Bao gồm cả Trung Quốc
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng, Matxcơva luôn sẵn sàng cho tình huống xấu và hoàn toàn có khả năng bảo đảm an ninh quốc gia trong trường hợp Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược START-3 không được gia hạn. Tuy nhiên, thỏa thuận này là rất quan trọng. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký kết Hiệp ước START-3 vào ngày 8 tháng 4 năm 2010. Văn kiện này đã đi vào hiệu lực vào tháng 2 năm 2011 và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2 năm 2021.
Hiệp ước này quy định cắt giảm số lượng đầu đạn hạt nhân của mỗi bên xuống còn 1.550 đơn vị, số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng xuống còn 700 đơn vị. START-3 đã được ký kết một năm sau khi Hiệp ước START-1 hết hiệu lực. Vào đầu thập niên 2010, hầu như không ai nghi ngờ về việc Nga và Mỹ sẽ gia hạn Hiệp ước này, nhưng, sau khi Donald Trump vào Nhà Trắng, tình hình đã thay đổi đáng kể.
Tổng thống Trump muốn để Trung Quốc tham gia hiệp ước vũ khí hạt nhân, đây là một trong những điều kiện chính cho việc gia hạn START-3. Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Phó Thông (Fu Cong) giải thích rằng, Bắc Kinh chỉ có thể tham gia nếu Trung Quốc gia tăng kho vũ khí hạt nhân của mình ngang bằng với mức của Hoa Kỳ, hoặc nếu Mỹ sẵn sàng cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống ngang bằng với mức của Trung Quốc. Các phương án lựa chọn khác là không thể chấp nhận được đối với Bắc Kinh, vì chúng không tính đến sự khác biệt to lớn trong tiềm năng chiến lược của các bên.
Washington đã đưa ra một điều kiện khác mà Matxcơva không thể chấp nhận. Đầu tháng 7, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí - ông Marshall Billingslea đã gọi các dự án tên lửa Burevestnik và ngư lôi Poseidon của Nga là "khủng khiếp" và kêu gọi đóng các dự án này vì chúng không nằm trong hiệp ước START-3. Trước đây phía Mỹ đã khăng khăng đòi hạn chế các loại vũ khí mới nhất của Nga, bao gồm cả tên lửa phi hạt nhân chống hạm siêu âm Zircon.
"Điều này chỉ cho thấy rằng, Hoa Kỳ không còn đòn bẩy nào để duy trì vai trò lãnh đạo thế giới ngoài răn đe hạt nhân, - Tiến sĩ khoa học quân sự Konstantin Sivkov nhận xét trong cuộc phỏng vấn của Sputnik. - Về mặt kinh tế, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trong một số lĩnh vực. Về một số công nghệ quân sự (ví dụ, công nghệ siêu âm) Nga đã vượt qua Mỹ. Do đó, Washington cố gắng thuyết phục Nga từ bỏ những phát triển tiên tiến. Nga nên cẩn thận để không rơi vào cái bẫy này".
Lập trường không thỏa hiệp
Bộ trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh, trong trường hợp Hoa Kỳ từ chối gia hạn, Nga sẽ không cố gắng thuyết phục họ. Tuy nhiên, Matxcơva luôn sẵn sàng thực hiện những nhượng bộ nhất định. Bộ trưởng cho biết, phía Nga đã thảo luận với Mỹ về khả năng giới hạn số lượng hai hệ thống chiến lược mới nhất của Nga trong khuôn khổ START-3 sau khi hai hệ thống này được triển khai đầy đủ. Ở đây nói về tên lửa Avangard mang đầu đạn hành trình siêu âm và tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat.
"Ba hệ thống còn lại (tên lửa hành trình Burevestnik, ngư lôi hạt nhân không người lái Poseidon và tên lửa siêu thanh Zircon) đều là các loại vũ khí mới không thuộc phạm vi giới hạn của START-3, - ông Lavrov nhấn mạnh. - Tuy nhiên, Nga sẵn sàng bắt đầu cuộc đối thoại về các loại vũ khí mới không thuộc phạm vi giới hạn của Hiệp ước hiện có".
Tuy nhiên, xét theo mọi việc, Mỹ quyết không nhượng bộ trong đàm phán. Washington luôn giữ lập trường không thỏa hiệp: "Hoặc là bạn đồng ý vô điều kiện với các điều kiện mà chúng tôi đưa ra, hoặc chúng tôi rút khỏi hiệp ước". Rõ ràng, cả Nga và Trung Quốc đều không có ý định chấp nhận những yêu sách của Mỹ mà không tính đến lợi ích quốc gia của chính họ. Theo các chuyên gia, có rất ít cơ hội gia hạn Hiệp ước START-3. Điều này có nghĩa là toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế sẽ thay đổi hoàn toàn.
Chất lượng hơn là số lượng
"Nói cụ thể về hệ thống an ninh quốc tế trong lĩnh vực quân sự, chúng ta phải thừa nhận rằng, trên thực tế hệ thống này không còn tồn tại nữa, - chuyên gia Viktor Murakhovsky, Tổng biên tập tạp chí “Kho vũ khí của Tổ quốc” nhận xét. - Hệ thống này đã dựa trên các thỏa thuận giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, sau đó giữa Nga và Hoa Kỳ. Đây là Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, Hiệp ước INF, Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện mà Mỹ chưa phê chuẩn, Hiệp định về an ninh và hợp tác châu Âu, cũng như một phần của nó - Hiệp ước Các Lực lượng Vũ trang Thông thường ở châu Âu (CFE) mà Mỹ đã khiến cho văn kiện này sụp đổ. Các hành vi của Washington dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống an ninh quốc tế được xây dựng trong các tình huống xung đột gay gắt dưới thời Chiến tranh Lạnh".
Chuyên gia nhấn mạnh, ngoài START-3 vẫn còn hiệu lực, chỉ còn Hiệp ước Cơ chế Kiểm soát Công nghệ Tên lửa. Tuy nhiên, phía Mỹ đang cố gắng sửa đổi văn kiện này để có lợi cho chính họ. Vào tháng 6, Reuters đã trích dẫn các nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng và ban lãnh đạo đất nước đưa tin rằng, Nhà Trắng sẽ sửa đổi các điều khoản của Hiệp ước để bán thêm máy bay chiến đấu cho các quốc gia khác nhau. Chắc là các bên khác tham gia hiệp ước sẽ không hài lòng với điều này.
"Đáng tiếc là chúng ta buộc phải thừa nhận rằng, bây giờ mọi thứ phải được xây dựng lại, - chuyên gia Murovovsky nhận xét. - Tổng thống Nga đã đề xuất sáng kiến tổ chức cuộc gặp của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an để thảo luận về vấn đề này. Có lẽ các bên có thể thảo ra một hiệp ước quốc tế, nếu không phải về giới hạn, thì ít nhất là về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Nhưng, xét theo chính sách và lập trường của Washington và London, sáng kiến này hầu như không có triển vọng".
Chuyên gia nhấn mạnh, theo ông, một cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Hoa Kỳ về khối lượng đầu đạn hạt nhân và phương tiện mang phóng vũ khí hạt nhân hầu như không có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh cho sự vượt trội về công nghệ trong lĩnh vực vũ khí chiến lược sẽ trở nên gay gắt hơn.