Một cuộc chiến ý thức hệ - hơn nữa, giống như cuộc chiến tranh lạnh đầu tiên với Liên Xô, cuộc chiến hiện tại cũng được tuyên bố dưới những khẩu hiệu chống cộng, tuy nhiên, được kết hợp với chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Bài phát biểu của ông Pompeo "Trung Cộng và tương lai của thế giới tự do" nhấn mạnh ba nội dung chính. Thứ nhất là ác quỷ hóa Trung Quốc, thứ hai - phân tích những sai lầm của Mỹ theo hướng Trung Quốc, và thứ ba - các bước cần làm để chống Trung Quốc.
Ý nghĩa chính trong bài phát biểu của ông Pompeo là rõ ràng: những người cộng sản luôn nói dối, Trung Quốc đang đe dọa thế giới, cần phải buộc Trung Quốc thay đổi chính sách của mình.
Hãy xem người Trung Quốc đang làm gì? Có phải họ triển khai hàng trăm căn cứ quân sự trên khắp thế giới? Có phải họ tận dụng vị thế của đồng tiền quốc gia như là đồng tiền dự trữ của thế giới để cấp tín dụng giá rẻ không giới hạn và duy trì mức sống của người dân? Có phải Trung Quốc lật đổ chính phủ ở các nước khác và áp đặt các giá trị đạo đức (hoặc vô đạo đức) của họ lên các nền văn minh khác? Có phải họ đang đóng vai trò là bàn đạp để xây dựng một đế chế toàn cầu được cai trị bởi các thế lực xuyên quốc gia?
Không, đây là những gì Hoa Kỳ đang làm. Và người Trung Quốc chỉ đơn giản đang lấy lại vị trí của nền kinh tế lớn nhất thế giới, mà cường quốc này đã từng chiếm vị trí này trong nhiều thế kỷ, và có thể nói là trong suốt mấy thiên niên kỷ. Trung Quốc có thị trường nội địa lớn nhất thế giới đang phát triển nhanh chóng, nhưng vẫn còn rất xa so với Mỹ hay châu Âu. Ở Trung Quốc có nhiều ngành nghề triển vọng phát triển cao. Liệu Trung Quốc có nhu cầu về bá quyền ở mức độ toàn cầu? Tất nhiên là không - hoạt động bành trướng của họ không phải là chính trị hay ý thức hệ, đây là những hoạt động phát triển thị trường nước ngoài. Trung Quốc không muốn xây dựng một đế chế toàn cầu để kiểm soát mọi thứ và mọi người, để buộc mọi người phải học Khổng Tử hoặc gia nhập Đảng Cộng sản. Nhưng, ông Pompeo khiến người Mỹ và phần còn lại của thế giới nên sợ hãi một Trung Quốc như vậy - nước hung hăng có động lực về mặt tư tưởng.
Tuy nhiên, kể từ cuối thập niên 1970, Trung Quốc không chỉ từ chối xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản mà còn được các nước phương Tây ưa chuộng. Hoa Kỳ thậm chí đã mời Trung Quốc vào câu lạc bộ của họ. Không phải vì Washington hy vọng rằng, Bắc Kinh sẽ từ bỏ thế giới quan cộng sản trước đó, mà vì muốn ngăn chặn khả năng hòa giải giữa Matxcơva và Bắc Kinh, để ngăn chặn việc kết nối lại liên minh Xô-Trung. Tuy nhiên, đến khi Liên Xô và Trung Quốc hòa giải, thì đã quá muộn: năm 1989, Trung Quốc đã thấy Gorbachev, người vô cảm và không thành thạo về chính trị.
Sự sụp đổ của Liên Xô – một bài học cho Trung Quốc
Sự sụp đổ của Liên Xô cũng như chính sách đối ngoại thảm khốc cuối Liên Xô trong những năm cuối thập kỷ 80 là một bài học cho Trung Quốc. Khi đó Mỹ đã nghĩ rằng họ giành được phần thắng trong Chiến tranh Lạnh, nhưng Trung Quốc đã hiểu rằng, phe thua là Liên Xô, hơn nữa - Liên Xô đã thua trận do lỗi lầm của bản thân mình. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không có một vị trí mạnh mẽ như Liên Xô. Trong khi Matxcơva mang một gánh nặng siêu cường sau Chiến thắng trong Thế chiến II, thì Trung Quốc trong hầu hết thế kỷ 20 (và cả thế kỷ 19) phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ càng trầm trọng hơn do sự xâm lược từ bên ngoài. Chỉ trong những năm 90, Trung Quốc mới ổn định lại tình hình nội bộ và bước lên vũ đài quốc tế, nhưng không phải với chủ nghĩa cộng sản mà với nền kinh tế. Vâng, phương Tây đã giúp Trung Quốc tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên, Hoa Kỳ và vốn toàn cầu đã hoạt động theo chủ nghĩa trọng thương. Giờ đây, ông Pompeo tuyên bố, những hy vọng mà chúng tôi đã theo đuổi về việc đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đồng tình với quyết tâm thay đổi cung cách hành động trong khi họ được đưa vào thế giới toàn cầu (nghĩa là thế giới phương Tây) đã không mang lại kết qua mong muốn.
