Công ty Gallup lập bảng xếp hạng về mức độ tán thành đối với hoạt động của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới từ năm 2007. Bảng xếp hạng này phản ánh thái độ của người trả lời từ 135 quốc gia đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đức và Nga. Tại mỗi quốc gia công ty chọn ra một ngàn người để thăm dò ý kiến. Họ được yêu cầu trả lời câu hỏi: "Bạn có tán thành chất lượng công việc của lãnh đạo đất nước hay không?"
Tụt hạng sau khi Donald Trump nhậm chức
Hoa Kỳ từng là quốc gia đứng đầu về sự tán thành của công chúng trên thế giới từ năm 2009 đến năm 2016. Tuy nhiên, sau khi Donald Trump nhậm chức, chỉ số xếp hạng của đất nước bắt đầu giảm mạnh. Năm 2017, tỷ lệ những người tán thành hoạt động của chính quyền Mỹ đạt mức thấp nhất từ trước đến nay - 30%. Sau đó, chỉ số này tăng nhẹ, nhưng như kết quả cuộc khảo sát hiện tại cho thấy thì vẫn ở mức thấp, tức 33%. Đáng chú ý là trong số các quốc gia là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, chính quyền Mỹ có mức xếp hạng thấp nhất. Ở châu Âu, trung bình tỉ lệ số người tán thành hoạt động của chính phủ Mỹ là 24%, ở Úc là 23%. Ở một số nước, ví dụ, ở Đức, tỷ lệ những người tán thành hoạt động của chính quyền Mỹ không vượt quá con số 12%. Hoa Kỳ nhận được sự ủng hộ nhiều nhất ở châu Phi, với 52% số người được hỏi ủng hộ chính quyền Mỹ. Tuy nhiên, nếu xét về góc độ lịch sử, Hoa Kỳ cũng đang mất dần uy tín ở đây. Năm 2009, 85% số người được hỏi ở châu Phi bày tỏ tán thành hoạt động của tổng thống Mỹ và chính quyền.
#US soft power, worst in decades
— Visar Xhambazi (@VisarXhambazi) July 28, 2020
.@Gallup "Rating World Leaders" Report pic.twitter.com/JEXbHLXm0e
Ngược lại, Trung Quốc đang cho thấy sự tăng trưởng chậm nhưng ổn định về mức uy tín của nước này trong cộng đồng thế giới. Nếu năm 2009 chỉ có 25% số người được hỏi tán thành hoạt động của Trung Quốc, thì năm 2015 con số này đã vượt quá 30%. Kết quả thăm dò hiện tại cho thấy hoạt động của Trung Quốc được 32% số người được hỏi tán thành, trong khi Hoa Kỳ chỉ hơn có 1%. Mặc dù Trump đã nhiều lần cam kết khôi phục vị thế của Hoa Kỳ như một nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả trong việc được công chúng tán thành, song điều này vẫn chưa xảy ra.
Lý do vì đâu dẫn tới kết quả khảo sát tiêu cực như trên?
Năm nay, vị thế của Hoa Kỳ trên thế giới chủ yếu được xác định trong bối cảnh lây lan coronavirus. Hoa Kỳ, với tư cách là một nhà lãnh đạo thế giới, phải phối hợp và lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch. Thay vào đó, họ thất bại ngay cả trong việc đối phó với sự lây lan của dịch bệnh trong nước mình, như đánh giá của ông Cui Lei, cộng tác viên tại Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“Kết quả tiêu cực của cuộc khảo sát liên quan đến Hoa Kỳ trước hết liên quan tới dịch bệnh. Hoa Kỳ đã phản ứng quá chậm với sự lây lan của coronavirus. Và họ đã không thể thực hiện các biện pháp cứng rắn để khởi động lại nền kinh tế trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát. Chưa hết, các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc đã nổ ra ở Hoa Kỳ. Mọi người trên thế giới đã thấy điều này. Và người ta bắt đầu nghi ngờ về việc, liệu Hoa Kỳ có thể đảm bảo sức khỏe cộng đồng hay không. Còn có sự bất mãn liên quan tới hành vi của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Là một cường quốc, Hoa Kỳ phải điều phối và lãnh đạo cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch. Thay vào đó, Hoa Kỳ bắt đầu trút trách nhiệm cho các nước khác. Và họ thậm chí đã ngừng tài trợ cho WHO. Tất cả điều này tạo ra cảm giác trong cộng đồng quốc tế là vị trí lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ bắt đầu lung lay. Vì vậy, kết quả của cuộc thăm dò phản ánh sự thật. Mặt khác, Đức, ngược lại, đã thể hiện mình rất tốt trong cuộc chiến chống coronavirus. Họ đã đối phó với dịch bệnh tốt hơn Hoa Kỳ, thực hiện các biện pháp tích cực ở giai đoạn sớm nhất. Chính quyền Đức đã nỗ lực rất nhiều để đối phó với dịch bệnh. Và sau Đức, các nước châu Âu khác cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp tích cực. Đức không chỉ tích cực giúp chống lại sự lây nhiễm ở châu Âu, mà còn hỗ trợ tài chính cho WHO để thúc đẩy hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh".
Hoa Kỳ có lẽ đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của coronavirus. Trong mọi trường hợp, vào thời kỳ đầu, khi cần thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ phía những quan chức Mỹ đã có những ý kiến nghi ngờ rằng COVID-19 nguy hiểm hơn dạng cúm mùa thông thường. Trái lại, ngay từ đầu, Đức đã tiếp cận vấn đề một cách nghiêm túc, và đây là lý do vì sao đất nước này thành công trong cuộc chiến chống coronavirus.
Cụ thể, các xét nghiệm tìm coronavirus đã được các nhà khoa học Đức phát triển một ngày trước khi WHO chính thức tuyên bố rằng virus này được truyền từ người sang người. Kết quả là cho đến nay, vài trăm phòng thí nghiệm ở Đức thực hiện hơn 50 nghìn xét nghiệm mỗi ngày. Ngoài ra, bảo hiểm y tế bắt buộc và một số lượng lớn giường bệnh có sẵn cũng cho thấy kết quả tích cực: không xảy ra tình trạng thiếu giường bệnh và hầu như mọi người đều có thể được hỗ trợ về y tế trong trường hợp có bất kỳ nghi ngờ gì về sức khỏe.
Theo chuyên gia Cui Lei, thành công của mỗi quốc gia trong cuộc chiến chống dịch bệnh trở thành chỉ số cho phần còn lại của cộng đồng thế giới vì nó xác định khả năng và tiềm năng của đất nước này. Do đó, tình hình tiếp theo đây trong bảng xếp hạng sẽ phụ thuộc vào việc Hoa Kỳ chứng tỏ khả năng của bản thân mình trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
"Tôi nghĩ mọi thứ sẽ phụ thuộc vào cách các quốc gia đối phó với dịch bệnh, cách họ tham gia vào hợp tác quốc tế. Chẳng hạn, nếu Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các biện pháp tiếp theo để tách mình ra khỏi cộng đồng thế giới, thì vị thế lãnh đạo của quốc gia này theo đó sẽ dần suy yếu. Đồng thời, nếu Trung Quốc tham gia tích cực hơn vào hợp tác quốc tế, trong trường hợp này, sự sắp xếp các vị trí trong bảng xếp hạng sẽ còn có thể thay đổi một lần nữa."
Cho đến nay, Trung Quốc đang thành công trong việc kìm hãm sự lây lan của làn sóng coronavirus thứ hai. Trong những tháng gần đây, số ca nhiễm mới trong ngày nhiều nhất ở Trung Quốc là 61 người. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, số ca nhiễm mới mỗi ngày vượt quá 50 nghìn người. Trong đại dịch, Trung Quốc đã gửi hàng triệu mặt nạ y tế, áo bảo hộ, thiết bị y tế và các vật dụng cần thiết cho các quốc gia khác để chung tay chống lây nhiễm bệnh.