Hiện Việt Nam có 4 nhà sản xuất vắc-xin là VABIOTECH, POLYVAC, IVAC và NANOGEN đang nghiên cứu, phát triển vắc-xin chống coronavirus. Dự kiến Việt Nam sẽ có vắc-xin chống Covid-19 vào tháng 10/2021.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) Đỗ Tuấn Đạt, dự án nghiên cứu phát triển vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam đang có triển vọng rất tích cực khi vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch trong giai đoạn 1 và kết quả đáp ứng miễn dịch khá cao.
Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca mắc Covid-19 từ Nga và Mỹ về
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế Việt Nam vừa ghi nhận thêm năm trường hợp nhiễm coronavirus mới trở về từ Nga và Mỹ, được cách ly ngay sau nhập cảnh. Việt Nam hiện có 401 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Ca bệnh số 397, theo thông báo của Bộ Y tế là một phụ nữ 58 tuổi ở phương Trương Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM. Đây là nữ hành khách bay từ Mỹ về sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN1, sau đó được tiến hành cách ly ngay tại Trung đoàn 125, Cộng Hòa, Chí Linh, Hải Dương.
Ngày 17/7, nữ bệnh nhân này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và cho kết quả nghi ngờ dương tính. Đến ngày 20/7, tại lần thứ hai lấy mẫu xét nghiệm gửi về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác nhận kết quả dương tính với coronavirus.
Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Hải Dương.
Ca mắc Covid-19 số 398 là bệnh nhân nam 25 tuổi, cư tú tại địa chỉ Yên Đồng, Ý Yên, Nam Định.
Bệnh nhân số 399 là nam, 25 tuổi, tại Trung Dũng, Tiên Lữ, Hưng Yên.
Ca bệnh nhiễm nCoV số 400 là nam bệnh nhân 25 tuổi tại Tiên Phong, Ba Vì, Hà Nội.
Ca bệnh số 401 là nam, 24 tuổi, có địa chỉ tại Điền Xá, Nam Trực, Nam Định.
Theo Bộ Y tế, ngày 17/7, cả 4 trường hợp từ Liên Bang Nga (quá cảnh ở Belurus) về sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN5062, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Trung đoàn 814, tỉnh Hòa Bình.
Sau khi từ Nga về cơ sở cách ly, các bệnh nhân được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình lấy mẫu xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 18/7 nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2, mẫu lần 2 được gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm, kết quả xét nghiệm ngày 21/7 có 4 mẫu dương tính với coronavirus. Hiện cả 4 bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình.
Với 4 trường hợp nhiễm mới và 12 ca dương tính với nCoV trước đó, chuyến bay từ Nga về đã ghi nhận 16 người mắc Covid-19.
Tính đến nay, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 365/401 bệnh nhân, chiếm 91,2% tổng số ca nhiễm của cả nước. Đồng thời, đã gần 100 ngày qua quốc gia Đông Nam Á này hoàn toàn không ghi nhận ca lây nhiễm cộng đồng nào.
Cuộc chiến chống Covid-19: Việt Nam kỳ vọng tự chủ được vắc-xin
Ngày 22/7, Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vắc-xin chống Covid-19 tại Việt Nam.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hiện Việt Nam có 4 nhà sản xuất trong nước là các doanh nghiệp như VABIOTECH, POLYVAC, IVAC, NANOGEN đang trong quá trình nghiên cứu, phát triển vắc-xin chống coronavirus đi theo các hướng khác nhau nhưng tất cả đều làm chủ công nghệ.
Chủ trì hội nghị và phát biểu khai mạc, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết trong thời gian qua cả thế giới đang căng mình chống dịch bệnh. Đến nay, số ca mắc bệnh trên thế giới đã vượt mốc 15 triệu với trên 600.000 người tử vong. Đại dịch chưa có dấu hiệu dừng lại, chưa có nước nào ngăn chặn thành công.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, đây cũng là bài toán thách thức lớn với toàn thế giới. Cũng vì thế, việc sản xuất vắc xin là ưu tiên của tất cả các quốc gia, viện nghiên cứu, nhà sản xuất với hy vọng có thể ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch bệnh và đưa cuộc sống trở về bình thường.
