Có người Trung Quốc còn nghi ngờ chất lượng những chiếc điện thoại Samsung ở Việt Nam. Tuy nhiên, họ quên mất rằng, theo chính đại diện Samsung, trung bình cứ hai smartphones bán ra trên thế giới thì có một chiếc sản xuất tại Việt Nam.
Thậm chí, đồng hồ Galaxy Watch, máy tính bảng Galaxy Tab và tai nghe Galaxy Buds cũng là hàng Made in Vietnam do Samsung Việt Nam sản xuất.
Bộ đôi Samsung Galaxy Note20 sản xuất tại Việt Nam?
Ngày 5/8, Samsung đã có buổi ra mắt 5 sản phẩm mới tại sự kiện trực tuyến Unpacked 2020. Điều thú vị nhất là trong số đó, bộ đôi flagship Note20 và Note20 Ultra đều được sản xuất ở Việt Nam.
Theo đó, nhà máy của Samsung tại Việt Nam sản xuất phần lớn điện thoại Galaxy Note20 và Note20 Ultra. Bên cạnh đó, Samsung Việt Nam còn sản xuất các sản phẩm chủ lực khác, như đồng hồ Galaxy Watch, máy tính bảng Galaxy Tab và tai nghe Galaxy Buds.
Trước đó vào năm 2018, Samsung từng đưa công nhân sản xuất Galaxy S9 tại Việt Nam sang Barcelona (Tây Ban Nha) để tham dự sự kiện Unpacked. Samsung bắt đầu sản xuất smartphone tại Việt Nam từ 2009. Hiện tập đoàn này có hai nhà máy đặt ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, một tại Khu Công nghệ cao TP.HCM chủ yếu sản xuất hàng điện tử tiêu dùng.
Tổng công suất của hai nhà máy sản xuất linh kiện và lắp ráp thiết bị di động lên đến khoảng 120 triệu điện thoại mỗi năm. Tổ chức Dữ liệu Quốc tế (IDG) ước tính, Samsung đã bán ra 296 triệu chiếc điện thoại trên toàn cầu trong năm 2019.
“Trung bình cứ hai smartphone bán ra trên thế giới thì có một chiếc sản xuất tại Việt Nam”, đại diện Samsung cho biết.
Việc chủ động rời Trung Quốc giúp Samsung ít bị tác động hơn bởi đại dịch Covid-19. Ngày 4/8, Samsung Electronics cũng công bố chấm dứt mảng sản xuất máy tính cá nhân tại Trung Quốc.
Theo tin từ Nikkei Asian Review trước đó, hãng điện tử Hàn Quốc đang dự tính chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
Note20 Ultra là sản phẩm điện thoại có màn hình lớn, cấu hình mạnh, nhắm đến đối tượng khách hàng muốn trải nghiệm các tác vụ mượt mà nhất trên smartphone. Trong khi đó, dòng Note20 dành cho người thích bút S Pen, thích những tính năng công việc trên dòng Note nhưng ở tốc độ xử lý đủ tốt, kích thước máy nhỏ.
Về màu sắc, Note20 Ultra có màu đồng, trong khi Note20 có màu xanh. Lưng máy cả 2 sản phẩm đều nhám để hạn chế bám vân tay và mồ hôi. Các phiên bản còn lại có thiết kế mặt lưng bóng.
Tốc độ phản hồi của bút S Pen cũng được nâng cao so với trước. Tốc độ phản hồi của bút trên Note20 Ultra là 9ms, tương đương tốc độ viết của bút thực tế. Tốc độ này trên Note20 là 26ms. Trước đó, tốc độ phản hồi bút S Pen của Note 10 là 42ms.
Camera trên Galaxy Note20 tập trung vào khả năng quay video. Note20 Ultra có thể quay video độ phân giải 8K, với chuẩn điện ảnh 21:9.
Camera của sản phẩm được tích hợp cảm biến laser mới, giúp việc nhận diện gương mặt và lấy nét được cải thiện hơn trước. Thử nghiệm cho thấy tốc độ lấy nét của camera này rất nhanh.
