Samsung bắt tay với CMC Corp
“Giám đốc điều hành của công ty CNTT- CMC có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh đang có tham vọng tiến ra toàn cầu trong vòng 5 năm tới”, tờ báo Nhật Bản Nikkei thông tin.
Theo đó, một đơn vị của Tập đoàn Samsung Electronics Hàn Quốc vừa chi khoản lớn trị giá 40 triệu USD mua 30% cổ phần công ty Công nghệ thông tin lớn thứ hai của Việt Nam là CMC Corp với hy vọng sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư để tập trung vào phát triển “mạng lưới internet” và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.
CMC hy vọng động thái mở rộng hợp tác này với Samsung mang phạm vi toàn cầu sẽ giúp tăng gấp đôi doanh số bán hàng của doanh nghiệp này ở nước ngoài lên hơn 30% vào năm 2023.
CMC là doanh nghiệp chuyên sản xuất các hệ thống máy tính và dịch vụ liên quan đến internet cho Samsung kể từ năm 2016. Samsung hiện đã hoàn tất việc mua lại 25% cổ phần của cổ phiếu CMC mới và 5% còn lại sẽ được mua trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành của CMC Nguyễn Trung Chinh cho biết cam kết này của Samsung sẽ thúc đẩy CMC trở thành một công ty toàn cầu trong năm năm tới.
Bộ phận phát triển hệ thống của Samsung Electronics, Samsung SDS, đã tuyên bố vào cuối tháng 7 rằng họ sẽ mua 25% cổ phần với giá khoảng 4 tỷ yên (38 triệu đô la). Theo Nikkei, đây được xem là một trong những khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào một công ty CNTT Việt Nam, mặc dù có những vụ thâu tóm lớn hơn nhiều.
Ông Nguyễn Trung Chinh phát biểu với Nikkei rằng Samsung đã chủ động thực hiện bước đi đầu tiên.
"Chiến lược kinh doanh của chúng tôi gần giống như Samsung. Hợp tác với gã khổng lồ công nghệ này sẽ cho phép chúng tôi cải thiện trình độ công nghệ và đưa ra quyết định nhanh chóng hơn”, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của CMC chia sẻ.
Hiện tại, Samsung Electronics có hai nhà máy điện thoại thông minh ở tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, miền bắc Việt Nam. Mỗi năm, họ sản xuất hơn 150 triệu thiết bị cầm tay.
Samsung cũng điều hành một nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng tại thành phố Hồ Chí Minh với các nhà cung cấp linh kiện điện tử hoạt động trên khắp cả nước. Các sản phẩm của Samsung chiếm khoảng 25% tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam theo giá trị và công ty có khoảng 200 đối tác kinh doanh trong nước.
Thông qua việc hợp tác, CMC và Samsung SDS đang hướng tới việc tích hợp các hệ thống CNTT của họ và sử dụng mạng lưới internet cũng như công nghệ AI để tự động hóa dây chuyền sản xuất. Khi mô hình này được thành lập tại Việt Nam, “chúng tôi có thể tiến hành xuất khẩu sang các thị trường khác”, ông Chinh tin tưởng.
CMC muốn tăng doanh số hàng năm của mình lên 25 nghìn tỷ đồng (1,1 tỷ USD) gấp 4 lần so với mức hiện tại vào năm 2023. Hiện công ty đã có một văn phòng ở Yokohama và CMC coi Nhật Bản là thị trường quan trọng nhất của mình. Công ty này cũng dự định tăng số lượng nhân viên lên gấp 10 lần vào năm 2023.
Tiềm năng công nghệ thông tin rất lớn của Việt Nam
Ông Nguyễn Trung Chinh cũng chỉ ra tiềm năng to lớn trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam.
Chính phủ đã thông qua luật an ninh mạng có hiệu lực từ tháng 1 năm 2019. Theo đó yêu cầu dữ liệu cá nhân của người dùng internet trong nước phải được lưu giữ tại Việt Nam.
Chủ tịch CMC cho biết thêm, nhu cầu về các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến bảo mật sẽ còn tăng hơn nữa. Ngoài ra, CMC cũng hiểu rõ rằng, sự khởi đầu của dịch vụ truyền thông không dây thế hệ thứ năm sẽ giúp ích cho ngành công nghệ tại Việt Nam.
CMC được thành lập vào năm 1993 nhằm xây dựng hệ thống máy tính cho khách hàng doanh nghiệp và phát triển phần mềm tại Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Doanh thu năm 2018 của doanh nghiệp này đạt 5,6 nghìn tỷ đồng, và lợi nhuận trước thuế là 300 tỷ đồng.
Nikkei đánh giá, các công ty Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư mạnh vào thị trường Việt Nam khi mà làn sóng đầu tư khu vực tư nhân Nhật Bản vào các quốc gia Đông Nam Á đang suy yếu dần. Đáng chú ý, vào cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn SK của Nhật đã đồng ý đầu tư khoảng 110 tỷ yên để mua 6,1% cổ phần của Vingroup.
Hoạt động kinh doanh của Vingroup rất rộng, từ thị trường bất động sản đến các ngành hàng bán lẻ. Doanh nghiệp này bắt đầu sản xuất ô tô vào tháng 6 và còn có ý định tham gia kinh doanh hàng không dân dụng. Ngoài ra, Tập đoàn SK cũng đã mua 9,5% cổ phần của nhà sản xuất thực phẩm lớn Masan Group vào tháng 9 năm 2018.
Vào tháng 7 vừa qua, Ngân hàng KEB Hana cũng cho biết sẽ mua 15% cổ phần của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam với giá trị giá khoảng 95 tỷ yên.
Các hãng sản xuất hàng đầu thế giới cũng nhìn thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam. Tập đoàn thiết bị gia dụng hàng đầu của Hàn Quốc LG Electronics có kế hoạch ngừng sản xuất điện thoại thông minh trong nước vào cuối năm nay và tăng gấp đôi công suất sản xuất hàng năm của nhà máy tại miền bắc Việt Nam lên 11 triệu thiết bị. Quả nhiên, Việt Nam giống như “thỏi nam châm” thu hút hàng loạt nhà đầu tư quốc tế đến với nền kinh tế đang có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực châu Á này.