Cụ thể, 9 thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia đồng ý chưa tăng lương tối thiểu năm 2021, trong khi đó, 4 đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không bỏ phiếu điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021.
Việc 4 đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xin không tham gia bỏ phiếu là một diễn biến bất ngờ. Lý do đưa ra là phương án tiếp tục giữ mức lương tối thiểu vùng theo tháng 5/2020 đến hết năm 2021 “chưa đáp ứng được nguyện vọng của người lao động”.
Chưa tăng lương tối thiểu vùng năm 2021
Sáng 5/8, tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lê Văn Thanh, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia.
Đây là phiên họp thứ hai nhằm bàn về phương án có tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 hay không.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, cho biết căn cứ cơ sở khoa học và thực tiễn, dữ liệu dự báo của Chính phủ và các chuyên gia, năm 2021 tình hình kinh tế trong nước sẽ tiếp tục khó khăn.
Doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, khó khăn cả nguyên liệu đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra khó trong tiêu thụ, nên ngoài ý kiến của đại diện người lao động thì hầu hết các ý kiến đều cho rằng chưa nên điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021.
Đáng chú ý tại cuộc họp. có 9/13 thành viên hội đồng tham gia bỏ phiếu, còn 4 thành viên thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không tham gia bỏ phiếu.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, đánh giá ý kiến của các bên, tình hình khó khăn về cơ bản đã được nhận diện. Với tình hình hiện nay, Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần tiến hành bỏ phiếu để có ý kiến, kiến nghị lên Chính phủ.
Theo đó, hai nội dung bỏ phiếu gồm có không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021 và chưa áp dụng việc tính lương tối thiểu theo giờ. Về việc bỏ phiếu, các bên có quyền được bỏ phiếu hoặc không bỏ là tuỳ theo quyền của mình.
Sau đó, Hội đồng Tiền lương đã tiến hành bỏ phiếu. Tuy nhiên, một diễn biến bất ngờ là 4 đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham dự cuộc họp hôm nay của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã từ chối bỏ phiếu và xin rút khỏi cuộc họp.
“Theo quy chế, các thành viên có quyền bỏ phiếu, việc các thành viên thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không bỏ phiếu là họ tự bỏ đi quyền của mình”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Sau đó, báo cáo trước Hội đồng sau khi kiểm phiếu, thành viên Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia Vi Thị Hồng Minh công bố kết quả cho biết, có 9/13 phiếu đồng ý không điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2021, mà tiếp tục thực hiện lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021.
Bên cạnh đó, Hội đồng tiền lương quốc gia cũng thống nhất chưa ban hành tiền lương tối thiểu theo giờ năm 2021 để đồng bộ với tiền lương tối thiểu theo tháng.
Chưa khắc phục được hậu quả của Covid-19 nên chưa tăng lương?
Phát biểu sau khi nghe các ý kiến, lập luận của các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phía doanh nghiệp, các cục, vụ, hiệp hội, Thứ trưởng Lê Thanh cho rằng năm 2021 sẽ không điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng theo tháng và cũng không điều chỉnh lương tối thiểu theo giờ. Thực tế các doanh nghiệp rất khó khăn, cần phải chia sẻ, chung tay.
“Tại phiên họp này, các bên đều thống nhất chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp trước đại dịch Covid gây ra. Trước hết, với doanh nghiệp ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, vật liệu, ảnh hưởng tới thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề. Khó khăn đó ảnh hưởng tới việc làm của người lao động”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, trước những khó khăn này, doanh nghiệp cố gắng vượt qua, trước hết là để duy trì việc làm, hỗ trợ người lao động nên người lao động cũng nên chia sẻ với doanh nghiệp.
“Chính phủ đã hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người lao động bằng các biện pháp giảm thuế phí, giảm đóng bảo hiểm, chúng tôi rất mong doanh nghiệp chia sẻ với người lao động để có cuộc sống tốt hơn”, đại diện Bộ LĐ-TB&XH nói.
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam cơ bản đã được khống chế vào đầu năm nhưng tháng 7 lại bùng phát trở lại ở một số địa phương. Chính phủ đang nỗ lực quyết liệt đưa ra các biện pháp khống chế, phòng chống dịch, kiểm soát và dập dịch trong thời gian sớm nhất.
