Giá vàng tăng kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lên tiếng

© Ảnh : Danh Lam - TTXVNGiao dịch vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín- Minh Châu.
Giao dịch vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín- Minh Châu. - Sputnik Việt Nam
Đăng ký
Giá vàng trong nước và thế giới đang “nhảy múa”, mức giá vàng tăng kỷ lục, dự trữ vàng cũng gia tăng, Ngân Hàng Nhà nước nói gì trước nhận định giá vàng có thể lên đến 85 triệu đồng/lượng?

Về vấn đề giá vàng, Ngân hàng Nhà nước cho hay, giá vàng tăng do biến động của giá vàng thế giới. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng, đồng thời sẽ có giải pháp cụ thể, đủ nguồn lực để bình ổn thị trường vàng.

Ngân hàng Nhà nước nói gì trước nhận định giá vàng sẽ lên đến 85 triệu/lượng?

Sáng 7/8, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho TPO biết, vàng đang diễn biến rất khó đoán. Nếu giá vàng biến động, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp và bình ổn.

Vàng - Sputnik Việt Nam
Giá vàng lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá 2000 USD/ounce

Theo ông Minh, ngày hôm qua giá vàng SJC tăng mạnh lên mốc 62 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giảm xuống còn 61,4 triệu đồng/lượng khi chốt phiên giao dịch. Đến sáng nay ngày 7/8, giá vàng tiếp tục hạ nhưng ngay sau mốc  9 giờ sáng, vàng bật tăng 62,2 triệu đồng/lượng. Trong cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 2.067 USD/ounce. Giá vàng trong nước cao hơn thế giới khoảng hơn 4 triệu đồng/lượng.

“Việc chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới bởi doanh nghiệp hạn chế rủi ro cũng là điều dễ hiểu”, ông Minh nói.

Ông Minh cho rằng, giá vàng thế giới trong thời gian tới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới.

Thỏi vàng - Sputnik Việt Nam
Đằng sau việc giá vàng tăng kỷ lục

Tuy nhiên, người dân không nên tin vào thông tin vàng trong nước có thể lên đến 85 triệu đồng/lượng, vì đây là đánh giá của những người đầu cơ, kinh doanh vàng.

Theo ông, dù giá vàng SJC tăng mạnh lập kỷ lục mới nhưng nhu cầu trên thị trường không có sự đột biến. Tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp lớn trên địa bàn, doanh số giao dịch vàng miếng không gia tăng mạnh.

"Trong tháng 7, doanh số mua bán vàng miếng trên thị trường TP HCM thậm chí còn giảm 2% so với tháng trước, giảm 23% so với cùng kỳ. Chưa phát hiện tình trạng làm giá vàng, nguồn cung vàng không thiếu. Khoảng 2 tuần nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đã hỗ trợ Công ty SJC liên tục gia công vàng móp méo để có đủ nguồn hàng hỗ trợ thị trường", - ông Minh cho hay.

Đối với những biến động giá vàng 2 hôm nay, ông Minh cho biết đã yêu cầu các ngân hàng, điểm kinh doanh vàng miếng phải đủ vàng, đủ tiền để người dân mua bán để không có tình trạng ùn ứ.

“Ngân hàng Nhà nước định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu thấy diễn biến bất thường sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn”, ông Minh nói.

Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp như thế nào vào thị trường vàng?

Trong bối cảnh giá vàng biến động mạnh thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường. Trong trường hợp có diễn biến bất thường, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.

Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp thị trường vàng như thế nào?

Giải pháp đầu tiên nhiều khả năng sẽ là xuất vàng từ quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia để tăng cung vàng nhằm mục đích hạ nhiệt giá vàng trong nước. Nhưng liệu Ngân hàng Nhà nước có thể xuất được bao nhiêu vàng từ nguồn này để bình ổn thị trường?

Vàng - Sputnik Việt Nam
Giá vàng Việt Nam và thế giới lên ‘cơn điên’: Nên mua vào hay bán ra?

