Những «Hibakusha» già lão
Cảm tưởng khi tới Hiroshima đầy hồi hộp. Và không chỉ vì thành phố này nhắc nhớ về một thảm kịch khủng khiếp. Cho đến nay, tuổi trung bình của các Hibakusha (từ chỉ nạn nhân của bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki. «Hibakusha» trong tiếng Nhật nghĩa là «những người chịu ảnh hưởng của vụ nổ») – là 84 tuổi. Người ta cho rằng trên khắp đất nước Nhật Bản hiện còn lại khoảng 130.000 Hibakusha. Đồng thời, theo dữ liệu của hãng thông tấn Nhật Bản Kyodo, chỉ 19% số cụ già này còn khả năng tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của họ cho những người khác.
Đại dịch coronavirus đang làm tình hình trầm trọng thêm: phần lớn những người sống sót cho rằng coronavirus ngăn cản họ thúc đẩy ý tưởng loại bỏ vũ khí hạt nhân. Và rồi cứ mỗi năm trôi qua, các Hibakusha càng phai nhạt niềm tin rằng trong vấn đề này sẽ có tiến bộ.
Có thể làm gì để những con người đặc biệt này không bị lãng quên? Để sẽ không một ai khác nữa phải chịu cơn ác mộng vũ khí tàn nhẫn khủng khiếp?
«Cả sau trăm năm nữa chúng tôi vẫn bảo lưu sự thật về vụ này»
Điểm đến đầu tiên trong chương trình chuyến thăm Hiroshima là Viện Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình ở thành phố. Tại đó, ông Takuo Takigawa, tân Giám đốc Bảo tàng vừa được bổ nhiệm năm 2019 đích thân hướng dẫn các nhà báo nước ngoài trong cuộc tham quan. Ông kể chi tiết quá trình thay đổi của Bảo tàng kể từ năm ngoái sau đợt trùng tu quy mô nhất, lần thứ ba trong lịch sử tồn tại của cơ sở bảo tàng này.
«Sứ mệnh chính của chúng tôi là nói cho thế giới biết sự thật về vụ ném bom nguyên tử. Việc trùng tu được hoàn thành hồi năm ngoái là kết quả một thập kỷ lao động của các GS và giảng viên đại học, của chính các cụ Hibakusha và các chuyên gia Bảo tàng. Nhờ đó chúng tôi đã thu thập được rất nhiều ý kiến», - ông Takigawa giải thích.
Cuộc cải tổ đổi mới của Viện Bảo tàng thu hút nhiều chú ý lớn, chính vào năm 2019, lượng khách tham quan đã đạt 1,76 triệu người. Chỉ số này đã phá kỷ lục của năm 2016 (1,74 triệu người), khi ông Barack Obama là vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên đến thăm Hiroshima trong chuyến công du chính thức.
Sau khi cải tạo, không gian Bảo tàng được bổ sung số lượng lớn ảnh và vật dụng cá nhân của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ ném bom nguyên tử ở Hiroshima năm 1945. Xuất hiện cả một khu vực riêng dành cho người nước ngoài khi ấy hiện diện trong thành phố và cũng bị thiệt hại bởi đòn tấn công ác nghiệt. Ông Takigawa giải thích vì sao ở đây dứt khoát từ chối dùng các hiện vật nhân tạo:
«Khái niệm chính của đợt cải tạo là bảo tồn sự thật về những sự kiện của năm đó, thậm chí cả sau 100 năm nữa, khi các cụ Hibakusha sẽ không còn ở trên dương thế với chúng ta. Dành cho điều này, chúng tôi tuân theo hướng dẫn của chủ nghĩa tự nhiên. Chính bởi thế mà chúng tôi loại bỏ hình nộm mô tả các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử. Đã quyết định không trưng bày ở đây bất cứ thứ gì nhân tạo nữa».
Ngoài việc bổ sung các hiện vật triển lãm nổi tiếng như «Bóng người trên đá» và «Xe ba bánh của trẻ em», Bảo tàng đã thu thập được hơn 5.000 bức vẽ do các nhân chứng của những sự kiện khủng khiếp năm ấy tự tay thực hiện.
Lúc tham quan bức tường, trên đó còn dấu vết thực sự của «trận mưa đen» (nước mưa chứa hàm lượng chất phóng xạ cao, rơi xuống ngay sau đòn tấn công nguyên tử), ông Takigawa chia sẻ tin thời sự: ngày 29 tháng 7, Tòa án Hiroshima phán quyết rằng 84 người bị phơi nhiễm do bụi phóng xạ độc hại bên ngoài các khu vực đặc biệt, cuối cùng đã được Chính phủ Nhật Bản công nhận là các Hibakusha, và quyết định đó là thành tựu thực sự đầu tiên trong vấn đề này suốt trong 75 năm qua.
