Về công tác tổ chức cũng như chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho biết, các hội đồng thi sẽ tiến hành công tác chuẩn bị cho việc chấm thi ngay từ ngày mai 11/8, đồng thời, phần mềm chấm thi trắc nghiệm đã “thông minh hơn” – hỗ trợ phát hiện và sửa lỗi.
Thi Tốt nghiệp THPT: Mỗi bài thi phải có hai giám khảo khác nhau chấm
Hôm nay ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 tại tỉnh Hòa Bình.
Trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có trên 9.000 thí sinh dự thi tại 37 điểm thi chính thức với 416 phòng thi. Địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác tổ chức kỳ thi. Các vấn đề về cơ sở vật chất, nhân sự, phương án ứng phó, khắc phục thiên tai, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 đã được triển khai chi tiết, cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 là an toàn, nghiêm túc nhưng không gây căng thẳng. Tính đến lúc này, công tác tổ chức thi tại tỉnh Hòa Bình đã diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Vấn đề phòng chống dịch Covid-19 được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Trước mắt nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Hòa Bình cũng như các địa phương khác là phải hoàn thành công tác chấm thi, đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng, chính xác. Tỉnh lưu ý rà soát cơ sở vật chất, đảm bảo cho việc chấm thi được thực hiện chính xác.
Sau 2 ngày thi, việc đảm bảo giãn cách và đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay đã được Hòa Bình thực hiện nghiêm túc.
Toàn tỉnh Hòa Bình không có thí sinh, cán bộ coi thi nào vi phạm quy chế thi, không có thí sinh có biểu hiện ho, sốt. Vấn đề an ninh trật tự ở các điểm thi được bảo đảm.
Đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Chuyên Hoàng Văn Thụ và Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Hòa Bình.
Ông Nguyễn Hữu Độ lưu ý các cán bộ, giáo viên và lực lượng chức năng ở các điểm thi cần nêu cao trách nhiệm, tiếp tục thực hiện nghiêm quy chế thi, đảm bảo an toàn ở điểm thi và đặc biệt lưu ý công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thứ trưởng Bộ Giáo dục cũng động viên thí sinh tự tin làm bài thi.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý, tới đây công tác chấm thi cần thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế. Phải bảo đảm mỗi bài thi có hai giám thị chấm thi khác nhau.
“Đặc biệt, cán bộ chấm thi phải chấm đều tay, không để chênh lệch quá lớn giữa giám khảo 1 và giám khảo 2. Muốn vậy, cán bộ chấm thi phải nắm rõ biểu điểm để chấm cho chính xác”, đại diện Bộ GTD&ĐT khẳng định.
Về chấm trắc nghiệm, Thứ trưởng đề nghị, phải chạy thử phần mềm kỹ càng trước khi chạy chính thức. Quan trọng là, giữa phần mềm với máy tính và giấy in phải tương thích với nhau.
“Cần hết sức quan tâm và bảo đảm các quy trình thực hiện chặt chẽ, đúng quy chế”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu rõ.
Công tác thanh tra chấm thi tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 đã sẵn sàng
Sáng 10/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức buổi gặp mặt giao nhiệm vụ với 32 đoàn thanh tra chấm thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại 63 tỉnh thành. Đến dự buổi làm việc có ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2218/QĐ-BGDĐT và 2219/QĐ-BGDĐT thành lập 32 đoàn Thanh tra công tác chỉ đạo, tổ chức chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại 63 sở.
Ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, 32 đoàn thanh tra tại 63 Sở Giáo dục và Đào tạo có tổng số cán bộ, chuyên viên, giảng viên đại học là 191 người (31 đoàn 6 người, mỗi đoàn chia 2 nhóm, mỗi nhóm làm nhiệm vụ tại 1 Sở GD&ĐT; 1 đoàn thanh tra tại Sở GD&ĐT Hà Nội).
Trong số 191 thành viên tham gia đoàn thanh tra lần này, có 63 người là cán bộ, giảng viên đến từ 32 cơ sở giáo dục Đại học trong cả nước; 127 người là lãnh đạo, chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng, Đề án của Bộ; 15 đồng chí cán bộ công chức đã tham gia kiểm tra công tác chuẩn bị thi, tiếp tục tham gia thanh tra chấm thi…
Các đoàn đã họp và phân công cụ thể với từng thành viên đoàn, xây dựng kế hoạch chuyển Thanh tra phê duyệt; đồng thời thông báo đến các địa phương kế hoạch thanh tra và lịch trình thanh tra.