Camera chính trên Note20 Ultra có độ phân giải lên đến 108MP, hai camera còn lại có cùng độ phân giải 12MP. Trong khi đó, camera của Note20 thấp hơn, độ phân giải 64MP, hai camera còn lại cũng có độ phân giải 12MP. Cả Note20 và Note20 Ultra đều có camera selfie 12MP.
Kích thước màn hình Note20 Ultra là 6,9 inch - lớn nhất trong các dòng smartphone Samsung từ trước đến nay. Note20 nhỏ hơn một chút - 6,7 inch.
Với Note20 Ultra, Samsung còn cho ra phiên bản 5G, với cấu hình RAM 12GB, ROM 256GB. Bản 4G có cấu hình thấp hơn - 8GB/256GB. Galaxy Note20 có bộ nhớ 8GB/256GB.
Người Trung Quốc không tin Việt Nam sản xuất được Galaxy Note20
Nhiều người dùng tại Trung Quốc ngạc nhiên trước thông tin Galaxy Note20 được sản xuất tại Việt Nam.
Theo đó, vài ngày trước sự kiện Unpacked 2020, trên Weibo đã đăng nhiều thông tin rò rỉ về bộ đôi Samsung Galaxy Note20 và Note20 Ultra.
Đặc biệt, thông tin smartphone hàng đầu của Samsung được sản xuất ở Việt Nam trở thành tâm điểm bàn tán của các thành viên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc này.
“Samsung không còn sản xuất điện thoại ở Trung Quốc. Chúng ta phải chấp nhận thôi. Ngay cả nhà máy sản xuất máy tính xách tay cuối cùng cũng đã dời đi rồi”, VnExpress trích dẫn tài khoản Quiying bình luận.
“Tại sao không phải ở Trung Quốc? Thật đáng tiếc, nếu sản xuất ở Trung Quốc tôi sẽ ủng hộ ngay. Điện thoại trông rất đẹp, cấu hình cũng tất tốt, nhưng vì sản xuất ở Việt Nam nên tôi sẽ cân nhắc”, tài khoản Wuer viết.
Trong khi đó, trang công nghệ Lin Jiayu đưa ra câu hỏi: Samsung Galaxy Note20 Ultra sản xuất tại Việt Nam. Bạn sẽ mua chứ?. Đồng thời, chỉ trong hai ngày, bài viết đã thu hút hàng trăm lượt thảo luận. Nhiều người trong số đó hoài nghi, không tin Việt Nam có thể sản xuất được smartphone cao cấp.
“Lần đầu tiên tôi thấy một smartphone đầu bảng sản xuất ở Việt Nam. Khó mà tin được họ có thể lắp ráp được một thiết bị đắt tiền. Tôi nghi ngờ về chất lượng sản phẩm”, người dùng có tài khoản Hexinjie viết.
“Chẳng có gì lạ cả. Nếu đọc báo nước ngoài bạn sẽ biết Samsung có nhiều nhà máy lắp ráp lớn ở Việt Nam. Họ đã sản xuất điện thoại ở đây cả chục năm rồi”, một bình luận đáp.
Nhiều người dùng khác cho rằng việc điện thoại được sản xuất ở Việt Nam, Ấn Độ hay Trung Quốc không có gì khác biệt vì công nhân đều được đào tạo theo quy chuẩn và máy móc sẽ hỗ trợ những khâu quan trọng nhất.
Mặc dù vậy, nhóm bảo thủ vẫn cho rằng các quốc gia nhỏ khó có thể sản xuất được những sản phẩm tinh vi.
“Đó là một món hàng đắt tiền, đừng tranh cãi mà chưa tận tay trải nghiệm. Nếu thiết bị tốt thì nên mua, dù nó được sản xuất ở đâu chăng nữa”, tài khoản Zimo Yuge bình luận.