“Có nhiều ý kiến khác nhưng nếu không có vắc xin thì khó có thể cuộc sống bình thường như trước đây. Đây là thách thức lớn với toàn cầu, toàn nhân loại”, GS Long nhấn mạnh.
Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, nhiều bài học thành công, kinh nghiệm của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận nhưng theo các chuyên gia y tế, nếu không có vắc xin, với việc giao lưu đi lại thương mại bình thường thì cuộc sống không trở về bình thường như mong muốn.
“Việt Nam hiện đang kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, cách ly xã hội hay giãn cách xã hội chỉ là biện pháp tạm thời để hạn chế số ca lây nhiễm mới và ngăn chặn sự phát triển, bùng phát của đại dịch Covid -19. Tuy còn nhiều điều về vi rút SARS-CoV-2 mà chúng ta vẫn cần tiếp tục tìm hiểu, nhưng giải pháp hiệu quả nhất để thực sự đẩy lùi dịch bệnh này là vắc xin phòng Covid -19”, Quyền Bộ trưởng Y tế Việt Nam khẳng định.
“Cũng chính vì điều này, Bộ Y tế rất quan tâm, chỉ đạo trong thời gian qua để làm sao Việt Nam sớm có vắc xin”- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vắc-xin phòng Covid-19 trong nước là hết sức quan trọng.
“Việt Nam đã có Hệ thống quản lý chất lượng vắc xin (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới do đó nếu thành công vắc xin Covid-19 trong nước có thể xuất khẩu góp phần phòng đại dịch cho các nước trên thế giới”, GS. Nguyễn Thanh Long nói.
Tuy nhiên, trên thực tế việc sản xuất vắc-xin chống coronavirus khó thành hiện thực nếu không có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các nhà sản xuất vắc xin, các nhà nghiên cứu, các hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học, các nhà tài trợ, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật.
Theo ghi nhận, đến nay, trên toàn cầu đã có 163 ứng viên vắc-xin chống coronavirus đang được nghiên cứu phát triển, 24 vắc xin đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người còn lại 140 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (trong đó có các vắc xin của Việt Nam).
Điều đáng mừng là đã có những vắc xin đánh giá có kết quả khá tốt. Cả thế giới đều đang rất nỗ lực để sớm có được vắc xin Covid-19, mọi thủ tục quy trình đã được thảo luận rút ngắn để đảm bảo vấn đề chất lượng và thời gian.
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam, hiện nay, có ba loại vắc-xin cho kết quả thử nghiệm đầy khả quan, có đáp ứng miễn dịch tốt với chủng coronavirus mới, đó là các loại CanSino Biologics của Trung Quốc, loại thứ hai là vắc-xin hợp tác giữa Đại học Oxford và Công ty Dược Astrazeneca và loại thứ ba là của Pfizer với German binotech BioNTech.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam là 1 trong 42 quốc gia có thể sản xuất vắc xin. Với dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung, Việt Nam hoàn toàn chủ động được việc sản xuất, cung cấp đủ cho nhu cầu của các địa phương. Tương tự với Covid-19, chúng ta cũng đặt vấn đề sản xuất để đảm bảo an ninh vắc-xin.
“Việt Nam cũng là một trong 38 quốc gia có cơ quan quản lý vắc-xin theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới, mở ra cơ hội hợp tác, xuất khẩu vắc-xin với các nước”.
“Chúng ta kỳ vọng có thể tự chủ được vắc-xin. Vấn đề là cần thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc xin để có vắc xin cho người Việt Nam, đồng thời có cơ chế đặc biệt để có thể tiếp cận nguồn vắc xin trên thế giới nhanh nhất”, Quyền Bộ trưởng cho biết.