Cơ quan Thanh tra cũng hoàn chỉnh tài liệu, gửi các biểu mẫu thực hiện nhiệm vụ và đặc biệt liệt kê nội dung cơ bản đoàn thanh tra công tác chỉ đạo, tổ chức chấm thi của Bộ phải thực hiện kể từ ngày đầu tiên cho đến khi kết thúc thanh tra, bàn giao hồ sơ.
Việc thanh tra chấm thi của các đoàn dài nhất từ 11/8 đến 26/8/2020 và có thể kết thúc sớm hơn tùy theo khối lượng bài chấm, tiến độ chấm và nhập điểm của từng địa phương.
Trong buổi làm việc ngày hôm nay, đại diện một số đoàn đoàn thanh tra đã gửi lời cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ tận tình của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra Bộ đến các đoàn.
Bên cạnh đó, các đoàn cũng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất mong muốn hỗ trợ trong thời gian các đoàn làm nhiệm vụ. Các đoàn thể hiện quyết tâm cao hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ và Thanh tra Bộ tin tưởng giao phó.
Về phần mình, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều thay đổi, có nhiều điểm mới trong công tác thanh tra thi. Mặc dù vậy, công tác thanh tra chấm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đã sẵn sàng, đó là cả một quá trình chuẩn bị, chỉ đạo sát sao và quyết liệt của lãnh đạo Bộ và Thanh tra Bộ.
Thanh tra công tác chấm thi là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao. Do đó, Bộ mong muốn các cán bộ phát huy tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản lý để hoàn thành nhiệm vụ...
Thứ trưởng đánh giá cao các cán bộ công chức đã thực hiện nghiêm túc, chủ động tham gia công việc với tinh thần trách nhiệm cao theo chỉ đạo của Bộ từ các khâu tập huấn, đến thanh tra chấm thi.
Các cán bộ công chức tham gia vào 32 đoàn thanh tra năm nay đều đã được Bộ Giáo dục cân nhắc, lựa chọn kĩ càng về mặt tinh thần trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ...
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các trưởng đoàn quán triệt từng thành viên thực hiện nghiêm túc quy định, quy trình thanh tra theo quy định pháp luật về thanh tra, không gây phiền hà, ảnh hưởng hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra. Đặc biệt thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho đoàn công tác...
Nhân dịp này, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã trao tặng 32 đoàn làm công tác một số thiết bị phòng chống, dịch để đảm bảo an toàn sức khỏe gồm khẩu trang và nước rửa tay khử trùng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có thanh tra siết chặt khâu chấm thi Tốt nghiệp THPT
Như vậy, chiều nay, 10/8, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 đã diễn ra môn thi cuối cùng - môn ngoại ngữ. Các địa phương sẽ tiến hành công tác chấm thi ngay sau đó.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc vận chuyển bài thi của thí sinh từ điểm thi về điểm tập kết để bàn giao phải luôn có sự giám sát của lực lượng công an. Phải có camera an ninh giám sát ghi hình 24 giờ/ngày tại phòng bảo quản bài thi, phòng chấm thi.
Khác với năm 2019, năm nay các địa phương được giao chủ trì tổ chức chấm toàn bộ các bài thi, gồm cả tự luận và trắc nghiệm. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác chấm thi tại địa phương để đàm bảo việc chấm thi diễn ra nghiêm túc, khách quan.
Cụ thể, Bộ sẽ điều động lực lượng thanh tra của Bộ “cắm chốt” tại từng địa phương nhằm giám sát chặt khâu chấm thi. Theo quy định, mỗi bài thi tự luận sẽ được 2 cán bộ chấm chi chấm độc lập, bài thi trắc nghiệm được chấm trên phần mềm.
Các địa phương có trách nhiệm tiếp nhận mã khóa phần mềm chấm thi từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ cũng yêu cầu các điểm chấm thi trắc nghiệm phải chấm thử một số bài, thấy bảo đảm an toàn mới tiến hành chấm chính thức, tránh những trường hợp bất thường.
Bộ quy định, các địa phương phải hoàn thành công tác chấm thi và gửi dữ liệu kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo chậm nhất đến ngày 26/8/2020.
Phần mềm chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 “thông minh hơn”?
Trả lời về công tác tổ chức cũng như chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) Mai Văn Trinh cho biết trong cuộc họp báo rằng, các hội đồng thi sẽ tiến hành công tác chuẩn bị cho việc chấm thi ngay từ ngày mai.
Theo ông Trinh, Bộ đã chỉ đạo địa phương về các điều kiện cần thiết để chuẩn bị cho công tác chấm thi. Đến nay, các địa phương cơ bản đã chuẩn bị xong.