Lý giải về việc lựa chọn phương án lương tối thiểu tại phiên họp thứ 2, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, thời gian đàm phán đã hết, trong Quý III, Hội đồng Tiền lương Quốc gia phải báo cáo Chính phủ phương án lương tối thiếu. Do đó, tại phiên họp này đã quyết định tiến hành bỏ phiếu.
Hiện khối cán bộ, công chức, viên chức nhà nước năm 2021 cũng sẽ không tăng lương cơ sở nên việc tăng lương tối thiểu năm 2021 cần hoãn lại, không thực hiện tăng lương tối thiểu vùng.
Theo ông Thanh, kết quả bỏ phiếu sẽ được báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Do thiếu 4 phiếu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nên sẽ tùy tình hình cũng như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thì Hội đồng có thể họp thêm phiên nữa để tiếp tục thương lượng, đi đến kết quả đồng thuận cao nhất.
“Sau cuộc họp này, các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải tiếp tục gặp nhau để làm sao tìm ra tiếng nói đồng thuận giữa chủ sử dụng lao động và và người lao động. Chúng tôi sẽ nghiên cứu nếu tình hình Covid-19 được đẩy lùi, chúng ta sẽ gặp nhau để thương lượng phương án lương tối thiểu 2021. Các ý kiến của của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ được đưa vào khuyến nghị với Chính phủ”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh bày tỏ.
Theo quy định, vùng I là 4,42 triệu đồng, vùng II là 3,92 triệu đồng, vùng III là 3,43 triệu và vùng IV là 3,07 triệu đồng.
Về phía doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng cho rằng, doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn vì Covid-19, do đó, mong người lao động đồng hành.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động nhận định, Covid-19 khiến nền kinh tế ảm đạm, cuối năm có thể thêm nhiều người thất nghiệp. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải tồn tại thì mới giữ được việc làm.
“Tăng lương là mong muốn chính đáng của người lao động, nhưng trong lúc này cũng cần chia sẻ với doanh nghiệp để vượt qua khủng hoảng. Đến năm 2021 nếu tình hình ổn định, có thể bàn tính lại phương án tăng”, ông Phạm Minh Huân cho biết.
Doanh nghiệp khó khăn nhưng người lao động cũng khổ
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện người lao động), đã phân tích và đưa 2 phương án điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2021.
Cụ thể, lương tối thiểu sẽ tăng bình quân 3,95% và áp dụng tăng từ 1/7/2021 và tăng bình quân 2,5%, áp dụng từ 1/1/2021.
Lý giải về việc 4 thành viên đại diện Tổng Liên đoàn Lao động không bỏ phiếu ủng hộ việc “chưa điều chỉnh lương”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh, chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong thời gian vừa qua và thời gian tới. Tuy nhiên qua các thông số đưa ra, nếu điều kiện khắc phục được thì bức tranh kinh tế sẽ hồi phục. Ví như sau đợt dịch đầu, có đến trên 82.000 người ở Hà Nội vào du lịch Đà Nẵng.
“Các cơ sở lưu trú chỉ cần sử dụng 65% công suất đã đảm bảo có lãi, các dịch vụ khác cũng sẽ phục hồi nhanh. Sức khỏe doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc thực hiện khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả Covid-19”, ông Quảng nêu rõ.
“Năm 2021, hội đồng sẽ thực hiện theo thành phần mới của Bộ Luật Lao động năm 2019. Việc xem xét tiền lương tối thiểu cũng áp dụng theo 7 tiêu chí của Bộ Luật Lao động năm 2019. Do đó, Hội đồng Tiền lương sẽ họp và xem xét có thể điều chỉnh hoặc không tăng vào quý 1, quý 2 năm 2021”, ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh.
Sau đó, ông Quảng phát biểu: “Xin phép Chủ tịch hội đồng là riêng thành viên hội đồng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa tham gia bỏ phiếu”.
Chốt lại, 4 thành viên Tổng liên đoàn không bỏ phiếu vì “phương án không đáp ứng được nguyện vọng của người lao động”.