Việt Nam rút ngắn thời gian thẩm định, thử nghiệm vắc-xin chống Covid-19
Tại hội thảo, trao đổi về vấn đề cấp phép và thử nghiệm lâm sàng vắc-xin, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị “rút ngắn toàn bộ tất cả các quy trình”, vừa đảm bảo được chất lượng, vừa sớm có vắc-xin.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chuẩn bị những đề án mang tính đầu tư cũng như quỹ vắc-xin làm sao để người dân Việt Nam được tiếp cận, sử dụng vắc xin sớm nhất dù ở trong nước tự sản xuất hay tiếp cận từ nước ngoài.
Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang dự thảo đẩy nhanh quá trình thẩm định, cấp phép đăng ký sử dụng vắc xin Covid-19 để đến năm 2021 có thể có vắc-xin.
Cụ thể, Bộ Y tế sẽ đề xuất rút ngắn thời gian các quy trình như nghiên cứu sản xuất, kiểm định, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, theo dõi sử dụng vắc-xin. Cụ thể, ở một số khâu, việc theo dõi, kiểm định sẽ được rút ngắn về hồ sơ, thời gian và song song tiến hành nhiều khâu.
Ví dụ như trong khâu thử nghiệm lâm sàng sau khi có kết quả giai đoạn một có thể chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 2 và tiếp tục theo dõi giai đoạn một.
“Tuy nhiên, dù rút ngắn thời gian nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng của vắc-xin, có tác dụng phòng nhiễm virus corona dựa trên những bằng chứng khoa học, tuân thủ theo các nguyên tắc về đạo đức trong nghiên cứu y sinh học”, TS Quang nhấn mạnh tại Hội thảo.
Cùng quan điểm với TS. Nguyễn Ngô Quang, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức PATH tại Việt Nam Nguyễn Tuyết Nga cũng cho hay, nhu cầu lúc này là cần đưa ra cơ chế, chính sách, quy định phù hợp tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép trong thời gian ngắn nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn cho người tham gia nghiên cứu cũng như sau này.
Việt Nam có vắc-xin chống Covid-19 vào tháng 10/2021?
Như đã nêu, hiện với dịch Covid-19, Việt Nam có 4 nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu tập trung tìm ra chế phẩm sinh học phòng coronavirus. Mỗi nhà sản xuất đi theo hướng khác nhau, bước đầu cũng cho thấy kết quả khả quan.
Theo chia sẻ của Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc Xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) Đỗ Tuấn Đạt, dự án nghiên cứu phát triển vắc-xin Covid-19 tại Việt Nam đang có triển vọng rất tích cực khi vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch trong giai đoạn 1 với kết quả đáp ứng miễn dịch khá cao của vắc-xin dự tuyển.
Kết quả phân tích của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ưuơng với hai lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột được tiêm dự phòng vắc-xin phòng nCoV mà các nhà nghiên cứu của VABIOTECH phát triển cho đánh giá tích cực.
Thông qua việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh của VABIOTECH đã cho đáp ứng kháng thể, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao.
Theo TS. Đỗ Tuấn Đạt chia sẻ trên VietnamPlus, quá trình sản xuất vắc-xin thật sự còn có nhiều khó khăn nhất định, không hề dễ dàng vì vắcxin đòi hỏi tính ổn định, tính hiệu suất cao, chất lượng phải đảm bảo.
“Đây là quá trình dài không thể ngay lập tức có được vắcxin cho người. Kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy dự tuyển vắcxin có thể hoàn toàn đưa vào sản xuất vắcxin sau này. Đến nay, qua 3 tháng, với tốc độ làm việc nhanh của nhóm nghiên cứu thì chúng tôi đã có kết quả ban đầu khá khả quan. Đề tài hướng tới tháng 10 năm 2021, nếu thời gian rút ngắn lại thì tiến trình của đề tài sẽ kết thúc nhanh chóng”, Chủ tịch VABIOTECH cho hay.
Chia sẻ thêm về quá trình nghiên cứu và phát triển vắc-xin, TS. Đỗ Tuấn Đạt cho biết, VABIOTECH đặc biệt coi trọng “yếu tố chủng” - quyết định 50% của quá trình sản xuất.
