt may, giày dép thì đến nay, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã sinh động hơn, với nhiều màu sắc mới từ các nhóm hàng công nghiệp, chế biến, chế tạo như thiết bị, linh kiện điện tử, sản phẩm cao su, đồ nội thất.
Điều này đã phản ánh rõ sự phát triển của năng lực sản xuất trong nước, qua đó nâng cao giá trị gia tăng và tạo đà tăng trưởng bền vững.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu những nhóm hàng thế mạnh của doanh nghiệp Mỹ như máy móc thiết bị, công nghệ cao, nhiên liệu, bông, nông sản phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Mỹ ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong hợp tác chống gian lận xuất xứ
Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, mặc dù hoạt động giao thương được các doanh nghiệp tiến hành tự do, tự nguyện và phục vụ lợi ích các bên, một vấn đề cần lưu tâm là cán cân thương mại mất cân bằng thời gian dài và có xu hướng ngày càng tăng.
Ngoài ra, các bên còn có quan điểm khác nhau về một số rào cản kỹ thuật, chính sách bảo hộ gây tranh cãi, trong khi các vụ việc phòng vệ thương mại ngày càng nhiều mà một bên có toàn quyền phán quyết.
Mới đây nhất, tình trạng gian lận xuất xứ nước thứ ba đã trở thanh mối quan tâm chung, dù thực tế này ít nhiều do tác động gián tiếp từ bối cảnh bên ngoài.
Các biện pháp cụ thể của Việt Nam nhằm cải thiện cán cân thương mại, mở cửa thị trường theo định hướng tổng thể xây dựng quan hệ thương mại hài hòa, bền vững cũng được đánh giá cao.
Đó là tiền đề để thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Cũng giống như nhận định của Tổng thống Trump trong dịp tới thăm đất nước hình chữ S cho rằng, Việt Nam đã trở thành một điều kỳ diệu của thế giới và nhận mạnh quan hệ Việt – Mỹ sẽ luôn gắn kết vì mục đích chung và lợi ích chung.