Các chuyên gia Liban đã kể với Sputnik về chuyện tại sao hệ thống này không cần ràng buộc với tín ngưỡng của các chính trị gia và Liban liệu có thể sớm từ bỏ nó hay chăng.
«Hệ thống chính trị của Liban cần thay đổi ở đây và ngay lúc này. Không có đường quay lui. Tôi cho rằng cần phải giải tán Chính phủ. Tiếp theo là chuẩn bị tiến hành những cuộc bầu cử hoàn toàn minh bạch và trung lập, tuỳ thuộc vào phiếu bầu và ý chí nguyện vọng của các công dân Liban chứ không bị ràng buộc vào hệ thống của chủ nghĩa giải tội (confessionalization) đã tồn tại bao nhiêu năm về trước», - nghị sĩ Jumblatt nói trong cuộc phỏng vấn của Sputnik hôm thứ Bảy.
Có gì không ổn với hệ thống chính trị hiện hành?
Vấn đề là ở chỗ tại Lebanon diễn ra cuộc đấu liên tục giữa hai nguyên tắc xây dựng Nhà nước – trên cơ sở dân sự hoặc hệ thống chủ nghĩa giải tội (khi mà tổ chức quyền lực Nhà nước phù hợp với sự phân chia xã hội thành các cộng đồng tôn giáo). Vào khoảng giữa những năm 1940, ngay sau khi Liban không còn là lãnh thổ chịu sự quản lý của Pháp, hình thức thứ hai đã thắng thế.
Hệ thống của chủ nghĩa giải tội (hoặc quản trị tòa giải tội) quy định phân bổ các chức vụ hàng đầu trong quốc gia dựa theo xu hướng tín ngưỡng của ứng viên. Chẳng hạn, vị trí Thủ tướng nhất thiết phải do người Hồi giáo dòng Sunni đảm trách, nhân vật theo đạo Thiên chúa Maronite giữ chức Tổng thống, còn Chủ tịch Quốc hội phải là tín đồ Hồi giáo dòng Shiite. Tuy nhiên, tình hình còn phức tạp hơn nữa do trong nội bộ Liban có tới khoảng 18 nhóm tín ngưỡng, và mỗi nhóm cần được kết cấu vào thiết chế hệ thống chính trị của đất nước.
Quyền hạn và số lượng ghế trong nghị viện cũng được phân định tương ứng với hạn ngạch giải tội, tức là theo tỷ lệ xác lập giữa đại diện các cộng đồng tôn giáo khác nhau. Hơn thế nữa, hệ thống chính trị nội bộ không có giới hạn. Sự phân bổ các vị đại sứ Liban cũng ràng buộc chặt chẽ với chủ thuyết giải tội. Mỗi nhóm tôn giáo được chỉ định một nước để cử đại diện của họ đến làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền. Ví dụ, ở Liên bang Nga, đại sứ Liban luôn luôn là người thuộc nhóm Druze, truyền thống này tiếp nối từ thời Liên Xô.
Các vấn đề với hệ thống chính trị như vậy đã dẫn đến nội chiến dài ngày suốt những năm 1975-1990. Trong quá trình ký kết Hiệp định Hòa bình Taif, đã nhất trí thông qua Hiến chương Đồng thuận Quốc gia: trên cơ sở văn kiện này, chủ nghĩa giải tội cần lui vào lịch sử.
Nhưng mà không. Các chức vụ chủ chốt cho đến ngày nay vẫn được phân định trên cơ sở đặc tính tôn giáo. Hơn thế nữa, trên cơ sở hệ thống quản trị theo kiểu chủ nghĩa giải tội, phái Shiite Hezbollah lớn nhất đã phát triển mạnh hơn, kiểm soát miền nam đất nước và biên giới Liban-Israel. Hiện nay vùng đất của rừng cây tuyết tùng đang phải gặt trái đắng của sự thao túng này.
Luật bầu cử: nếu cần, thì thế nào ?