Trước hết, cần xem Ngân hàng Nhà nước có khoảng bao nhiêu vàng trong dự trữ ngoại hối. Theo TS. Phan Minh Ngọc dẫn số liệu từ CEIC, đến tháng 5/2020, Ngân hàng Nhà nước có 560 triệu USD giá trị vàng nằm trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình. Con số này tăng khoảng 100 triệu USD so với hồi tháng 6/2019.

Căn cứ trên giá vàng quốc tế tính theo USD/ounce vào ngày giao dịch cuối mỗi tháng, có thể tính được khối lượng ounce vàng mà Ngân hàng Nhà nước đang nắm giữ trong quỹ ngoại hối của mình. Đến tháng 5/2020 thì lượng vàng này là 323,5 nghìn lượng. Quy đổi ra kg thì lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước có trong tay tính đến tháng 5/2020 là hơn 9 tấn một chút.

Trong suốt một năm qua, lượng vàng này khá ổn định, quanh quẩn ở mức 9,1-9,2 tấn. Điều này cho thấy khối lượng vàng vật chất trong dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước không tăng, giá trị vàng nắm giữ tăng lên chủ yếu là nhờ giá vàng thế giới tăng.

Sự ổn định tương đối về lượng này còn được thể hiện ở tỷ trọng giá trị vàng nắm giữ trên tổng giá trị dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, quanh quẩn trong khoảng 0,61% đến 0,75%.

Như vậy, về nguyên tắc, đương nhiên là Ngân hàng Nhà nước có thể xuất toàn bộ số vàng đang có trong tay, tức khoảng hơn 300 nghìn lượng hay 9 tấn vàng.

Vàng thoi - Sputnik Việt Nam
Vàng từ vũ trụ: Giá có thể giảm 80%, chuyên gia đánh giá

Tuy nhiên cần lưu ý rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới thường duy trì một tỷ lệ nhất định của từng loại tài sản có trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình, gồm các loại ngoại tệ mạnh, Quyền rút vốn đặc biệt từ IMF, vàng, và một số loại tài sản khác (trong từng thời kỳ). Điều này một phần là để đa dạng hóa danh mục tài sản cũng như tính đến biến động rủi ro của từng loại tài sản trong từng thời kỳ.

Có vẻ như Ngân hàng Nhà nước đang duy trì một tỷ trọng vàng trên tổng dự trữ ngoại hối tương đối thấp và ổn định (0,61%-0,75%) trong suốt một năm qua tính đến tháng 5/2020.

Do đó, nếu giả sử Ngân hàng Nhà nước muốn xuất vàng trong kho dự trữ để can thiệp thì lập tức tỷ lệ nắm giữ vàng sẽ sụt xuống thấp hơn mức mục tiêu mà họ đặt ra.

Điều này buộc Ngân hàng Nhà nước nếu có muốn xuất vàng thì cũng chỉ có thể xuất ở một mức độ rất nhỏ, chỉ khoảng 0,14% của dự trữ ngoại hối, tương đương 1,9 tấn vàng. Lúc đó, tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối sẽ tụt xuống đến mức thấp nhất có được trong 1 năm qua là 0,61% mà ở đây ta cứ tạm cho là mức an toàn tối thiểu về vàng Ngân hàng Nhà nước cần nắm giữ.

Như vậy, có thể thấy dù có muốn can thiệp bằng cách dùng vàng trong quỹ dự trữ ngoại hối của mình thì Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ có thể can thiệp với một nguồn lực không đáng kể so với nhu cầu nắm giữ của dân chúng khi trong nước lên cơn sốt vàng.

Cách thứ hai để Ngân hàng Nhà nước can thiệp vào thị trường vàng trong nước tất nhiên sẽ là dùng USD hiện có trong quỹ dự trữ ngoại hối để nhập vàng từ thị trường quốc tế.

