Đạt tới độ cao
Các tác giả của tài liệu nhắc nhở rằng, kể từ thời cổ đại, các chỉ huy đã tìm cách chiếm vị trí thuận lợi trên đỉnh cao trước trận chiến để giành được lợi thế chiến lược: theo dõi các hành động của đối phương, quan sát chiến trường mà không bị can thiệp, loại trừ khả năng bị tấn công bất ngờ. Vị trí thuận lợi nhất trong thế kỷ 21 là quỹ đạo gần trái đất. Nó mang lại cho Hoa Kỳ những cơ hội độc đáo để lập kế hoạch và tiến hành các hoạt động quân sự. Theo Lầu Năm Góc, Lực lượng Không gian phải kiểm soát quỹ đạo Trái đất.
Các hoạt động quân sự trong không gian được người Mỹ coi là chiến lược chiến tranh đặc biệt. Ở đây cần phải hành động rất tích cực để "đạt được ưu thế". Tấn công và phòng thủ tích cực.
"Các chiến dịch tấn công nhằm vào tiềm năng không gian và các hệ thống phòng thủ không gian của đối phương để làm giảm hiệu quả và khả năng sát thương của các lực lượng của đối phương, - tài liệu này nhấn mạnh. - Cần phải đạt được lợi thế để vô hiệu hóa sớm các sứ mệnh không gian của các quốc gia không thân thiện với Mỹ". Ở đây nói không chỉ về các hệ thống phòng thủ tên lửa, mà còn về "toàn bộ tiềm năng chống vệ tinh của đối phương".
Gia tăng quân số, làm đối phương "điếc" và "mù" ...
Lực lượng Không gian sẽ chịu trách nhiệm bảo đảm "an toàn" cho quỹ đạo gần Trái đất để Hoa Kỳ và các đồng minh có khả năng lên quỹ đạo, cũng như "phô trương sức mạnh quân sự" để dọa dẫm đối thủ và buộc đối phương phải thay đổi hành vi của mình. Các tàu vũ trụ quỹ đạo có thể tái sử dụng sẽ vận chuyển hàng hóa và nhân sự; một hệ thống vệ tinh mạnh mẽ sẽ được thành lập để truyền thông tin nhanh chóng ở tất cả các cấp.
Không có gì bí mật, quân đội Mỹ và NATO đang tích cực sử dụng vệ tinh để chỉ huy và kiểm soát quân đội và vũ khí, sử dụng các vệ tinh trinh sát, thông tin liên lạc và điều hướng. Trên quỹ đạo hiện có khoảng 1.000 phương tiện quân sự và đa dụng của phương Tây. Tuy nhiên, Lực lượng Vũ trụ Nga đang theo dõi các quỹ đạo, chu kỳ quỹ đạo của các vệ tinh phương Tây và các "khu vực quan tâm" của chúng. Những hành vi của nhóm vệ tinh quỹ đạo cho thấy rõ ý định của "đối phương tiềm năng". Mỹ nhận ra tất cả những điều này, chính bởi vậy các tác giả của học thuyết Lực lượng Không gian Hoa Kỳ nhấn mạnh sự cần thiết phải tước bỏ khả năng thu được bất kỳ thông tin nào từ nhóm quỹ đạo của các "đối thủ" của Mỹ (chúng ta biết rõ ai là đối thủ chính). Cơ quan Chỉ đạo các Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến DARPA đang triển khai chương trình phóng tới 200 vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo thấp. Các vệ tinh này sẽ tạo thành một mạng lưới. Do kích thước nhỏ của các thiết bị này các phương tiện trinh sát không gian khó có thể phát hiện chúng, và số lượng lớn sẽ gây khó khăn cho việc tiêu diệt chúng. Theo kế hoạch, Hoa Kỳ sẽ bắt đầu triển khai hệ thống vệ tinh như vậy vào năm 2022.
Mỹ khôi phục khái niệm "Chiến tranh giữa các vì sao"
Nhiều chuyên gia chắc chắn rằng, Hoa Kỳ sẽ không giới hạn bởi việc triển khai các vệ tinh. Tài liệu vừa được công bố không nói thẳng về điều này, nhưng rõ ràng là sớm hay muộn Mỹ sẽ phóng các hệ thống vũ khí lên quỹ đạo gần trái đất. Alexey Podberezkin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị - Quân sự thuộc trường Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Matxcơva (MGIMO) nói như vậy trong cuộc phỏng vấn của Sputnik.
"Chúng ta đang nói về vũ khí tấn công: các loại vũ khí động năng, laser, điện từ, thậm chí là vũ khí hóa học. Có rất nhiều lựa chọn. Nếu vũ khí tấn công được lắp đặt trên vệ tinh, thời gian bay của đạn dược tới mục tiêu sẽ giảm mạnh vì đây là đường bay ngắn nhất. Do đó, tất cả điều này là một mối đe dọa thật đối với an ninh quốc gia của nước Nga".
Alexey Podberezkin nhấn mạnh rằng, Nga đang phát triển các hệ thống chống vệ tinh để giảm thiểu mối đe dọa bị tấn công từ quỹ đạo. Và các hệ thống này phải đạt hiệu quả cao để Nga không bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang siêu tốn kém trên quỹ đạo.