Đến lượt mình, văn sĩ kiêm nhà báo Liban Amin Qamouriyeh cho rằng trong nước nhất thiết cần có đạo luật mới về bầu cử - hơn nữa, phải vạch rõ và chính xác tất cả những sai lầm của hệ thống hiện tại, không để cho trong nước diễn ra tình trạng chuyển giao quyền lực theo bang phái gia tộc hoặc sắc màu tôn giáo.
«Việc hình thành đạo luật bầu cử mới cần xác định toàn bộ tiến trình giai đoạn mới của đời sống chính trị trong nước. Điều chính yếu là nó phải củng cố bước thoát ly rời bỏ chủ nghĩa giải tội. Thay thế bằng cái gì, hãy cứ tin tôi đi, điều đó không quá quan trọng đâu. Chỉ cần không phải là nhánh cuối của diễn biến bế tắc hôm nay mà thôi. Thiết nghĩ, các chính trị gia nên ngồi vào bàn đàm phán và cuối cùng xác định xem họ đã sẵn sàng đi bỏ phiếu và thành lập một Chính phủ mới như thế nào - nếu từ nay sẽ không ai nhìn vào tín ngưỡng mà xét. Yêu cầu cực kỳ quan trọng là quyết định đưa ra phải được sự bảo vệ pháp lý», - ông nói.
Hình thái Nhà nước lý tưởng
Như vậy, Liban dù sao vẫn cần có một hệ thống chính trị mới. Nhưng hệ thống kiểu nào? Loại thiết chế nào là thay thế lý tưởng cho chủ nghĩa giải tội và đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng cực kỳ nặng nề kéo dài triền miên?
Bàn về điều này, ông Amin Qamouriyeh nói thêm:
«Bất kỳ kiểu hệ thống nào, ngoại trừ phân bố theo chủ nghĩa giải tội, giờ đây đều phù hợp với Liban. Điều quan trọng là định hướng vào nguyện vọng và yêu cầu của công dân, chứ không tuân theo yếu tố động lực nào khác. Chủ nghĩa giải tội đã là hệ thống hàng đầu trong nền chính trị Liban suốt gần 100 năm và đã đặt đất nước bên bờ vực của sự sinh tồn. Do đó, chúng tôi cần thứ gì đó có thể đoàn kết người Liban, chứ không nhắc nhở họ về những khác biệt bất đồng. Như thế, đất nước sẽ phục hồi nhanh chóng hơn nhiều», - chuyên gia nhận định.
Quyền lực của đường phố
Cựu nghị sĩ Liban từ đảng Maronite là ông Elias Hanakesh, đã tuyên bố từ chức ngay sau vụ nổ ở cảng Beirut, cũng thấy tương lai của Liban trong viễn cảnh thay đổi toàn bộ hệ thống. Theo lời ông, sẽ không thể kìm hãm làm chậm quá trình này: trong những ngày tháng biểu tình, đường phố đã tập hợp được sức mạnh quyền lực mà không một thủ lĩnh chính trị nào ở Liban có thể ngăn nổi.
«Ngày nay đường phố mạnh hơn nhiều so với Chính phủ Liban và giới tinh hoa chính trị của đất nước. Nếu họ cố kìm hãm sự thay đổi hệ thống chính trị trong nước, nhân dân sẽ đơn giản là quét sạch họ mà thôi. Tôi cho rằng tất cả đã hiểu ra rồi. Hiện thực là nếu như không lật đổ Chính phủ hiện tại và xây dựng một thiết chế mới hoàn toàn từ số 0, thì sẽ chẳng thay đổi được bất cứ điều gì nữa», - ông giải thích trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình chống Chính phủ và tình trạng bất ổn ở Liban vẫn tiếp diễn không giảm bớt. Đêm rạng sáng thứ Hai, một lần nữa xảy ra đụng độ lớn giữa đám đông biểu tình và cảnh sát, khi các nhân viên công lực phong toả những đường phố xung quanh trụ sở Quốc hội. Yêu sách của người biểu tình không đổi khác: Chính phủ phải chịu trách nhiệm về thảm họa ở cảng Beirut và từ chức. Thế rồi 9 thành viên nghị viện Liban cũng như các Bộ trưởng Thông tin - Manal Abdel Samad - và Bộ trưởng Môi trường - Damianos Qattar - đã từ chức.