Việt Nam đã bắt kịp thế giới
Tiếp tục làn sóng quan điểm, bình luận trái chiều của người dùng mạng Trung Quốc liên quan đến việc bộ đôi Samsung Galaxy Note20 được sản xuất tại Việt Nam.
Nhiều người dùng khẳng định, trong một thế giới phẳng, chẳng có gì khó hiểu nếu Việt Nam làm được những điều Trung Quốc làm được.
“Chỉ những người ấu trĩ mới nói rằng “nếu không sản xuất ở Trung Quốc thì đừng bán sang Trung Quốc'. Nếu ai cũng nghĩ vậy thì các thương hiệu Trung Quốc làm sao bán được khắp thế giới”, tài khoản Dachuan bình luận.
“Việt Nam đang phát triển rất nhanh, nhiều nhà máy của các tập đoàn lớn đã rời về đây. Công ty nội địa của Việt Nam đã sản xuất được smartphone 5G. Họ đang bắt kịp thế giới rồi”, người dùng tên Zhang Xiaodian viết.
Bình luận của Zhang sau đó nhận được nhiều lượt thích. Một người khác trích lời Reuters vào bình luận và khẳng định, “phân nửa smartphone Samsung bán trên thế giới được sản xuất tại Việt Nam”.
Bên cạnh những tranh cãi về xuất xứ sản phẩm, người dùng Trung Quốc cũng có những góc nhìn trái chiều về 3 model Note mới.
Nhiều ý kiến cho rằng Galaxy Note20 và Note20 Ultra xứng đáng là smartphone Android cao cấp nhất. Trong khi đó, một số người tỏ ra thích thú với màu vàng đồng mới, số khác cho biết họ ấn tượng với tai nghe Galaxy Buds.
Tuy vậy, cũng có những người cho rằng ngoại hình của bộ đôi Note20 không có nhiều khác biệt. So với smartphone cao cấp của Trung Quốc, thiết bị trông nam tính và giá quá cao.
Việt Nam làm gì để cạnh tranh với các đối thủ đón làn sóng chuyển dịch đầu tư?
Những bình luận của người dùng Trung Quốc một lần nữa phản ánh vấn đề thực tế đối với nhiều quốc gia đang phát triển hiện nay như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, hay cả Ấn Độ, làm sao để có thể “thắng Trung Quốc” đón nhận làn sóng đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tham gia thành công chuỗi cung ứng toàn cầu và thành “công xưởng sản xuất hàng đầu” của thế giới.
Như đã đưa tin trước đó, trong một báo cáo mới đây của JLL khi phân tích về chính sách thu hút đầu tư trong “giai đoạn bình thường mới” đã nhận định, so sánh tương quan giữa Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đón làn sóng chuyển dịch đầu tư, Hà Nội có nhiều lợi thế nhưng không phải điểm đến hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.
Tổng giám đốc JLL Việt Nam Stephen Wyatt phân tích cụ thể rằng, hiện mức lương công nhân sản xuất tại Trung Quốc cao gấp ba lần Việt Nam, nhưng trình độ tay nghề của công nhân nước này cũng cao hơn.
“Lượng lao động công nghiệp di cư ở Trung Quốc thậm chí còn cao hơn dân số Việt Nam. Ngoài ra, một lượng lớn các ngành hàng sản xuất là để phục vụ thị trường nội địa Trung Quốc. Trong khi đó, không phải lĩnh vực sản xuất nào của Việt Nam cũng sẵn sàng đón nhận thời cơ. Chẳng hạn như công nghiệp hỗ trợ, ngành này được dự báo "đón nhận ít thông tin lạc quan từ thời cơ mới”, JLL đánh giá.
Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình chia sẻ cho rằng, Việt Nam hầu như không đáp ứng được các yêu cầu việc chuyển giao. Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia có lợi thế hơn hẳn.
Nguyên do của việc này là bởi, quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam rất nhỏ, trung bình dưới 200 lao động, dây chuyền, máy móc ít... nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời. Chỉ có số ít công ty có thể sản xuất cả cụm linh kiện. Trong khi đó, khách hàng chuyển từ Trung Quốc luôn cần sản lượng rất lớn, sản phẩm phải là cụm linh kiện hoàn chỉnh.
Muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi phải đầy đủ công đoạn, cần nhiều doanh nghiệp đảm trách các khâu. Việc chia nhỏ này cũng góp phần cạnh tranh về giá. Hiện tại, đối với nhiều hạng mục hoàn thiện, doanh nghiệp Việt Nam phải gửi sang Thái Lan, Trung Quốc gia công rồi gửi về. Điều này càng đẩy chi phí cao thêm.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là ngay cả khi đạt chất lượng, chủng loại sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc.
“Nếu so với các hỗ trợ mà công nghiệp hỗ trợ ngành chế tạo được chính phủ các nước áp dụng thì doanh nghiệp Việt Nam quá thiệt thòi”, bà Bình cho hay.
Về mặt pháp lý, Việt Nam đã có nhiều chính sách thay đổi trong thời gian qua. Nghị quyết 50 về thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới đã được thông qua, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đang được cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung những chính sách mới để thu hút vốn FDI “sạch”, công nghệ cao trong bối cảnh mới.
Giáo sư Nguyễn Mại nhận định, Việt Nam cần hành động nhanh hơn nữa nếu muốn tạo thế cân bằng với các đối thủ cạnh tranh trong cuộc đua đón làn sóng dịch chuyển đầu tư sau dịch Covid-19.
Để tối ưu hóa cơ hội trước mắt, ông Nguyễn Mại cho rằng, Chính phủ cần cải thiện hạ tầng đất đai, công nghệ, nhân lực. Các thủ tục đầu tư phải được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian thẩm định, cấp phép. Cuối cùng là hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh dự án bằng cơ chế một cửa.
Bà Trương Thị Chí Bình cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ đón bắt được thời cơ dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, Chính phủ cần tiếp cận để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia này đang có ý định dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc sang thị trường thứ ba.
Bên cạnh đó, cần có kế hoạch chi tiết hình thành các tổ hợp, liên danh công nghiệp hỗ trợ gồm các doanh nghiệp nhỏ, các cụm liên kết sản xuất (industrial cluster), hoặc có biện pháp cụ thể ưu đãi cho các công ty công nghiệp hỗ trợ cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu mới.
“Cần xây dựng các chương trình hiệu quả khuyến khích hỗ trợ khởi sự doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ các ngành chế tạo”, bà Bình đề xuất.
Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS, TS.Nguyễn Đức Thành, cố vấn, nguyên Viện trưởng Viện VEPR cho rằng, Trung Quốc không dễ gì để nền kinh tế bị rút ruột, hiệu ứng doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy giống sự sụp đổ domino sẽ khiến nền kinh tế nước này chịu tổn thương sâu sắc, lao động mất việc, khủng hoảng kinh tế.
Trong khi đó, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Việt Nam không phải là điểm đến lý tưởng, sự lựa chọn số 1 đáng mong đợi của doanh nghiệp lớn bởi chúng ta còn có nhiều đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia...
“Hơn nữa, chi phí sản xuất, chất lượng lao động, cơ sở hạ tầng và chuỗi sản xuất của Việt Nam còn yếu kém so với các nước trong khu vực”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành thẳng thắn bày tỏ.
Hiện nay, như đã thấy, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu hành động, thậm chí là rất quyết liệt và kiên trì để dành nhiều lợi thế nhất có thể, nhằm phát triển kinh tế, xã hội, sản xuất của đất nước.
Việt Nam đã sẵn sàng tâm thế “đón Đại bàng”, hướng đến một quốc gia công nghiệp trong tương lai sắp tới.
“Lời giải ở phía Việt Nam, chúng ta phải tự cải thiện chính mình, từ thể chế, vai trò lãnh đạo địa phương, đặc biệt là chuỗi cung ứng, sản xuất cần hoàn thiện hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn, đa quốc gia đặt chân”, PGS, TS.Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.