“Thứ nhất là địa điểm để lưu trữ bài thi của toàn bộ hội đồng thi – đây là một khâu rất quan trọng và được các địa phương chuẩn bị khá kỹ lưỡng, kể cả vấn đề an toàn cũng như an ninh. Thứ hai, các địa phương cũng đã chuẩn bị địa điểm làm phách để đảm bảo yêu cầu cách ly theo quy chế. Thứ ba, vùng chấm thi tự luận thì bảo đảm yêu cầu tổ chức chấm thi 2 vòng độc lập bài thi tự luận môn Ngữ văn”, ông Trinh nói.
Việc chuẩn bị với các bài thi trắc nghiệm cũng đã hoàn tất. Phần mềm chấm thi đã được Bộ gửi về các đơn vị từ sớm. Bên cạnh đó, các thiết bị máy quét, máy tính phục vụ cho việc chấm thi trắc nghiệm đã được lắp đặt.
Trong ngày mai, các đơn vị được yêu cầu tổng rà soát, đặc biệt là các điều kiện để chấm thi trắc nghiệm, chạy thử hệ thống để đảm bảo khi vận hành không xảy ra trục trặc.
Bộ GD-ĐT cũng có bộ phận thường trực, nhất là về kỹ thuật để hỗ trợ các đơn vị khi cần thiết.
Cũng theo ông Trinh, việc chấm thi trắc nghiệm được máy thực hiện. Do đó, ngoài việc đã tiếp tục nâng cấp phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng thông minh hơn, giúo phát hiện các lỗi, các sai sót về bảo mật thông tin, Bộ còn tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp lên một bước nữa.
Cụ thể, tất cả các bài thi trắc nghiệm cũng sẽ được đánh phách điện tử. Tất cả dữ liệu đầu vào, dữ liệu trung gian, đầu ra trong quá trình chấm thi trắc nghiệm đều được mã hóa. Chỉ những người có trách nhiệm mới có thể giải mã với những bộ công cụ tương thích.
Bên cạnh đó, mọi tác động lên trên phần mềm chấm thi đều được lưu vết để sau này dễ dàng truy vết lịch sử hoạt động của phần mềm, nhằm xử lý trong những trường hợp cần thiết.
Quy trình chấm thi trắc nghiệm năm nay cũng tương tự như năm ngoái. Cán bộ sẽ tiến hành quét theo từng túi bài thi. Mỗi túi bài thi sẽ có tối đa 24 bài thi sẽ được quét.
“24 bài thi với máy quét tốc độ cao thì sẽ quét rất nhanh. Như vậy, thời gian xuất hiện bài thi ở khoảng thời gian thực là rất ngắn. Ngay sau đó, các bài thi đã được quét cũng được niêm phong ngay lại. Ngoài ra, trong toàn bộ quá trình đó, sẽ có sự chứng kiến của thanh tra và phía bên ngoài sẽ ngoài có lực lượng an ninh bảo vệ cho khâu an ninh, an toàn và giám sát quá trình này”, ông Trinh cho biết.
Theo ông, một trong những nâng cấp của phần mềm chấm thi năm nay là hỗ trợ phát hiện và sửa lỗi- một khâu bắt buộc trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm trước khi chấm bằng máy.
“Về mặt quản lý, chúng tôi cũng đã yêu cầu các hội đồng thi, ngay trong ngày hôm nay, sau khi thi xong, phải cập nhật lên hệ thống quản lý thi những thí sinh vắng hoặc bị xử lý kỷ luật ở mức độ đình chỉ thi, để sau này thuận lợi trong thống kê điểm, đặc biệt là điểm 0”, ông Trinh nói.
Tại cuộc họp báo chiều nay, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cũng cho hay, đáp án thi chính thức của Bộ GD-ĐT sẽ được công bố vào thời điểm thích hợp, tương ứng với lịch chấm thi.
Lịch trình công bố điểm thi sau khi hoàn thành việc chấm thi. Hình thức chấm thi sẽ đảm bảo không nghẽn mạng, không công bố thông tin cụ thể của thí sinh và hoàn toàn miễn phí.
Trả lời phóng viên về đề thi năm nay, ông Mai Văn Trinh cho biết đề thi trong đợt 1 của kỳ thi năm nay bám sát chương trình đã giảm tải của Bộ GD-ĐT, bám sát đề thi minh họa, vừa sức với thí sinh.
Ông Trinh cũng cho biết việc xây dựng đề thi đợt 2 cũng bám sát đề thi minh họa, tương ứng về độ khó với đợt 1 để đảm bảo cho thí sinh dự thi đợt 2.
“Đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 sẽ tổ chức khi nào tình hình dịch Covid- 19 kiểm soát được, trên cơ sở đề xuất của địa phương sẽ có phương án cụ thể”, ông Mai Văn Trinh thông tin.