"Ô nhiễm chất thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với hành tinh chúng ta ngay từ trước khi dịch coronavirus bùng phát. Sự bùng nổ đột ngột trong việc sử dụng hàng ngày một số sản phẩm để giữ an toàn cho mọi người và chống lại dịch bệnh đang khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn", - Giám đốc Thương mại quốc tế của UNCTAD, bà Pamela Coke-Hamilton phát biểu.
Theo số liệu của công ty tư vấn Grand View Research, doanh số toàn cầu của khẩu trang dùng một lần đã tăng từ 800 triệu USD vào năm 2019 lên 166 tỷ USD vào năm 2020. Biện pháp giãn cách xã hội cũng dẫn đến việc gia tăng dịch vụ giao hàng tại nhà và sản phẩm có bao bì bằng nhựa.
LHQ khuyến nghị thay thế nhựa bằng vật liệu phân hủy sinh học
UNCTAD ước tính rằng khoảng 75% lượng nhựa trong đại dịch coronavirus có khả năng trở thành rác thải được xả ra các bãi rác và ra biển. Đồng thời, những tác dụng phụ gây hại của chất thải nhựa, ví dụ như đối với với nghề cá, du lịch và giao thông hàng hải, được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc ước tính vào khoảng 40 tỷ USD mỗi năm.
Về vấn đề này, UNCTAD kêu gọi chính phủ các nước từ bỏ việc sử dụng nhựa hoặc chuyển sang sử dụng chất liệu thay thế nhựa không độc hại và có khả năng phân hủy sinh học như thủy tinh, gốm sứ, sợi tự nhiên, giấy, bìa, trấu, cao su tự nhiên và protein động vật. Nó cũng sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, vì họ là nhà cung cấp chính nhiều sản phẩm thay thế nhựa. Nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng có thể tạo ra cho những nước này cơ hội đầu tư và giao dịch mới có lợi cho môi trường hơn.