Từ năm ngoái, ông Takigawa đã đặt ra mục tiêu tập hợp thật nhiều video ghi câu chuyện của những người chứng kiến vụ ném bom nguyên tử. Đã lên kế hoạch mời 37 Hibakusha tham gia quay phim và việc thực hiện sáng kiến sẽ mất khoảng 2 năm. Tuy nhiên, đại dịch coronavirus quái ác đã tự nó đưa những sửa đổi vào kế hoạch này. Ông Takigawa lưu ý:
«Tôi nghĩ tất nhiên dịch bệnh coronavirus sẽ tác động phần nào đến toàn bộ quá trình. Nhưng chúng tôi dự định dù thế nào cũng thực hiện đến cùng bằng mọi cách. Ở đây có kiểu tác dụng ngược. Do tình hình với coronavirus, Bảo tàng đóng cửa trong 3 tháng, và khi đó chúng tôi quyết định bắt đầu trưng bày các bằng chứng-video của các Hibakusha quay được trên Internet. Chúng tôi hiểu ra rằng việc tiếp tục hoạt động trong hình thức online-trực tuyến của chúng tôi là rất quan trọng».
«Năm mà tôi muốn xóa khỏi ký ức»
Sau chuyến tham quan, là cuộc gặp cụ Teramoto Takashi, người đã sống sót một cách thần kỳ sau vụ ném bom nguyên tử năm 1945. Lúc bom nổ, cụ Teramoto đang ở nhà mình, cách tâm vụ nổ 1 km. Ở khoảng cách này so với điểm nổ bom, xác suất sống sót ước tính cao nhất là 50%. Nhiều người ở rất gần cụ Teramoto vào thời điểm ấy đã bị giết chết.
«Thời gian cuối Thế chiến II, người Mỹ ráo riết tấn công các thành phố chính của nước Nhật. Kể từ tháng 4 năm 1945, trẻ em tiểu học được đặc biệt đưa đi sơ tán để tránh các trận oanh tạc. Khi đó tôi là học sinh lớp 5 và được gửi đến sống cùng các bạn trong lớp tại một ngôi chùa trên núi. Thỉnh thoảng chúng tôi cố gắng trốn ra vì rất nhớ nhà và chẳng có gì để ăn. Nhưng mọi người đưa chúng tôi trở lại. Mẹ đến thăm vào ngày 4 tháng 8 để đưa tôi gặp bác sĩ. Ban đầu chúng tôi dự định về nhà vào ngày 6 tháng 8, nhưng tôi nóng lòng muốn mau chóng về thật sớm nên mặc dù mẹ rất mệt mỏi, tôi cứ năn nỉ xin bà về ngay trong ngày. Giả sử trở lại vào ngày 6 thì chắc chúng tôi đã tránh được vụ bom nguyên tử. Cho đến nay tôi vẫn rất ân hận. Bởi khi đó mẹ tôi vẫn còn sống.
Buổi sáng ngày 6 tháng 8, tôi đang ở nhà, ngồi viết thư cho cậu bạn đang ở trại trẻ sơ tán. Rồi đột nhiên thấy tia sáng lóe lên. Trong phút chốc mọi thứ lập tức bị bóng tối bao phủ. Tôi hiểu xảy ra chuyện gì. Trên đường phố, tôi gặp bác gái hàng xóm mà bác không nhận ra tôi, vì hóa ra tôi bị thương ở đầu, mặt bê bết máu. Tôi hoảng hốt cố tìm mẹ, nhưng bác gái thuyết phục rằng mọi người sẽ cứu mẹ, rằng chúng tôi cần phải chạy thật nhanh.
Khi đang chạy, tôi nhìn thấy một người phụ nữ bị vùi đến cổ dưới đống đổ nát. Cho đến giờ tôi vẫn không thể quên được đôi mắt điên dại của bà, đảo láo liên từ bên này sang bên kia. Lửa cháy lan rất nhanh. Tôi sợ rằng khi đó bà ấy đã chết.
Dọc đường, chúng tôi dừng lại ở Yokogawa, có rất nhiều người bị thương nặng. Nhưng không hề có thuốc men gì, mà cũng không có dụng cụ y tế. Người ta chỉ đơn giản quấn chiếc áo trắng lên đầu tôi. Và tôi nhìn thấy một người bạn từng cùng chơi trong sân. Cậu ấy bị bỏng nặng và bước đi với hai cánh tay dang thẳng ra phía trước mặt. Trông giống như là có chùm áo quần treo trên cánh tay cậu ấy. Nhưng chỉ lúc đến gần tôi mới nhận ra rằng đó là những mảnh da của bạn. Sau đó, tôi nhận tin cậu bạn đã qua đời vài ngày sau. Bác gái hàng xóm cứu tôi cũng đã chết sau chừng 2-3 tháng. Số phận tương tự xảy ra với nhiều người khác lúc đó tập trung ở Yokogawa.
