Quý tồi tệ nhất trong lịch sử
Trong ba tháng đầu năm 2020, GDP của Mỹ đã giảm 5%, chấm dứt giai đoạn 11 năm tăng trưởng kinh tế. Nguyên nhân do chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm tới 70% hoạt động kinh tế của Mỹ, đã giảm mạnh.
Do các biện pháp kiểm dịch, ngừng hoạt động kinh doanh và tỷ lệ mắc bệnh cao, các chuyên gia phân tích đã dự đoán trong quý II kinh tế sẽ giảm mạnh hơn nữa. Và những dự đoán tồi tệ nhất đã trở thành hiện thực.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, vào tháng Tư-tháng Sáu, GDP đã sụp đổ một phần ba, xóa sạch kết quả tăng trưởng kinh tế kể từ năm 2015. Trên thực tế, nền kinh tế quay trở lại mức tăng trưởng hơn 5 năm trước.
Đây là mức giảm sâu nhất được ghi nhận trong một quý. Trước đây, mức giảm hàng quý mạnh nhất đã được ghi nhận vào năm 1958 - 10%. Và mức giảm hằng năm sâu nhất được ghi nhận vào năm 1932 - 12,9%.
Đây là dữ liệu sơ bộ. Các số liệu thống kê sẽ được công bố vào ngày 27 tháng 8.
"Các biện pháp hạn chế di chuyển được áp dụng vào tháng 3 và tháng 4 đã bị hủy bỏ một phần ở một số vùng trong nước vào tháng 5 và tháng 6, các hộ gia đình và cơ cấu thương mại đã nhận được sự hỗ trợ của nhà nước. Nhưng, các doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục làm việc từ xa, và người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu", - báo cáo cho biết.
Cơn suy thoái sâu sắc nhất
Vào tháng Tư, các ngân hàng đầu tư lớn nhất Goldman Sachs và JP Morgan đã cảnh báo về cuộc suy thoái sắp xảy ra. Bây giờ các số liệu chính thức cho thấy rõ, sự suy giảm trong hai quý liên tiếp - đây là cơn suy thoái sâu nhất.
Làn sóng phá sản dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt - lên tới 14,7%. Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ, 17 triệu người tại Mỹ phải nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Ngay cả cuộc Đại suy thoái cũng như các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đó như cuộc khủng hoảng tài chính kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 cũng không gây ra sự suy giảm mạnh như vậy trong một khoảng thời gian quá ngắn.
Quá trình hồi phục kinh tế sẽ rất chậm
Nhà Trắng nhấn mạnh rằng, nền kinh tế đã bước vào cuộc khủng hoảng trong tình trạng tốt hơn so với 12 năm trước. Ví dụ, gánh nặng nợ của các hộ gia đình trước đại dịch COVID-19 là thấp hơn so với thời điểm trước cuộc khủng hoảng năm 2008. Và các biện pháp hỗ trợ của chính phủ liên bang sẽ giúp phục hồi nền kinh tế. Kể từ tháng 3, Mỹ đã bơm vào thị trường khoảng 6 nghìn tỷ đô la.
Đồng thời, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính mức giảm không phải là 33%, mà là 37%. Mà vẫn chưa thấy quá trình phục hồi được dự kiến phải xảy ra vào quý III.
"Do số người bị nhiễm gia tăng, nền kinh tế đã bị đình trệ trong vài tuần bởi vì người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu và không đi du lịch trong bối cảnh làn sóng sa thải tăng lên mức cao", - Bloomberg nhận định.
"Điều này thật tồi tệ, - chuyên gia kinh tế trưởng của IHS Markit, ông Nariman Behravesh nói. - Chúng tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy".
"Báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy độ sâu và độ tối của chiếc hố mà nền kinh tế đã rơi vào trong quý II", - Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics nhận định. Mỹ sẽ thoát khỏi đó, nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian.
Như các chuyên gia của Ngân hàng Julius Baer Group (Thụy Sĩ) chỉ ra, việc cắt giảm nhân lực vẫn tiếp tục, và người Mỹ sẽ phải đối mặt với sự gia tăng thất nghiệp do tái cấu trúc các công ty và làn sóng phá sản sắp ập đến.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đưa ra dự báo rằng, vào cuối năm nay, nền kinh tế Mỹ sẽ giảm 6,6%. Ngoài các rủi ro "coronavirus", còn có các rủi ro cơ bản, cũng như những hành động của cơ quan quản lý. Trước hết, đây là những khoản nợ lớn của chính phủ và doanh nghiệp, cộng với triển vọng lạm phát thấp hoặc thậm chí âm trong một thời gian dài do Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức hiện tại gần bằng 0.
Trong vài năm tới, một phần đáng kể dân số Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với những khó khăn kinh tế lớn làm suy giảm chất lượng cuộc sống, IMF cảnh báo.