Nhưng cách này sẽ làm hao hụt dự trữ ngoại hối, vốn là một điều khá nhạy cảm, có thể thấy được trong những thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước phải cân nhắc có can thiệp ổn định tỷ giá USD/VND hay không. Bên cạnh đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tuy đã tăng mạnh về giá trị nhưng thực ra cũng chỉ tương đương với hơn 3 tháng nhập khẩu là mức khuyến cáo tối thiểu cần duy trì.

Sự cần thiết phải dùng USD trong quỹ dự trữ ngoại hối để can thiệp vào thị trường vàng trong nước càng phải được cân nhắc hơn khi rủi ro về tỷ giá VND vẫn còn nguyên đó, dù đã phần nào lắng dịu trong thời gian hiện tại nhờ xuất siêu và sự yếu đi của USD trên thị trường tiền tệ quốc tế. Nếu không may mà cùng một lúc Ngân hàng Nhà nước phải xuất USD để bình ổn cả hai thị trường (vàng và ngoại tệ) cùng một lúc thì rõ ràng đây không phải là kịch bản được mong chờ.

Vàng thoi - Sputnik Việt Nam
Giá vàng đạt đỉnh tối đa trong 8 năm qua

Ngoài ra, còn một cách can thiệp vào thị trường vàng khác là Ngân hàng Nhà nước để cho doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu vàng nhiều hơn. Nhưng cách này tuy có giúp Ngân hàng Nhà nước tránh được việc phải trực tiếp dùng nguồn lực vàng, USD của mình để can thiệp thị trường vàng trong nước, nó vẫn gián tiếp làm căng thẳng thị trường ngoại hối trong nước khi doanh nghiệp phải mua gom USD để nhập vàng.

Để tránh tác động không mong muốn này thì vàng trong nước cần được để cho xuất ngược ra thị trường thế giới, thu về USD bù đắp sự tụt giảm cung USD trong nước. Thời điểm xuất ngược vàng này có thể diễn ra khi khi giá vàng trong nước đã dịu xuống, không còn chênh lệch lớn so với thế giới. Khi đó, doanh nghiệp nhập khẩu vàng trước đó đã thu lãi từ bán vàng trong nước với giá cao, nay sẽ mua lại vàng với giá thấp hơn để bán ra thị trường thế giợi, thu về USD (và đổi ra VND nếu muốn).

Hoặc khi thị trường ngoại hối trong nước nóng lên, giá USD tăng, doanh nghiệp kinh doanh vàng lúc này có thể thu gom vàng trong nước xuất ra thế giới để thu USD về bán lại trong nước với giá tăng lên, do đó sẽ bù đắp cho việc nếu có phải mua vàng trong nước với giá cao.

Cả hai động thái mua gom vàng trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài để thu về USD nhằm ổn định thị trường ngoại hối trong nước như nói trên đều đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải thay đổi một loạt chính sách chủ chốt về quản lý ngoại hối và vàng của họ như hiện nay, gồm tự do hóa kinh doanh và lưu chuyển ngoại tệ và vàng (trong và ngoài nước).

Đây là điều mà trong thời gian ít nhất vài năm nữa sẽ khó mà xảy ra. Như vậy, đồng nghĩa với đó là khả năng can thiệp vào thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước sẽ càng hạn hẹp hơn nữa.

Có nên mua vàng đầu tư?

Giá vàng hiện đang phá vỡ mọi kỷ lục. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, ngân hàng, hiện nay, giá vàng Việt Nam thậm chí còn có thể cao hơn giá vàng thế giới. Tuy nhiên, đây là hiện tượng bình thường vì từ trước tới nay, nhiều thời điểm xảy ra hiện tượng tương tự và còn có thể đảo chiều.

Nhiều người thắc mắc mua vàng cầu may vào ngày vía Thần Tài sau có nên bán hay không? - Sputnik Việt Nam
Giá vàng hôm nay 5/9: USD tăng vọt, vàng tiếp tục giảm mạnh

Giải thích vì sao giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, nhiều chuyên gia gia nhận định, vì thị trường vàng của Việt Nam không liên thông với thị trường vàng thế giới.