Tức là, khi phương Tây đến Trung Quốc với "cuộc chiến tranh thuốc phiện" vào thế kỷ 19 hoặc thu lợi từ lao động giá rẻ vào cuối thế kỷ 20, điều này là kết quả mong muốn. Và khi Trung Quốc tăng trưởng mạnh và thâm nhập thị trường với hàng xuất khẩu và các khoản đầu tư trên toàn thế giới - đây là sự bành trướng cộng sản không trung thực phải bị ngăn chặn bằng bất cứ giá nào!
Nhưng, ngăn chặn bằng cách nào? Bằng cách "huy động sức mạnh tập thể" của các nước đang sợ Trung Quốc? Tuy nhiên, "mối đe dọa từ phía Trung Quốc", bất kể phương Tây mô tả nó như thế nào, không gây ra cơn hoảng loạn ở các quốc gia khác – người ta thậm chí nực cười khi Mỹ gọi đó là sự bành trướng của những người cộng sản. Ở đây không nói về ý thức hệ như trong trường hợp với Liên Xô. Bây giờ cáo buộc này không còn phù hợp nữa - trong nước Mỹ cũng có nhiều biểu hiện chính trị cánh tả, nhưng rất khó để tìm thấy dấu vết cộng sản ở đó. Vì thế, "mối đe dọa đỏ từ Trung Quốc" rõ ràng đang thua trước người tiền nhiệm Liên Xô - dù ông Pompeo đang cố gắng so sánh hai câu chuyện kinh dị này và hứa rằng, lần này Hoa Kỳ cũng có đủ năng lực để chiến thắng.
Ông Pompeo nói: "Tôi tin rằng chúng ta có thể làm như vậy, tôi có niềm tin vì chúng ta đã từng làm như vậy. Tôi tin vì ĐCS Trung Quốc đang lặp lại nhiều sai lầm mà Liên Xô đã mắc phải. Vâng, có cả những khác biệt. Khác với Liên Xô, Trung Quốc đang hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc".
Tức là, ông Pompeo cho rằng, Liên Xô đã độc lập tự chủ về kinh tế và không phụ thuộc vào phương Tây, còn Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với họ và do đó dễ bị tổn thương và họ có thể càng gây áp lực lên Trung Quốc. Nhưng, ai sẽ gây áp lực? Hoa Kỳ? Họ đang cố gắng, nhưng trên thực tế không đạt được gì.
Ông Pompeo thừa nhận điều này khi nói rằng "Nước Mỹ không thể một mình đối mặt thử thách này. Liên Hợp Quốc, NATO, G7, G20 – nền kinh tế kết hợp, sức mạnh ngoại giao và quân sự của chúng ta chắc chắn sẽ đủ để vượt qua thách thức này nếu được chỉ dẫn đúng cách… Có thể đã tới lúc để thành lập một nhóm các nước có suy nghĩ giống nhau".
Nhưng, liệu có thể nói về G20 khi ngay cả châu Âu không thể bị Hoa Kỳ ép buộc tham gia đầy đủ vào áp lực đối với Trung Quốc? EU cần Trung Quốc thậm chí nhiều hơn Trung Quốc cần EU! Tại sao EU phải chống lại bóng ma "chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc"? Trung Quốc không chỉ trở thành một phần thiết yếu của thị trường toàn cầu, mà còn đang tích cực sử dụng các khẩu hiệu của Mỹ về bảo vệ toàn cầu hóa, thương mại thế giới và tự do đầu tư. Chỉ đơn giản là không thể ngăn chặn Trung Quốc mà không gây ra sự sụp đổ của thị trường thế giới và nền kinh tế thế giới - và các chiến lược gia Mỹ với đầu óc tỉnh táo đều hiểu điều này. Người ta chỉ có thể hy vọng vào những vấn đề nội bộ Trung Quốc, nhưng, Bắc Kinh đã học cách đối phó với chúng. Mặc dù Trung Quốc gắn bó chặt chẽ với thế giới bên ngoài, nhưng, nước này có một thị trường nội địa rộng lớn và có tiềm năng tự cung tự cấp lớn hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Đồng thời, Trung Quốc sẽ không từ bỏ chính sách mở rộng hoạt đông kinh tế đối ngoại để thúc đẩy lợi ích của mình trên thế giới. Về mặt này phải thừa nhận rằng, ông Pompeo đã nói rất đúng: "Trung Quốc đã bước vào biên giới của chúng ta". Và ở đây nói không chỉ về biên giới của phương Tây: hiện nay thế giới không còn phụ thuộc vào Mỹ, đang không còn là của phương Tây hoặc khối Đại Tây Dương, bình luận viên Pyotr Akopov kết luận. Thế giới sẽ không phụ thuộc vào Trung Quốc, trên thế giới sẽ không có bá chủ, cả cộng sản lẫn chống cộng. Nói chính xác hơn, sẽ không có những thế lực chống cộng đang cố gắng duy trì vị trí của họ bằng cuộc chiến ảo tưởng chống lại chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa toàn trị.