Rồi tôi chuyển đến sống với dì trong làng, được chăm sóc rất chu đáo. Cha tôi nói rằng mẹ được cứu sống, vì vậy tôi rất mong được gặp lại mẹ khi mẹ bình phục. Nhưng cuộc gặp được chờ đợi đến thế đã không bao giờ diễn ra. Bởi qua mỗi ngày mẹ tôi càng yếu đi và bà mất vào ngày 15 tháng 8.
Cuối tháng 8, tôi phát hiện thấy mình bị rụng tóc. Toàn thân đau nhức, tôi không làm được gì, chỉ nằm bệt trên giường nhiều ngày liền. Trong giấc ngủ chập chờn, tôi nghe mọi người nói: «Những người đối mặt với bom nguyên tử bỗng nhiên bắt đầu rụng tóc, xuất huyết lợi và trên cơ thể xuất hiện những đốm tím bầm rồi lần lượt tử vong. Hy vọng là đứa trẻ này sẽ thoát được cửa tử».
Nhưng tôi đã sống sót. Một năm sau, tháng 4 năm 1946, tôi trở lại trường, học lại lớp Năm. Nhưng tôi không bao giờ quên được năm 1945 đó. Cho đến tận ngày nay tôi vẫn đau lòng vì đã làm mẹ tôi lo lắng và mẹ phải trải qua cái chết tàn nhẫn như vậy. Những suy nghĩ và cảm xúc khác nhau đã là gánh nặng tôi mang trong suốt cuộc đời sau này của mình», - cụ Teramoto chia sẻ câu chuyện của bản thân và gia đình.
«Người ta thường hỏi tôi có ghét Mỹ không. Mẹ tôi cũng như những người bạn vui chơi cùng tôi đã bị giết chết. Bởi họ chết vì bom nguyên tử, tôi không thể nói rằng «trong lòng tôi không vương chút hận thù». Thực sự là rất căm ghét. Tuy nhiên, nhiều năm qua đi, tôi có con, rồi có các cháu, và tôi không còn cảm thấy hận thù hay tức giận nữa. Tất cả những gì tôi muốn nói là đừng để điều đó tái diễn, không được để xảy ra sự tàn nhẫn như vậy nữa. Đó là mong muốn chân thành của tôi. Khi tôi chia sẻ với các bạn kinh nghiệm của mình như thế này, tôi không cảm thấy hận thù, tôi chỉ muốn kể sự thật về những sự kiện không nên lãng quên, để cái ác đó không bao giờ lặp lại. Điều quan trọng nhất là mọi người nên sống hòa thuận với nhau, cảm nhận được sợi dây gắn kết họ và giúp đỡ lẫn nhau».
«Hãy giành lấy và trân trọng hoà bình»
Cùng với cụ ông Teramoto, còn một người nữa là thừa kế di sản bom nguyên tử (a-bomb legacy successor) cũng đến dự cuộc họp, đó là bà Okamoto Toshiko. Tuy không xuất thân ở Hiroshima, nhưng bà Okamoto đặc biệt đến từ Tokyo để góp phần vào việc lưu giữ ký ức của các nạn nhân bom nguyên tử và đã sống ở đây gần 30 năm nay.
«Lần đầu đến Hiroshima, tôi đã tự hỏi sẽ thế nào nếu sống sót sau vụ ném bom nguyên tử. Con người-Hibakusha sau đó sống ra sao? Tôi suy nghĩ và muốn biết tất cả về những điều đó - vì vậy tôi tham gia chương trình của những người kế thừa di sản vụ bom nguyên tử.
Có phải là chiến tranh đã qua rồi? Sẽ không bao giờ xảy ra chiến tranh nữa chăng? Sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nữa? Những câu hỏi như vậy khiến tôi lo âu suốt quá trình học trong chương trình này. Và phải nói rằng, tôi không biết câu trả lời chắc chắn. Nhưng tôi biết rằng chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều bằng cách nghiên cứu quá khứ. Và đó là điều quan trọng nhất. Nhờ chương trình này, tôi đã hiểu ra rằng từ phần mình có thể làm được gì. Đó là trò chuyện với mọi người. Cố gắng hết sức để mọi người cùng hiểu chủ đề hòa bình ngày nay quan trọng như thế nào».
