Trước tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, buôn người, giết người…còn diễn biến phức tạp, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, còn tình trạng công chức, cán bộ tha hóa, tham nhũng, tiếp tay và bảo kê cho tội phạm, gây mất niềm tin của nhân dân.
Phó Thủ tướng thừa nhận có tình trạng bảo kê, bao che, tiếp tay cho tội phạm
Sáng nay, ngày 23/7, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020, tổng kết nhiều nội dung quan trọng và đề ra mục tiêu, phương hướng hành động trong thời gian sắp tới.
Chủ trì Hội nghị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Ngoài Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ 138, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các tỉnh, thành phố cùng dự họp.
Chủ trì và phát biểu khai mạc Hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết một số nội dung đã đạt được của hai Ban Chỉ đạo đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế về tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, buôn người… còn diễn biến hết sức phức tạp.
Tồn tại nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan cho vấn đề này, tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khái quát, có cả trách nhiệm của một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý, buông lỏng, để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, thậm chí còn bảo kê, bao che, tiếp tay cho tội phạm. Không ít cán bộ, công chức đã tha hóa, biến chất…
Tổng kết 6 tháng đầu năm nay, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, các BCĐ 138 và BCĐ 389 quốc gia đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, theo đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo, công tác phòng, chống tội phạm đã tập trung chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, gây bức xức trong nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm 8,4 % số vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.
Đồng thời điều tra khám phá nhiều chuyên án lớn, đặc biệt là tội phạm liên quan đến băng nhóm tín dụng đen, xã hội đen, nhiều vụ phạm tội sử dụng công nghệ cao.
“Đặc biệt, chúng ta đã làm tốt công tác điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, nhất là việc phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư công; đã đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn, được dư luận đồng tình, đánh giá cao, củng cố niềm tin trong nhân dân”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Đề cập đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá, mọi hoạt động được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, các ngành.
Qua đó, đã phát hiện, xử lý thành công nhiều đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả lớn, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh vừa qua, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, chống sản xuất, kinh doanh các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và các địa phương. Những nỗ lực của các cấp, các ngành được người dân đánh giá cao.
Đó là những mặt tích cực. Chia sẻ về những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá, vẫn còn hiện tượng bao che tội phạm, còn những cán bộ công chức tham nhũng, biến chất và tha hóa.
“Tuy nhiên, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất”, Trưởng Ban Chỉ đạo thẳng thắn.
Theo đồng chí Phó Thủ tướng, đây là hội nghị quan trọng nhằm đánh giá kết quả và tồn tại 6 tháng, phương hướng và giải pháp quyết liệt thời gian tới.
Do đó, các các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý được giao tập trung đóng góp ý kiến vào các vấn đề lớn của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
“Tôi đề nghị các đồng chí với tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, gộp hai nội dung phòng chống tội phạm và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, phát biểu ngắn gọn. Thẳng thắn kiểm điểm, làm rõ những việc làm được, chưa làm được”, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị cần nêu ra những cơ quan, địa phương nào có cách làm tốt, giải pháp hay, có tính đột phá, những cơ quan, địa phương nào chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn nhiều tồn tại, hạn chế, những thuận lợi khó khăn, vướng mắc đề xuất giải pháp công tác thời gian tiếp theo.
Tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tín dụng đen vẫn phức tạp
Trình bày báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 23.465 vụ vi phạm pháp luật hình sự (giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019).
“Hoạt động của tội phạm nổi lên là tội phạm có tổ chức vẫn diễn biến phức tạp, có sự đan xen giữa các lĩnh vực, núp bóng doanh nghiệp, hoạt động chủ yếu là bảo kê, tín dụng đen, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng”, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Lợi dụng dịch Covid-19, hoạt động đầu cơ, buôn lậu làm giả các mặt hàng phòng chống dịch, thực phẩm thiết yếu tăng mạnh. Đồng thời, vi phạm trong thực hiện các gói thầu mua thiết bị, máy xét nghiệm coronavirus phòng, chống dịch gây bức xúc xã hội, điển hình như vụ CDC Hà Nội đã bị Bộ Công an khởi tố.
Về kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của BCĐ 389 quốc gia, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, trong 6 tháng qua, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 75.264 vụ vi phạm (giảm 12% so với cùng kỳ 2019), thu nộp ngân sách Nhà nước 11.291 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ 2019), khởi tố 1.128 vụ (giảm 14% so với cùng kỳ), 1.346 đối tượng (giảm 13% so với cùng kỳ 2019).
Đặc biệt, như đã thấy, tội phạm giết người tuy có giảm, song xảy ra nhiều vụ có hành vi dã man, tàn bạo, mất nhân tính, trong đó có 6 vụ đốt nhà để giết người làm 19 người chết.
Theo Thứ trưởng Bộ Công an, đáng chú ý, tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 21,76% so với cùng kỳ 2019.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng gây bức xúc xã hội. Hoạt động môi giới mại dâm, đánh bạc có chiều hướng gia tăng.
Theo đại diện Bộ Công an, tội phạm mua bán người thủ đoạn nổi lên là tổ chức xuất cảnh trái phép dịp tết Nguyên đán, nhất là tuyến biên giới Việt - Trung để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ như trong thời gian qua vẫn diễn ra.
“Các đối tượng lợi dụng phụ nữ, trẻ em có trình độ hạn chế, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lừa bán sang Trung Quốc xảy ra nhiều”, Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Đối với tội phạm kinh tế, tham nhũng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, loại tội phạm này ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm như tài chính, ngân hàng, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai với các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, có ý làm trái quy định nhà nước.
Tội phạm công nghệ cao nổi lên thời gian qua là tình trạng trộm cắp, lừa đảo, mua bán thông tin thẻ tín dụng, sử dụng phần mềm để trốn thuế, làm giả thẻ thanh toán dịch vụ hay hóa đơn mua hàng hóa.
Đặc biệt, theo ghi nhận, các vụ lừa đảo, giả danh cơ quan chức năng trên mạng xã hội, dịch vụ viễn thông xảy thông xảy ra ở nhiều địa phương.
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng không gian mạng.
“Tình trạng chống người thi hành công vụ, trọng cắp, lừa đảo, tổ chức đánh bạc có xu hướng gia tăng”, Thứ trưởng nêu rõ.
Bộ Công an mở đợt cao điểm trấn áp tội phạm trước Đại hội 13 của Đảng
Thông tin thêm về kết quả phòng chống tội phạm thời gian qua, trong báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 nêu rõ, các cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá gần 20.000 vụ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội (đạt tỷ lệ 84,04%), bắt 45.000 đối tượng, triệt phá hơn 1.000 băng nhóm tội phạm các loại, nhất là đấu tranh, triệt phá nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, vay nặng lãi và đòi nợ thuê.
Lực lượng liên ngành cũng phát hiện, khởi tố điều tra 20 vụ, 26 đối tượng vi phạm các quy định liên quan phòng, chống dịch bệnh, gần 9.000 vụ việc vi phạm hành chính, tội phạm và vi phạm pháp luật chống người thi hành công vụ liên quan phòng, chống dịch bệnh xảy ra 13 vụ, khởi tố 11 vụ, 11 đối tượng.
Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành đã phát hiện, đấu tranh gần 11.300 vụ, hơn 11.200 tổ chức, cá nhân phạm tội về kinh tế, gần 14.000 vụ, hơn 14.000 tổ chức, cá nhân phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường; hơn 14.000 vụ, gần 20.000 đối tượng phạm tội về ma túy.
Đặc biệt, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra horn 60.000 vụ, gần 91.000 bị can, cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố hơn 31.200 vụ, với gần 56.000 bị can.
Cùng với đó, TAND các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thầm hơn 32.000 vụ với gần 59.000 bị cáo, đã giải quyết, xét xử đạt tỷ lệ 73,4% số vụ và 68,7% số bị cáo.
Thông tin về công tác trong thời gian tới, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, Bộ Công an sẽ mở đợt cao điểm đấu tranh trấn áp mạnh các loại tội phạm bảo vệ Đại hội Đảng các cấp, Đại hội 13 của Đảng, dip 2/9 và dịp Tết Nguyên đán.
Trước đó, cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tham dự và phát biểu tại Hội nghị Đảng uỷ Công an Trung ương đều nhấn mạnh lực lượng Công an phải bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước.
Trong đó, trọng tâm là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, góp phần vào thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý đối với Bộ Công an, không vì Đại hội mà quên nhiệm vụ, do đó lực lượng Công an cần kịp thời tham mưu và có phương án vô hiệu hóa các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ Đại hội, bảo vệ đường lối, không để bên ngoài kích động gây rối, chia rẽ làm mất đoàn kết nội bộ.
Ngoài ra, hát biểu tại Hội nghị ngày 23/7, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nêu rõ, Bộ Công an cũng chỉ đạo triển khai tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người toàn quốc, trọng tâm là trên tuyến biên giới Việt – Trung với nhiều điểm nóng và diễn biến phức tạp như đã bị phát hiện trong thời gian qua.