Liệu vụ việc 11 ngư dân Ninh Thuận bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bắt vì hành vi đánh bắt trái phép tại khu vực ranh giới trên biển Việt Nam – Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ có liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá mà Bắc Kinh đơn phương áp đặt từ tháng 5/2020 vừa qua?
Tàu cá và 11 ngư dân Ninh Thuận bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ
Theo tin từ Văn phòng Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Thuận, Chủ tịch tỉnh này vừa có ý kiến chỉ đạo xác minh thông tin thân nhân 11 ngư dân tỉnh Ninh Thuận bị lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc bắt giữ vừa qua.
Tàu cá Ninh Thuận bị phía Cảnh sát Biển Trung Quốc bắt giữ mang số hiệu NT-91567.
Ngày 27/7, UBND tỉnh Ninh Thuận nhận Công điện đề ngày 23/7 của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông báo về sự việc một số ngư dân bị phía nước bạn bắt giữ liên quan đến hành vi “đánh bắt cá trái phép”.
Cụ thể, theo thông báo ngày 21/7, Hải Cảnh Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá Việt Nam mang số hiệu NT-91567 và 11 ngư dân Ninh Thuận vì có hành vi “đánh bắt trái phép” tại “vùng biển phía Trung Quốc” ranh giới trên biển Việt Nam – Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ.
Hiện nay, tàu cá này và toàn bộ 11 ngư dân đã phía phía Hải cảnh trung Quốc bắt giữ và đưa về thành phố Phong Thành, tỉnh Quảng Tây.
Mong sớm can thiệp để phía Trung Quốc thả ngư dân Việt Nam
Theo thông tin nhận được, tàu cá NT-91567 nằm dưới sự chỉ huy của ngư dân Nguyễn Hữu Mỹ (27 tuổi, ở P.Mỹ Đông, TP.Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận).
Ngoài anh Mỹ làm thuyền trưởng, trên tàu còn có 10 ngư dân khác tham gia hành nghề cá, đánh bắt, khai thác hải sản ở vùng biển thuộc ngư trường vịnh Bắc bộ của Việt Nam.
Sáng 11/8, trao đổi với báo Thanh Niên gia đình các ngư dân cho biết họ vô cùng lo lắng bởi những ngày qua vẫn chưa có thông tin cập nhật gì về 11 ngư dân bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bắt.
Chị Trần Thị Kim Loan (vợ thuyền trưởng Nguyễn Hữu Mỹ) kể, vợ chồng anh chị có 3 đứa con đang tuổi đến trường, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn.
Trên thực tế, mọi thu nhập phụ thuộc vào nghề đi biển của chồng.
Chị Loan cho biết thêm, tàu cá NT-91567 của chồng chị chuyên đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi hơn 1 tháng mới vào bờ.
“Bình thường cứ vài ba ngày chồng tôi điện về thăm nhà nhưng hơn nửa tháng nay thì bặt vô âm tín”, chị Loan chia sẻ.
Cũng theo lời kể của chị Loan, cách đây 3 hôm chị và mọi người có nghe thông tin chồng (ngư dân Nguyễn Hữu Mỹ) và 10 ngư dân trên tàu cá bị phía Trung Quốc bắt. Tất cả mọi người hiện đang hết sức lo lắng.
Là mẹ của hai ngư dân làm việc trên tàu anh Mỹ, bà Võ Thị Tám (62 tuổi, ở P.Mỹ Đông) cho biết 2 người con của bà là Trần Minh Vương (26 tuổi) và Trần Minh Hùng (32 tuổi) cùng làm nghề trên tàu cá NT-91567 và hơn nửa tháng nay không thấy liên lạc về nhà.
Làm việc với chính quyền, bà Tám rất mong các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm can thiệp để các ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ sớm được đoàn tụ với gia đình.
Vụ bắt ngư dân Việt Nam có liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc?
Vụ việc 11 ngư dân Ninh Thuận bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bắt vì hành vi “đánh bắt trái phép” tại “vùng biển phía Trung Quốc” ranh giới trên biển Việt Nam – Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ rất có thể liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc áp đặt từ tháng 5/2020 vừa qua.
Trên thực tế, lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông được Bắc Kinh ngang nhiên áp đặt đơn phương năm 1999. Ngày 3 tháng 5 vừa qua, Cục Hải cảnh Trung Quốc ra thông báo cho biết khu vực cấm đánh bắt cá mà họ áp đặt ở Biển Đông trải rộng từ vĩ tuyến 12 độ bắc trở lên.
Cụ thể, khu vực này bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam và các bãi cạn, bãi ngầm mà Trung Quốc tự gọi là “quần đảo Trung Sa”. Thời gian áp dụng lệnh cấm là từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8.
Ngay sau khi Cục Hải cảnh Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, ngày 4 tháng 5, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương về việc phản đối Trung Quốc đơn phương ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông.
Theo đó, Hội nghề cá Việt Nam và ngư dân kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý và không có giá trị pháp lý của phía Trung Quốc khi ban hành quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông kể từ ngày 1/5/2020.
Theo Hội Nghề cá Việt Nam, Trung Quốc đã có thông báo quy chế cấm đánh bắt cá trên biển Đông, phạm vi cấm đánh bắt trải dài từ vùng biển phía Bắc biển Đông đến 12 độ vĩ Bắc, bao gồm cả một phần vịnh Bắc bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
“Quy chế này xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và các vùng biển của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt nam, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan”, Hội nghề cá Việt Nam cho biết.
Công văn cũng lên án việc gần đây, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố việc thành lập hai cơ quan hành chính trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” nhằm kiểm soát phi pháp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
“Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình”, Hội nghề cá nhấn mạnh.
Hội nghề cá Việt Nam đã đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam có biện pháp phản đối mạnh mẽ nhằm ngăn chặn, chấm dứt hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Đồng thời, Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc, chống lại những hành vi gây hấn và ngang ngược ở Biển Đông của Bắc Kinh.
Khẳng định việc Trung Quốc ban hành lệnh tạm ngừng đánh bắt cá ở Biển Đông là “không có giá trị”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam và hướng dẫn tổ chức thành đoàn, đội khi đi sản xuất để hỗ trợ nhau trên biển.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng lưu ý, đối với tàu cá có Giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ năm 2019-2020 “không sang khai thác tại vùng biển phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ”.
Bộ NN&PTNT cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, giám sát hoạt động khai thác hải sản của tàu cá trên các vùng biển, đặc biệt phối hợp quản lý chặt chẽ việc xuất bến của tàu cá hoạt động trong thời gian này.
Việt Nam đề nghị Trung Quốc không làm phức tạp tình hình Biển Đông
Liên quan đến vấn đề này, hôm 8/5 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã có bình luận nêu phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đơn phương ban hành thông báo cấm đánh bắt cá phi pháp ở Biển Đông.
Theo đại diện Bộ Ngoại giao, là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.
“Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
“Cuộc chiến ngôn từ” liên quan đến lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh không dừng lại ở đó. Ngày 11/5, đáp lại phản ứng của Việt Nam, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) tuyên bố, Hà Nội không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Bắc Kinh.
“Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá của Bắc Kinh ở Biển Đông vì biện pháp này thuộc quyền hành chính của Trung Quốc”, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên lớn tiếng khẳng định.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh, Việt Nam không nên khuyến khích ngư dân xâm phạm chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như làm suy yếu sự phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản ở ngư trường rộng lớn này.
Bác bỏ những luận điểm mà Trung Quốc đưa ra, đồng thời tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam đối với quyền chủ quyền, quyền tài phán ở vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần khẳng định:
“Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế”.