Cụ thể là, hiện nay, cơ quan nhập khẩu vàng duy nhất là Ngân hàng Nhà nước, do đó nguồn cung thế giới và trong nước không liên thông, có thời điểm cung không đáp ứng được nhu cầu thị trường nên giá vàng lên cao cũng là điều dễ hiểu.

Thêm vào đó, thị trường vàng Việt Nam mang tính đầu cơ rất mạnh, chỉ cần có thông tin, hay thậm chí lời đồn thổi là có thể đổ vào mua vàng rất nhanh chóng. Về lâu dài, giá vàng thế giới là cơ sở để thị trường vàng trong nước điều chỉnh.

Nêu quan điểm về việc có nên đầu tư vàng hay không, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tại thời điểm giá vàng trong nước và thế giới cách nhau khoảng 2-3 triệu đồng/lượng là “mức rủi ro cao”.

Các chuyên gia nhận định, về dài hạn, giá vàng trong nước sẽ đi theo giá vàng thế giới, với mức chênh lệch cao hơn nhiều sẽ có sự điều chỉnh xuống để cùng nhịp tăng với giá vàng thế giới.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, điểm thứ hai cần lưu ý là chênh lệch giữa giá mua và giá bán trong nước, nếu giá mua chênh giá bán từ 1 triệu đồng trở lên là rủi ro cao, còn đã lên đến mức 3 triệu đồng là “rất cao”.

“Người kinh doanh vàng mua vào thấp bán ra cao, vì người kinh doanh vàng biết giá vàng sẽ có biến động và rủi ro sẽ đẩy về phía người dân mua vàng. Mua vàng như một loại tài sản để tích trữ thì nên vì về lâu dài giá vàng sẽ lên nhưng nếu “lướt sóng” đầu tư theo thời điểm thì bây giờ là thời điểm khá rủi ro”, TS.Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Thời gian tới, các chuyên gia cho rằng dự báo giá vàng thế giới có thể sẽ tiếp tục tăng.

Mối liên hệ giữa đại gia Vũ 'nhôm' và ông Nguyễn Xuân Anh - Sputnik Việt Nam
Đất "vàng" giá "bèo": Vì sao bàn tay Vũ "Nhôm" ghê gớm đến vậy?

Điển hình như vụ nổ ở thủ đô Beirut của Liban (Lebanon) cũng có tác động lớn đến thị trường vàng thế giới. Cùng với đó, hàng loạt lệ hụy liên quan đến khủng hoảng chính trị, kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ- Trung ngày càng leo thang mới là nguyên nhân địa chính trị lớn nhất.

Trong khi đó, vàng được coi là “nguồn dự trữ an toàn” kho có biến động, dịch bệnh và bất ổn địa chính trị, nên nhiều ngân hàng Trung ương, Nhà nước các quốc gia trên thế giới cũng tăng lượng mua vào.

Theo ý kiến một số chuyên gia, trong tất cả thị trường đầu tư hiện tại thì không kênh nào lợi nhuận bằng vàng. Trong 8 tháng năm 2020 giá vàng thế giới tăng lên trên 40%, trong khi thị trường bất động sản đi xuống khi ảnh hưởng của dịch bệnh, lãi suất tiền gửi ngân hàng ngày càng giảm, thị trường dầu và thị trường chứng khoán đều bất ổn nên nhà đầu tư đổ tiền vào vàng.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, người dân cần hết sức tỉnh táo, không nên tin vào lời đồn, đổ xô đi mua vàng dự trữ, đặc biệt là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hay giá mua vào bán ra quá lớn. Đó là còn chưa kể đến việc nhiều khả năng còn có những người đầu cơ, kinh doanh vàng gây ra tình trạng “sốt ảo”, cạnh tranh không lành mạnh.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала