Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, Tổng thống Philippines ban hành chỉ thị này để tránh leo thang căng thẳng trong tuyến hàng hải đầy xung đột và đảm bảo an toàn cho lực lượng hải quân quốc gia trong trường hợp xảy ra đụng độ trong khu vực, Inquirer cho biết.
Tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 3/8 ở thủ đô Manila, Bộ trưởng Delfin nhấn mạnh:
"Tổng thống Rodrigo Duterte ra lệnh không tham gia các cuộc tập trận ở Biển Đông ngoại trừ vùng biển cách bờ biển Philippines 20km."
«Chúng ta không thể tiến hành tập trận cùng với họ ở Biển Đông», - ông Lorenzana nói.
«Nếu hành động của một nước bị xem là thù địch, thì theo quy luật, căng thẳng sẽ có xu hướng leo thang, vì thế tôi hy vọng rằng tất cả các bên tham gia những cuộc tập trận này sẽ hành động thận trọng và cân nhắc tại đó, để không phát sinh những tính toán sai lầm dẫn đến gia tăng căng thẳng nhiều hơn», - ông nói.
Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông
Hồi cuối tháng 7, ông Duterte từng cho rằng sẽ phải có chiến tranh trên biển với Trung Quốc nhưng ông sẽ không phải là người phát động. Ông Duterte khẳng định trước Quốc hội Philippines ngày 27-7: "Chúng ta sẽ phải chiến. Nhưng tôi không kham nổi chuyện đó. Có lẽ một số tổng thống khác sẽ làm được, nhưng tôi thì không đủ khả năng".
Tổng thống Duterte cho rằng Philippines không đủ khả năng chiến đấu với Trung Quốc, do vậy, vấn đề trên sẽ phải được xử lý bằng "nỗ lực ngoại giao", cho dù chiến thắng trong vụ kiện năm 2016 (Tòa trọng tài năm đó đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về đường chín đoạn trên Biển Đông).
Bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Duterte, Cựu Phó thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, ông Antonio Carpio cho rằng, Tổng thống không nên công nhận là Trung Quốc đang sở hữu vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở Biển Tây Philippines. Carpio, thành viên Tòa trọng tài Biển Đông nhấn mạnh, các quốc gia Mỹ, Anh, Pháp, Australia, Nhật Bản và Canada thường xuyên đi qua vùng Biển Tây Philippines, là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh không sở hữu khu vực biển này.
Ông Carpio cũng chỉ ra rằng Việt Nam, Malaysia và Indonesia đang khẳng định chủ quyền với các vùng lãnh hải của họ, chống lại yêu sách của Trung Quốc mà không cần tham gia bất kì cuộc chiến tranh nào.
"Một quốc gia không cần phải tham chiến để khẳng định quyền chủ quyền của mình. Có những biện pháp hợp pháp và hòa bình để khẳng định quyền chủ quyền của mình", ông Carpio khẳng định.
Gần đây, sau khi Mỹ đưa ra tuyên bố khẳng định các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là "bất hợp pháp", Mỹ và nước đồng minh Australia thường xuyên tiến hành tập trận chung trên Biển Đông theo chính sách mới nhất về các tranh chấp trên biển. Chỉ huy quốc phòng Philippines kêu gọi các bên trong cần cẩn trọng để không gia tăng thêm căng thẳng trong khu vực này.