Theo vị lãnh đạo của VABIOTECH, trong quy trình sản xuất, bên cạnh chủng còn điều kiện để sản xuất, những yếu tố thông số trong sản xuất phải tối ưu hoá. Các thông số về hiệu suất đối với một vắc-xin cho người là một yếu tố rất quan trọng, đặc biệt trong vắc-xin đại dịch yêu cầu đầu tiên đó là làm sao có hiệu suất cao, số lượng lớn vì không phải chỉ tiêm có vài liều hay hàng trăm, nghìn liều mà cả triệu liều.
“Các vắc-xin phòng bệnh khác trước đó người ta có đủ thời gian để sản xuất ra hàng triệu liều, nhưng đối với vắcxin COVID-19 có thể trong vòng 1-2 tháng đã phải dùng đến hàng triệu liều. Đây là thách thức rất lớn. Trong quá trình tối ưu hóa còn rất nhiều những vấn đề xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng ở mức độ tối đa nhất để có được mẫu thử nghiệm lâm sàng trên người”, TS. Đạt nói.
Chia sẻ thêm về công nghệ nghiên cứu và sản xuất vắc-xin của VABIOTECH tại Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Tuấn Đạt nhấn mạnh, đơn vị của ông sử dụng công nghệ tái tổ hợp, virus vector - một dạng công nghệ rất mới thay vì các công nghệ vắcxin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống.
Ông Đạt nhấn mạnh, đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắcxin đại dịch.
TS. Đỗ Tuấn Đạt cũng nêu rõ, trong quá trình sản xuất vắc-xin Covid-19, VABIOTECH có hợp tác với các trường đại học của Anh. Hợp tác này đã được triển khai trước đây 2 năm trong nhóm nghiên cứu về trao đổi giữa các tường đại học của Anh và các nước đang phát triển, để giúp các nước đang phát triển tiếp cận được các công nghệ mới trong sản xuất vắc-xin.
Việt Nam có hướng đi riêng trong sản xuất vắc-xin chống Covid-19?
TS. Đỗ Tuấn Đạt nêu quan điểm, khi cả thế giới chạy đua với vắc-xin Covid-19, việc cho ra đời một loại vắcxin đại dịch là thách thức với bất kỳ nhà sản xuất nào, bởi đây là vắcxin mới.
Với mỗi quốc gia có những đặc thù, lựa chọn riêng, ở trên mức độ của nhà phát minh. Chẳng hạn như Trường đại học Boshtom họ chuyên nghiên cứu giá thể virus này để làm vắc-xin.
“Việt Nam cũng đi theo hướng đó của họ để bám sát vào những chỗ của nhà phát minh họ đã phát triển. Trong công tác nghiên cứu về vắc-xin Covid-19, có thể có khác biệt vì thế giới vẫn đang muốn tạo sự khác biệt giữa các chủng, các công nghệ khác nhau để xem cái nào sẽ là ưu thế. Vì đây là vắc-xin quá mới đối với cả thế giới nên chưa biết được chủng nào hơn chủng nào. Đây là thách thức đối với tất cả các công ty sản xuất”, TS. Đạt cho hay.
Theo lãnh đạo của VABIOTECH, trước khia, với SARS, MERS-CoV, vắc-xin không hướng đến thương mại hóa, chỉ là nghiên cứu. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả mọi người đều chờ đợi vắc-xin chống coronavirus được thương mại hóa.
“Thí nghiệm làm vắc-xin ở thời điểm này cho chúng ta học rất nhiều cách làm vắc-xin nhất là chống đại dịch. Chúng tôi nghiên cứu bám sát với kết quả nghiên cứu trên thế giới để trước khi ra thử nghiệm lâm sàng tiếp theo đưa ra tiêu chí nào cho phù hợp. Chúng ta không đi trước để dẫn đầu mà để đón đầu, xem họ như thế nào để thiết kế vắc-xin cho phù hợp”, TS.Đỗ Tuấn Đạt cho hay.
“Để cho ra đời vắc-xin hoàn chỉnh cần 9-12 tháng nữa nhưng chúng tôi đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của một vắc-xin bình thường, thời gian 18-24 tháng để phát triển được một vắc-xin đã là quá nhanh”, TS.Đỗ Tuấn Đạt nhấn mạnh.