Hiện tại chương trình của những người kế thừa di sản của vụ ném bom nguyên tử đã tạm ngưng do dịch bệnh coronavirus. Nhưng bà Okamoto mong đợi rằng ngay tới đây Bảo tàng sẽ sớm triển khai các cuộc gặp trực tuyến-online để nối tiếp hoạt động.
«Mỗi Hibakusha đều có điều gì đó để chúng ta học tập. Một cụ từng nói với tôi: «Bây giờ các vị đang sống trong hoà bình ư? Hoà bình là thứ chạy khỏi rất nhanh. Hãy nắm bắt, hãy giành lấy hoà bình đúng cách và sau đó trân trọng giữ nó trong tay mình». Tôi nghĩ rằng những lời như vậy chỉ có thể là của một Hibakusha, người đã sống trước, trong và sau chiến tranh».
«Từ đây có thể mang cả «thế giới hoà bình» theo bên mình»
Kết thúc chuyến đi, nhà báo của Sputnik đã trò chuyện với hai sinh viên trẻ là tình nguyện viên của phong trào «Hoà bình Hiroshima». Cuộc đàm đạo diễn ra tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình, gần Genbaku Dome (Đài tưởng niệm Hòa bình).
Hoạt động của các tình nguyện viên «Hoà bình Hiroshima» bắt đầu cách đây chưa lâu, hồi tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, đến tháng 2 năm nay, các tình nguyện viên trẻ đã thực hiện được chuyến tham quan dành cho 232 du khách nước ngoài từ hơn 40 quốc gia và khu vực.
Tại sao các thanh niên ở Hiroshima lại làm công việc tình nguyện này - là một trong những câu hỏi thường gặp nhất với các bạn trẻ. Anh Ikeda Fuuda (sinh viên năm II ĐHTH Hiroshima) luôn muốn thử sức mình trong vai trò hướng dẫn viên, dùng tiếng Anh kể cho mọi người về lịch sử quá khứ và hiện tại của thành phố quê hương.
Còn anh Nomura Mikaeru Kai (sinh viên năm III ĐHTH Hiroshima) lớn lên ở Philippines và đã sống ở đó gần 18 năm. Mẹ anh là người Nhật và anh quyết định theo học tại một trường đại học Nhật Bản. Trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik về chuyện có thể mang theo gì từ Hiroshima, anh Nomura Mikaeru Kai cho biết như sau:
«Tôi nghĩ, từ nơi này rời đi, ta có thể mang cả nền hoà bình theo mình. Đó không chỉ thuần tuý là không có chiến tranh hay loại bỏ vũ khí hạt nhân. Hoà bình hàm chứa trong những điều giản đơn. Ví dụ, bạn và tôi có những nền tảng văn hóa khác nhau, chúng ta đến từ những châu lục khác nhau của Trái đất, nhưng chúng ta có cơ may giao lưu, thảo luận, cố gắng tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau. Và thực tế là chúng ta đã có thể làm điều đó cho thấy rằng chúng tôi đã đạt được «hòa bình» cùng với bạn, chí ít là trong một nghĩa nhỏ hẹp như vậy. Tôi nghĩ đây thực sự là tài sản hành trang quý báu mà ta có thể mang theo mình và truyền lại cho người khác».
Lời khuyên này của anh bạn trẻ nhắc nhớ đến mấy câu của cụ bà Hibakusha Keiko Ogura phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến-online, vài ngày trước chuyến đi:
«Khi bạn ở Hiroshima, đừng chỉ nói về việc khoảng thời gian đó là khủng khiếp như thế nào, mà hãy nhìn xem Hiroshima bây giờ tươi đẹp ra sao. Chúng tôi muốn các bạn được thấy một Hiroshima tái sinh. Hãy thử hình dung nhé, đường xe điện của chúng tôi đã tiếp nối công việc chỉ 3 ngày sau vụ ném bom. Chúng tôi hoàn toàn không có gì để ăn, nhưng tất cả đều làm việc không ngơi tay. Sau 5 năm, chúng tôi đã thành lập đội bóng chày với tên gọi là Hiroshima Karp. Dù có trải qua những khoảng thời gian khủng khiếp đến thế, chúng tôi vẫn luôn đứng vững, nếu vẫn giữ được niềm hy vọng. Chúng tôi biết làm thế nào để hồi sinh. Vì vậy, xin hãy ngắm nhìn Hiroshima và ngạc nhiên về vẻ đẹp của thành phố này, tin rằng mọi thứ đều có thể, chỉ cần nỗ lực».
Do hậu quả của vụ ném bom năm 1945, cộng đồng cư dân của Hiroshima lúc đó khoảng 350.000 người chỉ trong khoảnh khắc đã mất khoảng 140.000 người. Bây giờ thành phố này là nơi sinh sống của 1 triệu 990 nghìn dân.